ClockThứ Ba, 08/11/2022 06:45

Đào tạo nghệ thuật, cần nhiều thay đổi trong bối cảnh mới

TTH - Trong tiến hình hội nhập và phát triển, những yêu cầu của thời đại công nghệ, đào tạo khối ngành nghệ thuật cần nhiều thay đổi để thích ứng trong tuyển sinh và chuẩn đầu ra.

Làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hìnhNhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường đại học Nghệ thuật

Ngoài cập nhật chương trình, cần đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo nghệ thuật

Vẫn còn nhiều hạn chế

Sau 5 năm ngồi trên ghế nhà trường, M.T, sinh viên Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế vừa ra trường, kể: “Em đã tìm được việc làm phù hợp chuyên ngành, nhưng vẫn phải nỗ lực học thêm nhiều để thích nghi với thực tiễn nghề nghiệp. Ở trường, thầy cô rất tận tình, nhưng điều tiếc nhất là cơ sở vật chất, phương tiện công nghệ vẫn còn rất hạn chế”.

Vấn đề trên là một rào cản lớn trong đào tạo khối ngành nghệ thuật trong thời đại công nghệ hiện nay. ThS. Võ Quang Phát, Phó trưởng Khoa phụ trách khoa Mỹ thuật Ứng dụng - Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế thừa nhận, ngoại trừ ngành thiết kế thời trang mới đây có được đầu tư về cơ sở vật chất thì nhiều năm qua, vẫn đang thiếu hệ thống quay phim, chụp hình, phòng làm phim, hệ thống máy tính cấu hình chất lượng cao… Đáng nói, đây lại là những cơ sở vật chất rất cần cho việc đào tạo các ngành: thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế nội thất, thiết kế truyền thống, thiết kế thời trang...

Sinh viên trải nghiệm vẽ mỹ thuật ở làng cổ Phước Tích

Sự đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng thời đại công nghệ là thực trạng chung của nhiều trường ĐH công lập đào tạo khối ngành nghệ thuật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Nổi bật nhất là tình hình tuyển sinh các ngành nghệ thuật khá ít ỏi, thậm chí có ngành chỉ vài sinh viên. Trái lại, tốc độ phát triển của công nghệ và những yêu cầu đổi mới của xã hội quá nhanh, sự đầu tư mặt công nghệ chưa đáp ứng kịp. Trong một phân tích có liên quan gửi đến Hội thảo toàn quốc về “Đào tạo nghệ thuật trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay” được tổ chức tại Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế mới đây, PGS.TS. Cung Dương Hằng (Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, riêng ngành thiết kế thời trang khá sôi động, các trường ĐH có đào tạo ngành này vẫn thu hút người học tham gia. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn còn bất cập bởi ngành thời trang liên tục đòi hỏi những đổi mới trong công nghệ dệt, may, in, thêu… Từ mẫu mã, đến chất liệu hay công nghệ, đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần đầu tư kịp thời nhân lực, công nghệ.

Thiếu đầu tư công nghệ chỉ là một trong nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại. ThS. Nguyễn Thái Quảng (Khoa Mỹ thuật tạo hình, Trường ĐH Nghệ thuật) đánh giá, trong thiết kế khung chương trình đào tạo ngành mỹ thuật hiện nay, nội dung giáo dục còn thiếu thiết thực, các môn học đại cương, kiến thức rộng nhưng không sâu, phần cần đào tạo chuyên sâu là rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo về phương pháp nghiên cứu chuyên ngành lại hạn chế, các kỹ năng quan trọng của sinh viên cần có để hội nhập rất sơ sài, không có hệ thống khoa học.

Vấn đề đào tạo tại các trường mỹ thuật trong cả nước hiện nay không đồng đều từ Bộ chủ quản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho đến khung chương trình đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp mỹ thuật ở Huế cần học sau ĐH ở Hà Nội bậc thạc sĩ hay tiến sĩ cần phải học những học phần bổ sung kiến thức vì trường này chưa đào tạo hoặc trường kia đào tạo, nhưng chưa đủ khối lượng chuẩn của chương trình, dẫn đến trở ngại khi hội nhập.

TS. Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nghệ thuật cho biết, thực trạng chung là hệ thống kết nối doanh nghiệp - đơn vị đào tạo vẫn còn lỏng lẻo từ phía cả hai bên, do thiếu đội ngũ chuyên trách. Trong khi đó, sự thay đổi của xã hội với các trào lưu, xu hướng mới diễn ra quá nhanh mà hệ thống đào tạo vẫn chưa cập nhật kịp thời.

Tìm giải pháp thích ứng

Không phủ nhận tính đặc thù của khối ngành nghệ thuật. Song, những hạn chế trên thực sự là rào cản trong tiến trình hội nhập và phát triển của đào tạo nghệ thuật. Về mặt tuyển sinh, đó cũng là yếu tố ảnh hưởng lượng thí sinh đầu vào.

Thống kê tình hình tuyển sinh tại Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế năm nay tuy khả quan hơn năm 2021, tăng 19 sinh viên (94 sinh viên), nhưng có những ngành chỉ tiêu rất ít, như: điêu khắc (7), hội họa (10) thiết kế nội thất (10)... vẫn không thu hút đủ người học thì rõ ràng cần xem xét lại.

Theo các chuyên gia, bên cạnh công tác tuyển sinh, cần xây dựng lại khung đào tạo theo định kỳ hoặc có những học phần bổ sung kiến thức xây dựng đào tạo những vấn đề mỹ thuật đương đại, giúp sinh viên hứng thú và tiếp cận được đầy đủ hơn. Đồng thời thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung giảng dạy phù hợp thực tiễn...

Ngoài giải pháp kiến nghị và tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, đơn vị đào tạo nghệ thuật cũng cần làm việc sâu với doanh nghiệp để tìm các điểm “gặp gỡ”, nhằm tăng cơ hội hợp tác. Cùng với đó là tận dụng các nguồn lực đầu tư, triển khai các dự án, các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyên ngành nhằm hỗ trợ, phục vụ tăng cường thêm cơ sở vật chất.

Các đơn vị đào tạo cũng cần kết nối với các làng nghề ở địa phương, tạo môi trường thực hành, thực tế, tiếp cận thực tiễn thị trường, nhu cầu xã hội, đồng thời tạo ra các cơ hội hợp tác trong đào tạo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng

Ngày 14/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức lớp đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng. Chương trình đào tạo thu hút sự tham gia của hơn 60 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng
Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

Đại học Huế đón nhiều giáo sư (GS), chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ kiến thức mới. Không chỉ là dịp để tiếp cận được kiến thức, mà qua đó phần nào còn khẳng định thương hiệu của Đại học Huế.

Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo
LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công binh có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh thuộc Cục Vận tải; ba đại đội công binh thuộc ba đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

TIN MỚI

Return to top