“Năm học vừa qua, học sinh giỏi của trường đạt 35,8%, tỷ lệ khá, giỏi 79,2%; đoạt 17 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 60 giải học sinh giỏi cấp huyện; đoạt giải nhất toàn huyện cuộc thi hùng biện tiếng Anh, đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh. Năm học nào cũng có 3- 4 học sinh đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học Huế… Mới đây, trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối THCS trong toàn tỉnh và nhiều danh hiệu khác. Để có được những thành tích đó, cán bộ, giáo viên của trường đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”- thầy La Văn Tuất, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Dương mở đầu câu chuyện.
Giờ thể dục của học sinh Trường THCS Phú Dương
Cũng là công việc hàng ngày nhưng “câu chuyện” bắt đầu được làm nên bằng việc các cán bộ, giáo viên tự thay đổi bản thân, từ tác phong đến tư duy, phương pháp. Thay vì lên lớp đúng giờ như trước đây, giáo viên trường đến sớm trước 5 phút, ổn định lớp để học trò đi vào trật tự, khi giờ “điểm”, việc dạy và học lập tức được thực hiện nghiêm túc. Đổi tiết, các thầy cô cũng không về phòng hội đồng nghỉ ngơi như lệ thường, mà từ lớp này đến thẳng lớp khác, tiết kiệm được 5 phút. Thời gian tiết kiệm từng phút “nói lên” tác phong nhanh nhẹn, năng động, khẩn trương, ý thức tự giác. Tác phong, ý thức của thầy cô tự nhiên sẽ “truyền” sang học trò.
Đồng thời với sự thay đổi về tác phong, giáo viên của trường cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thay đổi, kết hợp nhiều phương pháp dạy học để học trò tiếp thu kiến thức khoa học, những kiến thức, kỹ năng khác một cách sâu rộng, và quan trọng là truyền cho các em niềm say mê học tập. Nổi bật là sự ra đời của các câu lạc bộ (CLB) như: CLB học sinh giỏi, CLB tiếng Anh, CLB bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, ngoại khóa… Mỗi CLB, thầy, cô giáo đưa ra phương pháp mang tính sáng tạo riêng, tạo sự hấp dẫn cho học trò. “Trong những giờ, những buổi ngoại khóa, chúng tôi truyền đạt kiến thức ngoại ngữ cho các em bằng những phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” như: “Đố vui để học”, “Rung chuông vàng”. Tham gia diễn đàn, ngoài những câu hỏi chính, những câu hỏi của “khán giả”, cũng là bạn học cùng lớp nên tâm lý các em rất thoải mái, hào hứng. Sai đâu, chưa chuẩn chỗ nào thì được bạn, được thầy sửa để “bù’ kiến thức, dễ “vào”, nhớ lâu và quan trọng là các em được kích thích sự mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh”, cô Phan Thị Diễm Thu, Trưởng bộ môn tiếng Anh của trường, Chủ nhiệm CLB tiếng Anh chia sẻ.
Trong những hoạt động trải nghiệm, các thầy, cô giáo bộ môn ngữ văn cùng nhau dày công dựng lại các vở tuồng, chèo để học trò “thấm” hơn về văn học dân gian. Hoặc giáo viên của các bộ môn là thành viên CLB học sinh giỏi luôn dõi theo học trò, cùng nhau “hội chẩn” tìm phương pháp để kích thích sự năng động, sáng tạo riêng, để từng em được phát triển theo cách thuận lợi nhất, say mê học tập, đạt hiệu quả cao nhất.
“Chúng tôi gắn trách nhiệm giảng dạy, giáo dục với kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, vậy nên mỗi giáo viên đều tích cực rèn luyện bản thân, trau dồi nâng cao kỹ năng, kiến thức để thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học. Những việc cần làm, mục tiêu cần đạt được cán bộ, giáo viên đăng ký đầu năm, đến cuối năm học từng người sẽ báo cáo bằng văn bản, chỉ ra những điều đã làm được, làm đến mức độ nào để tiếp tục phấn đấu. Tất cả vì sự trưởng thành về mọi mặt của học trò. Nỗ lực thay đổi của cán bộ, giáo viên nhà trường đã được “đền đáp” bằng kết quả học tập, rèn luyện của học trò. Ngoài kết quả học tập được nâng cao, các em còn được bồi dưỡng tâm hồn bằng những hoạt động trải nghiệm: “Em yêu biển đảo quê hương”, “Giúp bạn đến trường”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, thầy La Văn Tuất cho hay.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh