ClockThứ Sáu, 20/11/2020 05:45

Thân thương hình bóng người thầy

TTH - Câu chuyện nhân ngày 20/11 năm nay, chúng tôi sẽ kể về những thầy cô giáo đã không quản ngại vất vả và hy sinh trong lũ bão để bảo vệ và giúp đỡ những học trò thân yêu của mình vượt khó.

Vinh danh những người thầy trong phong trào "Đổi mới, sáng tạo dạy và học"Người thầy đam mê sáng chế thiết bị thí nghiệmVinh danh những người thầy trong phong trào "Đổi mới, sáng tạo dạy và học"Ngành giáo dục xin… không nhận hoa, quà dịp 20/11

Học sinh Trường THCS Chu Văn An tri ân giáo viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Hữu Phúc

Lội bùn và dọn lớp

Hình ảnh các thầy cô giáo tất bật dọn dẹp vệ sinh trường lớp sau lũ bão không còn xa lạ vào những ngày này khi chương trình năm học theo kế hoạch đã bước vào thời gian cao điểm, mà hết lũ rồi bão cứ chập chờn và đe dọa. Thật không hề đơn giản khi khuôn viên nhiều trường sau lụt ngập ngụa trong bùn non, rác, cây cối ở các nơi tràn vào. Ở các lớp học, nước lũ rút đi để lại ngổn ngang bùn đất. Còn nữa, cho đến thời khắc này, đã gần 2 tháng trời ròng rã mà có nhiều trường học vẫn đang ngập chìm trong nước.

Do mưa lớn trong nhiều tuần khiến toàn bộ khuôn viên và tầng 1 của Trường THCS Phong Bình, rốn lũ của huyện Phong Điền, bị ngập sâu trong nước. Sợ bàn ghế hư hỏng do ngâm nước lâu ngày, các giáo viên đã lên trường ngay sau khi có thể để dọn dẹp vệ sinh. Nhiều gia đình giáo viên của trường chịu nhiều ảnh hưởng và thiệt hại do lũ, nhưng ai cũng xông xáo tập trung dọn dẹp khắc phục hậu quả, để việc tổ chức dạy học sớm trở lại bình thường. Dọn dẹp trường học ở đây được ưu tiên triển khai với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục nhanh, hiệu quả đến đó” nhằm nhanh chóng ổn định công tác dạy và học sau lũ.

Cô Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Quảng Phú (Quảng Điền) cho biết, cơn bão số 5 ập đến, thổi bay hết mái ngói, làm gãy đổ cây xanh cùng đồ dùng, trò chơi của trẻ. Giáo viên nhà trường đã cùng với Ban Chỉ huy Quân sự huyện lợp lại ngói, sửa chữa những công trình hư đổ chưa xong thì lũ ập về. Toàn trường phải nghỉ học vì những đợt lũ liên tiếp. Và thế là, cả mấy tháng nay, tạm gọi là dọn dẹp bùn lũ đã trở thành công việc chính của những thầy cô giáo ở ngôi trường bên dòng sông Bồ yêu thương này.

Buổi sáng chủ nhật này, khi cơn bão Vàm Cỏ hung dữ vừa mới đi qua, chạy vội về nhiều vùng ven đô Huế, lại bắt gặp nhiều trường tan hoang sau bão. Nặng nhất là huyện Phú Vang với nhiều trường học bị tốc mái, hư hỏng… Nhiều sân trường ngập lụt, dày đặc bùn non, rác rưởi và xác lá bị bão xé nát, tôi đã nghĩ tới điệp khúc lội bùn và dọn lớp của các thầy cô giáo Thừa Thiên Huế vẫn chưa dứt trong năm con chuột khốn khó và khi mà Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang cận kề. 

Giáo viên Trường THCS Chu Văn An trò chuyện với học sinh. Ảnh: Hữu Phúc

Lo từ bữa ăn, cuốn vở

Những ngày đầu tháng 10, mưa lớn kéo dài khiến nhiều vùng, đặc biệt là bờ bắc của Huế, chìm trong cơn lũ. “Không để học trò bị đói, bị rét”, Ban giám hiệu cùng nhiều thầy cô của Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế quyết định đón sinh viên về trường tránh lũ, đồng thời cung cấp lương thực và điện để các em liên lạc với gia đình. Đích thân thầy giáo Hiệu trưởng Trần Thanh Đức cùng nhiều thầy cô của trường đã chèo đò, lội nước cung cấp thức ăn kịp thời cho sinh viên. Mong mỏi duy nhất là tất cả mọi người đều phải được an toàn, thầy Đức chia sẻ.

Buổi đầu tiên học trò Trường tiểu học Số 1 Quảng Phú trở lại sau một đợt lụt lớn, điều khiến cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Loan lo lắng là hàng trăm học sinh bị lũ làm ướt sách vở. Nặng nhất là những em ở vùng trũng thấp bị nước ngập sâu, không còn sách vở, cặp sách để đi học. Cùng trong buổi hôm đó, có 49 học sinh vắng học do nước ở nhiều khu vực vẫn chưa rút hết. Lo và thương các em nhiều lắm. Cái khó là học sinh tiểu học thường hay quên bài khi các em nghỉ dài ngày nên bố trí lịch học bù cho hợp lý, đảm bảo cho các em kịp lịch học vào cuối kỳ, cuối năm là điều mà các trường và thây cố giáo trăn trở.

Buổi tối “chờ” bão Vàm Cỏ, tôi có dịp đọc nhiều lần thư ngỏ đăng trên facebook của nhóm các cô giáo Trường mầm non Sao Mai 2 thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú (Quảng Điền). Xin được giới thiệu cùng bạn đọc nội dung thư ngỏ: “Trong thời gian qua từ 18/9 đến 11/11/2020, nhà trường phải gánh chịu các cơn bão, lụt xảy ra làm ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cháu. Mặc dù nhà trường đã có phương án gia cố và kê gác nhưng do cơn bão số 5 quá mạnh và lũ lịch sử đã làm hỏng các đồ dùng của trẻ. Vì vậy, nhà trường rất mong được các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ cho nhà trường một số đồ dùng để phục vụ cho các cháu để nhà trường sớm ổn định, đi vào hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ”.

Tôi đã nhiều lần về Xuân Tùy nằm bên bờ sông Bồ, một trong những vùng thấp trũng nhất của huyện Quảng Điền. Vào cao điểm ngập lụt, vùng đất này lọt thỏm giữa cánh đồng nước mênh mông và hàng tháng nay, Trường mầm non Sao Mai 2 ngập nước, có thời điểm gần cả mét. Những lớp học mầm non vốn rộn ràng tiếng reo vui của con trẻ và ngập tràn những sắc màu tươi trẻ của các loài đồ chơi mà các cô phải lao tâm và khổ tứ làm bị nước cuốn trôi hay lấm lem bùn đất. Họ xót xa, bởi đó là tấm lòng dành cho học trò và công việc mà họ chọn lựa.  

Chắt chiu gửi về nơi bão, lũ

Cô giáo Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Điền cho biết: Trường có 950 học sinh thì có đến 200 em bị ướt sách giáo khoa không thể sử dụng được. Phụ huynh đều rất khó khăn không thể mua sách giáo khoa cho con nên nhà trường đã phải đi xin sách cũ và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để bố mẹ mua sách lớp 1 cho các em, đến nay, sách giáo khoa cơ bản đã ổn định.

Còn cô giáo dạy tiểu học Phạm Thị Phương Thảo (phường Vỹ Dạ, TP. Huế) thì chia sẻ: “Là người ở vùng lũ từ nhỏ đến lớn nên đã quen dần với việc một năm lụt đến nhiều đợt, từ lũ nhỏ đến lũ lớn. Mình mong muốn làm gì đó có thể mang đến cho những người đang khó khăn hơn mình hơi ấm tình người và lan tỏa niềm tin trong cuộc sống”. Và cô tâm sự, “mình kêu gọi chủ yếu là qua Facebook và vận động người thân, bạn bè. Số lượng áo quần gom về được 7, 8 bao khá lớn. Để đảm bảo chất lượng áo quần đến tay người cần, mình tự tay lựa từng chiếc và loại bỏ một số cái ẩm, mốc rồi đem đi giặt, sấy thật sạch”.

Không để học sinh nào phải bỏ học do thiếu dụng cụ học tập, sách vở sau lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi các “mạnh thường quân”, tổ chức từ thiện chung tay góp sức giúp các trường học khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường. Ngành giáo dục và đào tạo thành lập ban tiếp nhận để sớm chuyển các sự hỗ trợ về những trường, học sinh chịu thiệt hại nặng. Nhờ thế, đã có rất nhiều tấm lòng được kết nối đến với các trường vùng ngập lụt. Nhiều phụ huynh đã không còn ý định cho con nghỉ học khi các em đã có đủ điều kiện đến trường.

Gần đến ngày 20/11 năm nay, phổ biến có bài thơ “Cô không nhận hoa đâu” của cô Lê Thị Mai Hồng, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Quỳ Hợp 2 (Nghệ An). Bài thơ được mở đầu bằng 4 câu thơ: “Ngày lễ này cô sẽ chẳng nhận hoa/Xin hãy chắt chiu gửi về nơi bão lũ/Nơi đồng bào ta đang đối mặt nước mây vần vũ/Ôm hoa lúc này... cô thấy chẳng giống ai!” . Tôi hiểu nỗi lòng và nghĩ rằng, đóa hoa đẹp và niềm vui lớn nhất của cô giáo Hồng và cũng là của bao thầy cô giáo vùng ngập lụt là những học trò thân yêu của họ được yên lành, có đầy đủ quần áo và sách vở để được đến trường. Hơn bao giờ hết, họ cũng thể hiện được tấm lòng và tinh thần trách nhiệm đáng quý trọng của “những kỹ sư tâm hồn”.

Bài, ảnh: Thu Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đỏ lửa” với đồng bào miền Bắc thân thương

Hàng ngàn hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh chung tay, góp công, góp của cùng nhau làm nên những chiếc bánh chưng, bánh tét, thẩu cá khô rim, ruốc sả - đậu phộng... để gửi ra đồng bào miền Bắc thân thương đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của bão, lũ.

“Đỏ lửa” với đồng bào miền Bắc thân thương
Tâm thế người thầy

Mới đầu hè, nhiều học sinh đã bày tỏ muốn có mùa hè bổ ích, không phải học thêm và được vui chơi. Nhiều phụ huynh quyết định cho con có những trải nghiệm thú vị suốt mùa hè. Họ biết, khi chuyển sang chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ngành giáo dục đã chú trọng giảm tải cho người học.

Tâm thế người thầy
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Vai trò chủ động của người thầy

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với cấp trung học phổ thông (THPT). Sau một năm thực hiện, thầy cô giáo và các em học sinh dần thích nghi với việc tổ chức dạy và học.

Vai trò chủ động của người thầy

TIN MỚI

Return to top