ClockThứ Sáu, 16/09/2022 05:47

Chọn các môn học lớp 10 của trường chuyên

TTH - Ngoài các môn học bắt buộc, các môn chuyên của học sinh lớp 10 trường chuyên trùng danh sách các môn lựa chọn nên các em chỉ chọn học 3 môn khác thay vì 4 môn như khối không chuyên.

Nhiều lớp 10 vắng bóng âm nhạc, mỹ thuậtMua sách giáo khoa lớp 10: Chờ khi nhà trường thống nhất các môn họcTrên 7.600 học sinh thi vào lớp 10 trung học phổ thông

Giờ học thực hành ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học các môn chuyên trong trường THPT chuyên, học sinh lớp chuyên toán, ngữ văn, lịch sử và các lớp chuyên ngoại ngữ chọn 4 trong 9 môn học lựa chọn, gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Cách chọn này tương tự với học sinh lớp 10 không chuyên.

Ở phần chuyên đề lựa chọn, học sinh lớp chuyên toán, ngữ văn, lịch sử, ngoài cụm chuyên đề học tập lựa chọn thuộc chương trình môn chuyên, học sinh chọn 2 cụm chuyên đề học tập lựa chọn của 2 môn học khác môn chuyên; đối với lớp chuyên ngoại ngữ, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập lựa chọn.

Riêng học sinh các lớp chuyên còn lại, gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, tin học, do môn chuyên thuộc danh sách môn lựa chọn, học sinh chỉ chọn học 3 môn khác thay vì 4 môn. Ví dụ, học sinh chuyên hóa có thể sẽ lựa chọn các môn, như vật lý, sinh học và tin học chứ không học môn hóa với tư cách là môn lựa chọn nữa.

Em Nguyễn Uyên Nhi, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết: Em đang học chuyên sử nhưng em đăng ký vào tổ hợp lý, hóa, sinh, địa và dự tính thi đại học vào khối A1. Còn hơn nửa lớp của em đều chọn tổ hợp lý, hóa, mỹ thuật, âm nhạc theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của mỗi người.

Bộ GD&ĐT quy định nội dung dạy học của mỗi môn chuyên, gồm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và một số nội dung khác. Tổng thời lượng mỗi môn chuyên bằng 150% thời lượng chương trình môn học của hệ không chuyên (tính cả thời lượng của các chuyên đề học tập lựa chọn). Học sinh chuyên vẫn sử dụng các đầu sách giáo khoa theo danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt và UBND tỉnh lựa chọn. Em Hồ Ngọc Anh, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết, đa số sách giáo khoa các môn học chính đều đáp ứng đủ; tuy nhiên, một số sách chuyên đề, chuyên sâu và sách âm nhạc, mỹ thuật... học sinh có thể lấy tài liệu trên các trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT về học.

Tại hội nghị tổng kết năm học do Bộ GD&ĐT chủ trì, vẫn còn một số trường chuyên của các tỉnh, thành gặp khó khăn khi quyền lựa chọn môn học của lớp chuyên bị bó hẹp, do sự ấn định tổ hợp môn học lựa chọn ở các trường. Chẳng hạn, lớp chuyên ngoại ngữ sẽ được nhà trường ấn định tổ hợp môn học lựa chọn gồm các môn khoa học xã hội. Nếu học sinh chuyên ngoại ngữ muốn chọn tổ hợp các môn khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học… cũng không được.

Tuy nhiên, thực trạng này không xảy ra ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế. Theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Nguyễn Phú Thọ, nhà trường cho các em chọn 4 môn học và 9 tổ hợp cũng như đáp ứng nguyện vọng 1 của các em là 100%. Sau đó, các lớp sẽ xếp lại để một buổi các em học môn bắt buộc theo chương trình lớp chuyên còn các buổi khác sẽ học môn tổ hợp theo nguyện vọng mà các em đã chọn. Với cách làm này, giáo viên trong trường sẽ vất vả hơn khi vừa dạy các môn tổ hợp và môn bắt buộc. Ngoài ra, chia thời khóa biểu sao cho hợp lý để phù hợp với các chương trình quả không dễ.

Theo ông Thọ, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh, chương trình GDPT mới đáp ứng nhu cầu của các em, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Riêng các môn hội họa, âm nhạc, có đến 5 lớp đăng ký theo học và  hiện nhà trường chưa tuyển được giáo viên, nhưng sẽ hợp đồng để chương trình học của các em không bị gián đoạn.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hứng thú trong môn học Giáo dục quốc phòng, an ninh

Việc triển khai giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng, an ninh (QPAN) theo hướng thiết thực, hấp dẫn người học, sát yêu cầu thực tế và mang lại hiệu quả cao... là yêu cầu đặt ra cho Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Huế cũng như đội ngũ giáo viên, giảng viên.

Tạo hứng thú trong môn học Giáo dục quốc phòng, an ninh

TIN MỚI

Return to top