German room in Hue - không gian để học tiếng Đức từ thành quả của hợp tác quốc tế
Thêm những dấu ấn, cơ hội
Tháng 3/2022, lễ khởi công công trình tòa nhà Trung tâm Sản - Nhi kỹ thuật cao của Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược Huế diễn ra trong niềm phấn khởi của rất nhiều người. Từ nguồn vốn ODA của Cộng hòa Ý và vốn đối ứng của phía Việt Nam, công trình này đánh dấu một mốc son trong lịch sử hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ý, giữa Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế với các cơ quan của Chính phủ Ý, các ĐH và các tổ chức phi chính phủ Ý. Phấn khởi một phần vì thành tựu trong hợp tác quốc tế được ghi dấu sau giai đoạn dịch COVID-19 và lễ khởi công đã có sự tham dự trực tiếp của Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ nước Cộng hòa Ý tại Việt Nam; Ngài Enrico Padula, Tổng lãnh sự Ý tại TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều đại diện từ Ý.
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế cho biết, công trình tòa nhà 7 tầng Trung tâm Sản - Nhi kỹ thuật cao được khởi công cùng với các gói mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị phòng mổ và phương tiện chống nhiễm khuẩn từ nguồn ODA Ý. Với tổng mức đầu tư dự án gần 172 tỷ đồng, công trình sẽ đóng góp thiết thực trong việc nâng cao năng lực của Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược Huế, bệnh viện hạng I và là cơ sở thực hành cho đào tạo nhân lực khối ngành khoa học sức khỏe của nhà trường, đồng thời nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh nhà, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và từ nước bạn Lào.
Lễ khởi công công trình tòa nhà Trung tâm Sản - Nhi kỹ thuật cao chỉ là một trong rất nhiều tín hiệu vui. Từ giữa tháng 3/2022 đến nay, nhiều dự án, hoạt động hợp tác quốc tế được ĐH Huế và các đối tác tái khởi động đã mang lại nhiều tín hiệu lạc quan. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Khoa trưởng Khoa Quốc tế - ĐH Huế chia sẻ, mới đây, nhân chuyến thăm và làm việc với Khoa Quốc tế - ĐH Huế của đoàn công tác Viện Goethe và Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), ĐH Huế và phía đối tác đã khánh thành không gian ngôn ngữ và văn hóa Đức tại Huế - German room in Hue. Nơi đây sẽ tạo ra một môi trường sử dụng tiếng Đức, từ đó làm cầu nối cho những hoạt động trao đổi văn hóa, trao đổi sinh viên và giảng viên giữa các trường ĐH ở Cộng hòa Liên bang Đức và ĐH Huế. Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe khẳng định, không gian ngôn ngữ và văn hóa Đức tại Huế mang lại nhiều giá trị, đặc biệt sẽ là nơi bồi dưỡng, đào tạo ngôn ngữ cho những người yêu tiếng Đức.
Lễ khởi công xây dựng công trình Trung tâm Sản - Nhi, Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược Huế
Chính sách “mở cửa” phù hợp đã xoá bỏ những khó khăn, rào cản sau khoảng thời gian dài nhiều hoạt động phải gián đoạn. TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế cho biết, cũng lâu lắm rồi kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, mới lại thấy hoạt động hợp tác sôi động trở lại. Chỉ trong tháng 4/2022, ĐH Huế và các trường, đơn vị thuộc ĐH đón hơn 10 đoàn khách quốc tế đến làm việc, tái khởi động và triển khai các dự án, trong đó có nhiều đoàn đối tác từ Bồ Đào Nha, Pháp, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu. Hoạt động hợp tác quốc tế sôi động trở lại cả trên lĩnh vực hợp tác triển khai các dự án và hợp tác trong đào tạo.
“Hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều hoạt động, nhất là trao đổi sinh viên - giảng viên phải dừng lại. Hiện nay, hoạt động này được tái khởi động mạnh mẽ, không chỉ các đoàn giảng viên, sinh viên nước ngoài đến Huế mà chiều ngược lại, cũng có nhiều sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh đi học tập, nghiên cứu, làm việc tại nước ngoài”, TS. Huy thông tin.
Sẽ “trở lại” mạnh mẽ
Hơn một tháng kể từ khi “mở cửa” thích ứng với tình hình dịch bệnh, chừng ấy thành tựu đủ mang lại những tín hiệu khởi sắc sau hai năm khá trầm buồn do dịch COVID-19. Điều lạc quan hơn là các hoạt động, dự án được tái khởi động sẽ “trở lại” mạnh mẽ, bù lại những điều chưa làm được trong khoảng 2 năm căng thẳng vì dịch COVID-19.
Theo lãnh đạo ĐH Huế, ĐH Huế và các trường đang xây dựng một loạt các kế hoạch đến giữa, thậm chí cuối năm 2022, liên tục đón tiếp các đoàn khách, đối tác quốc tế đến làm việc, giảng dạy tại các đơn vị của ĐH Huế. Và sự “bận rộn” ấy không chỉ mang lại những thành quả dễ nhìn thấy được mà còn nâng cao uy tín của ĐH Huế trên trường quốc tế. Trong các dự án của ERASMUS+, ĐH Huế có tham gia với vai trò chủ trì và điều phối, đặc biệt là dự án “Phát triển Chương trình đào tạo Thạc sĩ về Luật và Chính sách Biến đổi khí hậu - CCP-Law”. Những nội dung gặp khó do dịch bệnh sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Xuân Huy thông tin, ĐH Huế đang quản lý và triển khai thực hiện 23 dự án hợp tác quốc tế tại các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc ĐH Huế. ĐH Huế cũng đang triển khai các hoạt động trong khuôn khổ chương trình VLIR-IUC (xét duyệt và hỗ trợ thủ tục cho 3 nghiên cứu sinh tiếp tục tham gia chương trình đào tạo tại Bỉ); tiếp tục điều phối và triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án CDAE, CCP-Law và dự án SHARE, đồng thời tiếp tục hoàn thiện văn kiện xin cấp phép cho 9 dự án mới.
ĐH Huế cũng duy trì và phát triển các chương trình liên kết đào tạo với các đối tác quốc tế, ký kết hợp tác với nhiều đối tác từ Ai Len, Belarus, Vương quốc Anh… cùng nhiều đối tác quốc tế, thúc đẩy tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ về các dự án, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Bài, ảnh: HỮU PHÚC