ClockThứ Hai, 15/05/2017 09:05

Đề tham khảo Hóa học: Khó đạt điểm tối đa

Đó là nhận xét của một số giáo viên phổ thông khi tiếp xúc với đề thi tham khảo môn Hóa học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Đề có những câu hay nhưng khó nên để đạt điểm tối đa sẽ không dễ dàng.

Cán bộ coi thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP. HCM

Không có câu “bẫy” thí sinh

Khái quát chung về đề tham khảo môn Hóa học, thầy Nguyễn Văn Chuyên,Trường THPT Yên Thế, tỉnh Bắc Giang cho rằng, đề được biên soạn phù hợp với trình độ của học sinh trung học phổ thông. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 và được thiết kế với 4 mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, trong đó mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 60%; vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 40%.

Các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu nhằm kiểm tra các kiến thức và kỹ năng cơ bản đối với những học sinh có học lực trung bình hoặc khá. Đề không có câu đánh đố, không có câu đánh “lừa” hay “bẫy” thí sinh.

Theo thầy Chuyên, đề được phân bố theo logic khoa học từ thấp đến cao (dễ đến khó), phù hợp với sự phát triển và vận hành của tư duy. Làm cho học sinh không bị “choáng” hay mất tinh thần khi làm bài, vì vậy các em có thể vận dụng hết năng lực của bản thân để đạt kết quả tốt nhất trong kì thi.

Cụ thể hơn, các câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu chỉ yêu cầu học sinh nhớ và hiểu kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12 cơ bản; các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao nhằm kiểm tra năng lực, kỹ năng phân tích, tổng hợp, vận dụng đối với những học sinh có học lực giỏi hoặc xuất sắc.

Câu hỏi kiểm tra có hình thức đa dạng, bao quát được toàn bộ kiến thức theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Nội dung các câu hỏi phong phú, trong đó, có nhiều câu hỏi gắn liền lý thuyết với thực tế,phù hợp với kiến thức học sinh đã được học trong chương trình phổ thông (ví dụ câu số 41, 42, 62, 72).

Đề cũng chú trọng việc lồng ghép kiến thức, cách truyền tải thông tin đa dạng (không chỉ duy nhất dạng chữ mà còn bảng biểu, đồ thị, hình vẽ), giúp học sinh trực quan vận dụng kiến thức liên môn tốt hơn (câu 62, 67, 73).

Một số câu hỏi ở mức độ vận dụng cao như câu 78, 80 về nội dung kiến thức vô cơ và câu 77, 79 về nội dung kiến thức hữu cơ yêu cầu học sinh phải thực sự có sự đam mê và tư duy logic cao mới giải quyết được trong thời gian của bài thi.

Đề ra các câu hỏi tương ứng với mức độ của từng học sinh: Học sinh trung bình và yếu chỉ đạt dưới 6 điểm, học sinh khá có thể đạt điểm 8, học sinh giỏi có thể đạt 9, học sinh xuất sắc có thể đạt điểm 10.

Thầy Chuyên nhận định, chính sự phân bố đáp án của đề thi không theo tỉ lệ cố định làm cho học sinh yếu không thể chọn bừa một phương án để qua điểm liệt, học sinh trung bình và khá không thể đếm phương án để tích vào các câu vận dụng cao.

Học sinh khá có thể hoàn thành được 90%

Đánh giá về nội dung và độ chính xác của kiến thức, thầy Nguyễn Văn Nam, Trường THPT Quảng Xương 3, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nội dung các câu hỏi đều thuộc chương trình Hóa 12 cơ bản, chỉ có bổ sung thêm một số ý nhỏ của chương trình 10 và 11. Độ chính xác kiến thức cao, câu hỏi dễ hiểu và không làm học sinh hiểu nhầm.

Đề bao gồm đủ các dạng câu hỏi và bài tập về: Cấu tạo, tính chất vật lý, tính chất hóa học, ứng dụng và điều chế các chất.

Các phương pháp giải rèn kỹ năng cho học sinh cũng đã được đưa vào trong đề tham khảo như: Phương pháp bảo toàn khối lượng, phương pháp bảo toàn điện tích, phương pháp bảo toàn electron giúp phát triển tư duy cho học sinh.

Về cấu trúc đề và mức độ khó, theo thầy Nam, tỉ lệ các câu hỏi lý thuyết và bài tập hợp lý với 24 câu lý thuyết và 16 câu bài tập, phân bố hợp lý giữa hóa vô cơ và hóa hữu cơ và có nhiều câu kiến thức liên quan đến thực tiễn, môi trường (câu 41, 42, 62, 72).

Trong đó, bài tập lý thuyết hỏi rất chi tiết và tường tận trong sách giáo khoa Hóa học lớp 12, yêu cầu học sinh phải nắm vững lý thuyết nếu không rất khó để có kết quả chính xác, đặt biệt các câu phát biểu đúng/sai, các câu hỏi đếm, các câu thí nghiệm.

Mức độ khó của câu hỏi phù hợp, đảm bảo sự phân hóa học sinh. Học sinh học khá cũng có thể hoàn thành được 90% đề.

Bài tập tính toán không quá khó, nằm trong mức giới hạn kiến thức và kỹ năng giải toán để thí sinh xử lý trong thời gian 50 phút được dàn trải đều ở tất cả các chương. Có 4 câu khá hay và khó nhằm phân biệt học sinh khá giỏi (các câu 77, 78,79, 80). Vì vậy để đạt điểm tối đa là không dễ.

“Đề thi phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học trong trường THPT, đảm bảo sự phân hóa để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Đề thi phù hợp với chương trình, tránh được tình trạng học lệch, học thuộc lòng máy móc, thuận lợi cho học sinh ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT” - thầy Nam nhận xét.

Theo Dân Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự tin để thi tốt

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đang bước vào thời điểm… đếm ngược. Đây là kỳ thi quan trọng không chỉ đánh dấu bước ngoặt kết thúc 12 năm học, mà còn là căn cứ để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Vấn đề đặt ra, để tự tin “vượt vũ môn”, học sinh cần chuẩn bị những gì?

Tự tin để thi tốt
Đồng hành cùng sĩ tử

Tại 9 huyện, thị xã, thành phố và 37 điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 được các cấp bộ Đoàn triển khai với đa dạng hình thức, tùy theo tình hình thực tế tại mỗi địa phương.

Đồng hành cùng sĩ tử

TIN MỚI

Return to top