ClockChủ Nhật, 03/01/2021 06:47

Rút ngắn khoảng cách với các đại học hàng đầu châu Á

TTH - Tin vui liên tục đến với ĐH Huế khi trong tháng 7/2020, ĐH Huế tăng đến 918 bậc trong xếp hạng theo Webometrics, giữ vững top 7 của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và lên bậc 2.740 của thế giới. Cuối năm 2020 bảng xếp hạng QS Asia năm 2021 lại xướng danh ĐH Huế vươn lên nhóm 401 – 450 của châu Á, xếp thứ 6 trong 11 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam góp mặt trong danh sách bảng xếp hạng.

Đại học Huế lọt vào top 500 trường hàng đầu châu ÁChâu Á có 63 trường đại học được xếp hạng cao toàn cầu

Các nhà khoa học trẻ của ĐH Huế tham gia nghiên cứu

Bước tiến vượt bậc

Con số trên thể hiện bước tiến của cơ sở giáo dục ĐH, nhưng quan trọng hơn cho thấy sự rút ngắn khoảng cách với các ĐH hàng đầu châu Á, gần với mục tiêu lọt top 300 ĐH danh giá của châu lục theo tinh thần Nghị quyết 54, đưa ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia.

PGS. TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế cho biết, phải hiểu rõ những số liệu, mới thấy những tín hiệu vui trên con đường tiệm cận top 300 ĐH hàng đầu châu Á. So với vị trí 451 – 500 trong 2 lần xếp hạng 2019 và 2020, ĐH Huế đã bắt đầu cho thấy sự chuyển mình đi lên theo đúng chiến lược phát triển, hướng đến mục tiêu trở thành ĐH Quốc gia vào năm 2022 và vị trí 300 châu Á vào năm 2025. Không chỉ thứ bậc, điều đáng quan tâm hơn là các chỉ số xếp hạng của ĐH Huế đã cải thiện qua từng năm, nhất là sự thăng tiến đều đặn các chỉ số của ĐH Huế qua 3 kỳ xếp hạng QS Asia gần nhất, cả về thứ hạng của ĐH Huế, vị trí tương đối của ĐH Huế (thuộc trong top), điểm xếp hạng của ĐH Huế so với trung bình châu Á và điểm xếp hạng của ĐH Huế so với trung bình Việt Nam.

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, ngay cả thứ hạng theo từng tiêu chí, trong kỳ xếp hạng này, ĐH Huế có thứ hạng châu lục của 8 tiêu chí tăng so với QS Asia 2020; đặc biệt thứ hạng của tiêu chí Uy tín trong giới sử dụng lao động lần đầu tiên đứng thứ 200 châu Á. Xét về điểm số cho từng tiêu chí xếp hạng, có 6/11 tiêu chí có điểm số tăng, thậm chí tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động thông qua các chỉ số thống kê của QS, có thể thấy hầu hết các chỉ số của ĐH Huế đều tăng rõ rệt qua từng năm. Ngay cả số bài báo công bố bình quân trên 1 giảng viên, hay số trích dẫn bình quân trên 1 bài báo của ĐH Huế cùng đều tăng.

Vươn tầm ĐH Quốc gia

Tham gia xếp hạng ĐH là xu thế trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay. Đồng thời, giúp các trường biết được khoảng cách của mình với các trường ĐH khác trong nước và trên thế giới cũng như điểm mạnh, điểm yếu của trường mình và từ đó xây dựng chiến lược hành động điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đối với ĐH Huế, xếp hạng còn là thước đo quan trọng để đo lường sự chuyển mình của một ĐH vùng trên đất Cố đô đang hướng đến trở thành ĐH Quốc gia.

Để có được sự thăng hạng trên các xếp hạng quốc tế, châu lục, ngay trong năm qua, ĐH Huế đã có những quyết sách kịp thời, đội ngũ phụ trách bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH của ĐH Huế đã tích cực trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, quán triệt đến các đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học trong việc công khai các công trình nghiên cứu, khai báo đúng tên gọi của trường, quảng bá và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến các nhà khoa học, nhà sử dụng lao động và cả người học về ĐH Huế và trường thành viên.

Đạt được vị thứ top 300 ĐH hàng đầu châu Á vào năm 2025 và top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới không hề đơn giản. Dù ĐH Huế có đủ nội lực song trong bức tranh chung về nhận diện thương hiệu từ các chuyên gia hàn lâm và nhà tuyển dụng thì ĐH Huế vẫn cần xây dựng kế hoạch và thực thi các cải thiện nhằm nâng cao thứ hạng trong những năm tiếp theo để sớm, trong đó rất cần sự đồng thuận và sức bật bằng những cơ chế tốt hơn.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế khẳng định, trong tiến trình và nỗ lực phát triển, ĐH Huế tiếp tục sẽ có những đầu tư cụ thể và xứng đáng về kinh phí và con người cho công tác xếp hạng; chuyên gia dẫn dắt và đội ngũ chuyên trách, lành nghề chuyên tâm cho việc xếp hạng. Những người này sẽ xây dựng được kế hoạch rõ ràng, kết nối tốt với các trường thành viên trong công tác thu thập và chuẩn hoá số liệu. ĐH Huế sẽ thúc đẩy gắn kết chuyên gia trong ĐH Huế và chuyên gia Quốc tế để tạo mạng lưới xuất bản quốc tế mạnh.

Thời gian tới, ĐH Huế và các trường thành viên sẽ có những chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo bằng tiếng Anh và có các chương trình đặc thù, có thể thu hút sinh viên quốc tế. Có chính sách hỗ trợ và động viên giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, tăng các công bố quốc tế và trích dẫn, có chương trình hợp tác quốc tế thu hút các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, đồng nghiên cứu và trao đổi chuyên môn. Song song với các chính sách hỗ trợ, các quy định, chế tài cũng cần được thực thi nhằm nâng cao ý thức học tập để đạt trình độ tiến sĩ, có các công bố nước ngoài thuộc danh mục các tạp chí có uy tín và công bố các công trình của mình lên mạng.

ĐH Huế đang thực hiện khát khao vươn tầm của một cơ sở giáo dục và hiện thực hóa giấc mơ của người dân mảnh đất học Cố đô, đó là phát triển thành ĐH Quốc gia. Dĩ nhiên, song hành cùng sự thăng tiến chỉ số xếp hạng khẳng định thương hiệu ra tầm quốc tế, những chỉ số quan trọng trong giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cũng phải tăng bậc, xứng tầm giải quyết những nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học không chỉ của địa phương, khu vực và cả nước.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á: Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu

Trong một thế giới ngày càng kết nối, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động toàn cầu, bao gồm cả châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh của ngành vận tải biển, châu lục này vẫn là khu vực kết nối tốt nhất với các mạng lưới vận tải trên toàn thế giới, đánh giá mới nhất về vận tải biển năm 2024 vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố nêu rõ.

Châu Á Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu
Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

TIN MỚI

Return to top