ClockThứ Ba, 07/03/2023 21:33

Gỡ khó cho đội ngũ nghiên cứu viên

TTH - Cùng công tác trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) nhưng khác với giảng viên, các nghiên cứu viên (NCV) lại có phần “thiệt thòi” hơn về quyền lợi. Với những người có trình độ cao, nguy cơ chảy máu nhân lực đang hiện hữu.

Sinh viên tranh biện về giao thông xanhChuyển giao phòng học STEM và đào tạo lập trình cho học sinh phổ thôngTrao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho GS. Park Myong Chul

leftcenterrightdel
Đội ngũ nghiên cứu viên cần những cơ chế hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi

Nỗi buồn…

13 năm làm NCV, trong đó có 11 năm là tiến sĩ nhưng hỏi về mức thu nhập, TS. Hoàng Tấn Quảng, Trưởng phòng Thí nghiệm Công nghệ Gen, Viện Công nghệ Sinh học (CNSH), ĐH Huế buồn bã: “Cộng thêm cả phụ cấp chức vụ, lương của mình là 5,4 triệu đồng/tháng. Nếu không tìm được các đề tài nghiên cứu, đội ngũ NCV rất lo lắng về đời sống trong giai đoạn bão giá hiện nay”.

Chuyện của TS. Quảng là trăn trở chung của những NCV đang công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH. Theo TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế, thu nhập là một trong những trăn trở của những người NCV. Trên thực tế, còn có bất cập, quyền lợi bị giới hạn do thiếu các cơ chế, chính sách liên quan.

TS. Huy cho biết, chính sách cho giảng viên hiện có gồm phụ cấp đứng lớp và thâm niên nhà giáo. Tuy nhiên, với đội ngũ NCV, chưa có chính sách hỗ trợ thiết thực ngoài phụ cấp độc hại, thực tế là không đáng kể. Thực chất, đội ngũ NCV chỉ nhận lương theo hệ số bậc lương. “Bản thân mình kể cả có phụ cấp chức vụ thì mức lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhưng ngoài vấn đề thu nhập, nhiều quyền lợi của đội ngũ NCV chưa có. Điển hình là quy định hiện hành rất khó để các NCV tham gia đứng lớp giảng dạy, dù có trình độ tiến sĩ cộng với năng lực nghiên cứu và công bố khoa học rất tốt. Như vậy, vô hình trung, chúng ta đang bỏ quên một đội ngũ làm khoa học tại các cơ sở giáo dục ĐH”.

leftcenterrightdel
Nghiên cứu viên Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế làm các nhiệm vụ khoa học công nghệ 

Theo các NCV, Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28/6/2021 quy định tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ là có thời gian giảng dạy ở trình độ ĐH hoặc thạc sĩ từ 1 năm (12 tháng) trở lên, kể từ khi có bằng tiến sĩ. Chiếu theo quy định, NCV cũng không đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh khi không đủ điều kiện giảng dạy. “Về lý, NCV có thể xin đi dạy ở các trường. Song, trong bối cảnh các đơn vị đào tạo tuyển sinh khó khăn, cần đảm bảo giờ giảng cho giảng viên nội bộ trước, việc mời thỉnh giảng cũng rất khó”, TS. Quảng cho hay.

Khảo sát ở các cơ sở giáo dục ĐH, khó khăn liên quan rơi vào các viện nghiên cứu. Trước đây, khó khăn này gặp phải ở Viện Tài nguyên và Môi trường - ĐH Huế và Viện CNSH, ĐH Huế. Sau khi sáp nhập hai đơn vị năm 2021, Viện CNSH, ĐH Huế, đơn vị đang thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 phê duyệt đề án phát triển Viện CNSH, ĐH Huế với mục tiêu thành một trung tâm CNSH cấp quốc gia tại miền Trung là đơn vị có nhiều NCV đang gặp phải những khó khăn này. Riêng trong các trường ĐH, vẫn có các viện nghiên cứu và có đội ngũ NCV, song, do thuộc các đơn vị đào tạo nên khá thuận lợi trong việc bố trí giảng dạy thực hiện nghiên cứu.

Nhiều nỗi lo

TS. Đinh Tiến Tài, cán bộ làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản về, đang công tác ở Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện CNSH, ĐH Huế chia sẻ: “Lương cơ bản của mình là 4,4 triệu đồng/tháng. Nếu không làm thêm các dự án, đề tài nghiên cứu và chỉ dựa vào lương, có thể phải nghĩ đến chuyện chuyển việc”.

ThS. Trần Khương Duy, đồng nghiệp của TS. Tài cũng cho hay, khi làm các đề tài lớn, bắt buộc đầu ra phải giảng dạy thạc sĩ, nhưng với NCV, theo quy định hiện nay không được giảng dạy nên rất khó. Các NCV phải chuyển sang viết bài báo quốc tế, nhưng cũng không dễ.

Trên thực tế, khả năng cạnh tranh để thu hút đội ngũ cũng rất khó bởi những người mới vào nghề, thu nhập thấp và cơ hội phát triển bản thân bị giới hạn sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của họ. Nhìn vào thực tế ngay tại Viện CNSH, ĐH Huế trước khi có Viện Tài nguyên và Môi trường sáp nhập, chỉ có khoảng 6 NCV. Sau khi sáp nhập, đội ngũ NCV là 33 người, nhưng chỉ có 12 viên chức, 21 hợp đồng lao động.

Hiện nay, Viện CNSH, ĐH Huế - đơn vị đang thực hiện thực hiện đề án phát triển Viện CNSH, ĐH Huế trở thành một trung tâm CNSH cấp quốc gia tại miền Trung theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn nhân lực vẫn rất quan trọng nhưng trong bối cảnh quyền lợi của các NCV bị hạn chế, không chỉ nảy sinh những vấn đề tâm tư mà việc giữ ổn định và phát triển đội ngũ cũng có những nỗi lo.

Gỡ khó

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế cho hay, Viện có chính sách hỗ trợ cho người lao động có trình độ tiến sĩ có bậc lương thấp 1 triệu đồng/tháng từ nguồn đối ứng của Viện, đồng thời tìm các điều kiện hỗ trợ NCV. Việc tuyển dụng cán bộ hiện nay cũng ưu tiên tuyển tiến sĩ ngạch giảng viên.

TS. Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ ĐH Huế cho biết, ĐH Huế cũng có cơ chế, chính sách chuyển ngạch cho các chuyên viên, NCV sang giảng viên, tuy nhiên trên cơ sở họ phải đáp ứng được năng lực giảng dạy. ĐH Huế và các đơn vị thường xuyên có các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cho họ.

Để nâng cao đời sống cho NCV, ĐH Huế cũng ưu tiên phân bổ các đề tài nghiên cứu cho Viện. Khi họ thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu đề tài, có thêm các khoản kinh phí liên quan, góp phần ổn định đời sống.

ĐH Huế hiện cũng đang tìm các giải pháp phát huy lợi thế nguồn lực, đội ngũ dùng chung trong toàn ĐH Huế để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, hướng đến đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Về lâu dài, cũng cần có những chính sách ở tầm vĩ mô, giúp đội ngũ NCV yên tâm hơn trong công tác.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top