ClockThứ Năm, 18/11/2021 16:09

Dạy và học mùa dịch, cần sự sẻ chia

TTH - Dạy và học sao cho vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa hoàn thành chương trình năm học là sự lựa chọn đòi hỏi khả năng vượt khó và sự linh hoạt của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế.

Cần linh hoạt áp dụng hình thức dạy học trong mùa dịch Covid-19Dạy trước ống kính càng phải bản lĩnh, tự tinKịch bản cho năm học mới trong mùa dịch

Đảm bảo 5K khi đến trường

Khi dịch bệnh chơi trò… ú tìm

Học trực tiếp, trên truyền hình hay trực tuyến là sự băn khoăn khi cả tỉnh bước vào năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngày 28/9/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 2473/SGDĐT -VP về tăng cường các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học và hơn nửa học kỳ 1 vừa qua, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt áp dụng các hình thức dạy và học nêu trên.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phú (TP. Huế) cho biết, khối 3, 4 và 5 đã triển khai học trực tuyến từ năm học trước nên việc dạy và học diễn ra tương đối thuận lợi. Riêng đối với học sinh khối 1, 2 từ đầu năm học, các giáo viên thành lập các nhóm lớp thông qua ứng dụng mạng xã hội để trao đổi với phụ huynh về việc chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cũng như một số thao tác, kỹ năng cần thiết khác. Nhà trường cũng đã bố trí 2 buổi tối trong tuần để giáo viên và học sinh, phụ huynh gặp mặt trực tuyến để giải đáp những thắc mắc và có những chia sẻ để việc nâng cao hiệu quả việc học.

Cũng có những thời điểm, nhiều trường học trong tỉnh, học sinh được phép đến trường nhưng rồi dịch COVID-19 vẫn cứ chơi trò… ú tìm. Như ở  thị xã Hương Trà, Trường tiểu học Hương Chữ và Trường THCS Lê Quang Tiến (Hương Trà) bất ngờ phát hiện trường hợp học sinh dương tính với COVID-19. Vậy là, thầy trò và cả phụ huynh có liên quan đã phải cách ly tập trung với bao nỗi gian truân. Việc học gặp khó nhưng không vì thế mà ngừng lại khi có sự ứng phó, áp dụng linh hoạt các hình thức học phù hợp. Sự chủ động và linh hoạt là điều đáng ghi nhận.

Ông Trần Viết Văn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới chia sẻ, ngay cả giai đoạn đã học tập trung trở lại và lên phương án củng cố kiến thức cho các em, các trường học trên địa bàn huyện A Lưới vẫn chuẩn bị sẵn sàng các phương án dạy học trực tuyến và qua truyền hình nếu dịch bệnh phức tạp.

Sóng và máy tính cho em

 Chuyện mới và đáng nói vẫn là học trực tuyến và qua truyền hình, dù đã có gần một năm thực hiện. Cũng theo ông Văn, khó khăn ở A Lưới là chưa có đến 50% học sinh đủ điều kiện về trang thiết bị, máy móc để học trực tuyến và học qua truyền hình, đặc biệt là hai xã Hồng Thủy và A Roàng mới có khoảng 15% học sinh đáp ứng đủ điều kiện để học trực tuyến.

Đó cũng là tình hình chung toàn tỉnh và khó khăn từ cơ sở vật chất (máy tính) không đáp ứng yêu cầu đến đường truyền và công nghệ thông tin không đảm bảo. Từ Phú Vang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Văn Thịnh cho biết, nhiều trường trên địa bàn đã và đang kêu gọi hỗ trợ máy tính cũ để sửa chữa tặng học sinh nghèo. Hiện nay, với những học sinh không có bất kỳ thiết bị kết nối internet nào, ngành giáo dục huyện yêu cầu nhà trường chuyển đổi bài học qua giấy để gửi về cho các em và sau đó, giáo viên sẽ trao đổi với học sinh bằng điện thoại, một giải pháp tình thế.

Mới đây vào sáng 11/10, UBND tỉnh tổ chức lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình huy động nguồn lực góp sức tổng thể của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 14.000 học sinh khó khăn không có phương tiện để học trực tuyến, trong đó có 7.000 học sinh thuộc diện được hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đến nay, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế cũng đã vận động trong giáo viên, nhân viên toàn ngành mỗi người 1 ngày lương với trị giá khoảng 4 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1.400 máy tính bảng cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

An toàn sức khỏe là trên hết

Đã có nhiều thời điểm trong học kỳ 1 vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 được đẩy lùi và hạn chế. Đó được xem là “thời gian vàng” và các trường học đã tranh thủ tận dụng để dạy học trực tiếp, vừa kết hợp tăng cường các giải pháp chủ động trong công tác phòng, chống dịch; tập trung thời gian dạy học chương trình chính khóa, dừng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động học thêm, học tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và các hoạt động tụ tập đông người không cần thiết để tránh lây lan dịch và làm cản trở công tác truy vết, tầm soát.

Kết luận tại buổi họp trực tuyến mới đây với các đơn vị về tổ chức các hoạt động giáo dục và tăng cường giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, ông Nguyễn Tân chỉ đạo việc tổ chức phải trên phương án an toàn, hạn chế tiếp xúc, di chuyển thí sinh giữa các vùng và địa phương. Đối với kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ: căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị để xây dựng và tổ chức phù hợp, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT.

Riêng đối với tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các vùng an toàn được chỉ đạo tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, ưu tiên dành thời gian dạy học cho học sinh; còn đối với các vùng phải dạy học trực tuyến, lãnh đạo các nhà trường có hình thức phù hợp để động viên đội ngũ về ngày truyền thống của ngành và không tổ chức gặp mặt kỷ niệm. Thiết nghĩ, đó cũng cách hy sinh vì sự an toàn sức khỏe cho thầy trò và cộng đồng khi mà dịch COVID-19 chưa cho thấy dấu hiệu kết thúc.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

Thành phố Huế hiện có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN ngoài công lập, UBND TP. Huế triển khai nhiều giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh cũng như thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập
UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thành lập một giải thưởng do Hàn Quốc đề xuất, nhằm công nhận những nỗ lực trong việc nuôi dưỡng giáo dục về các vấn đề toàn cầu, như nhân quyền, tính bền vững và tính đa dạng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 23/10 cho biết.

UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu

TIN MỚI

Return to top