|
Tạo các sân chơi bổ ích giúp trẻ em trải nghiệm và thực hành các kỹ năng sống |
Giỏi văn hóa, rành kỹ năng
Bên cạnh sắp xếp, điều tiết các môn học thêm và thời gian biểu học văn hóa ở trường của con, chị Quỳnh Trang muốn cho con học thêm các lớp học kỹ năng, trải nghiệm thực tế. Tranh thủ trong thời gian nghỉ 3 tháng hè, chị Trang tìm kiếm các chương trình trải nghiệm ngắn ngày như học bơi, trại hè "Tôi đi tìm tôi", trại hè quân đội, trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ... để đăng ký cho con tham gia. Qua các khóa học, 2 con của chị Trang có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều kỹ năng đáng quý, được kết thân thêm bạn bè, thầy cô... "Sau các khóa trải nghiệm, tôi thử "test" con bằng những tình huống nguy hiểm đặt ra như nếu có cháy, khi đi tắm sông, suối, biển, gặp người đuối nước, chập cháy điện, tham gia giao thông... Qua cách trả lời của con, tôi thấy cháu "khôn hơn", cháu còn biết "tùy cơ ứng biến", biết cách xử trí an toàn trong từng tình huống không may", chị Quỳnh Trang phấn khởi.
Anh Trần Xuân Vinh, ở Phong An, Phong Điền chia sẻ, nếu có điều kiện, phụ huynh rất nên cho con học thêm các lớp kỹ năng, các lớp năng khiếu, trại hè, khóa học trải nghiệm..., vì đó đều là những kiến thức, sân chơi rất bổ ích cho các con. Khi quan sát các con tham gia khóa trải nghiệm về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, tôi nghiệm ra được những thiếu sót dẫn đến bị động, lúng túng của các con nếu gặp tình huống cháy hay khi đi bơi. Vì thế, học các kỹ năng về bơi lội, cứu hỏa, an toàn giao thông, học làm bánh, học làm nông dân... sẽ giúp các con tiến bộ hơn, tiếp thu các kỹ năng sống để chủ động xử lý an toàn, khôn khéo trong mọi tình huống, cũng như vận dụng các kiến thức bài học trên lớp vào thực tiễn cuộc sống.
Cuộc sống ngày càng có nhiều tình huống bất lợi, khó lường xảy ra liên quan đến hỏa hoạn, cháy nổ, đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn... nên rất cần trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phòng hộ, thoát nạn, xử lý cơ bản. Sự bùng nổ của mạng xã hội nhưng chưa được định hướng và quản lý chặt chẽ cũng đang khiến nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh hư hỏng, học hành sa sút, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm, sinh lý. Đó cũng là nguyên nhân khiến vấn đề bạo lực học đường, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bỏ học, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... ngày càng diễn biến phức tạp.
Hướng trẻ sống có trách nhiệm
và sẻ chia
Qua tìm hiểu tại một số trường học cấp 2, cấp 3 ở cả thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, tình trạng học sinh vì đua đòi theo bạn bè ăn chơi, làm đẹp mà bỏ bê học tập, tổ chức "đánh hội đồng" bạn học và quá đà hơn là "trải nghiệm" hút thuốc lá điện tử... vẫn đang xảy ra. Số học sinh nghiện game cũng ngày một tăng. Vì nghiện chơi game nên việc học của các em sa sút và có trường hợp nảy sinh hành vi trộm cắp vặt để có tiền thỏa mãn các trò trên game.
Cũng may có sự phát hiện sớm của bạn học, giáo viên, nhà trường, nên một số được ba mẹ, gia đình kịp thời ngăn chặn, định hướng, gửi con tham gia các nhóm, câu lạc bộ tình nguyện, câu lạc bộ ở phường, đoàn đội... và các hoạt động vì cộng đồng như Ngày Chủ nhật xanh, Chủ nhật vì cộng đồng... để các em được tham gia các hoạt động tích cực, bổ ích.
M.A, một học sinh lớp 8 từng "bắt chước" bạn hút thuốc lá điện tử chia sẻ: "Từ ngày tham gia các hoạt động như làm túi giấy, phát quà cho người nghèo, làm lồng đèn tặng các em nhỏ Tết Trung thu, vệ sinh môi trường... đã giúp con và nhiều bạn từng "lỡ dại" thay đổi thái độ, hành xử tích cực hơn, chăm lo học tập hơn. Không chỉ được quen biết, giao lưu thêm nhiều bạn tốt, mà qua tham gia câu lạc bộ của phường, con được trải nghiệm sáng tạo, biết cách thiết kế và thực hiện các kế hoạch hành động phục vụ cộng đồng".
Đại diện Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay, ngoài hiệu ứng từ các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Sở LĐTB&XH phối hợp với các ngành, địa phương lồng ghép, đưa vào chương trình giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa xâm hại trẻ em. Các trường học đã đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh một cách thiết thực, phù hợp. Đến nay, tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh trong học đường. 100% cơ sở giáo dục mầm non đạt trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
Để giúp các em có đầy đủ các tố chất trí - đức - văn - thể - mỹ mà ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội đang hướng đến, sự đầu tư về cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động phúc lợi xã hội... đang dần hoàn thiện. Đơn cử một đổi mới rất sáng tạo và hữu ích là phong trào xây dựng thư viện lớp học, tủ sách thân thiện đang được nhân rộng và phát triển ở các cấp học, nhất là bậc tiểu học và trung học cơ sở đã đem lại nhiều thành công trong hoạt động dạy và học của nhà trường. Mô hình này không chỉ hạn chế, đẩy lùi các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của các em mà còn góp phần khơi dậy phong trào yêu thích đọc sách, tạo môi trường vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, tư duy, sáng tạo, giúp các em có thêm cơ hội phát triển một cách toàn diện, bình đẳng.