ClockThứ Năm, 24/08/2023 09:11

“Chạy trường” - Kỳ III: Nhiều trường tốt, sức ép trái tuyến sẽ giảm

TTH.VN - Bức tranh trái tuyến phản ánh nhiều vấn đề xã hội. Đó là chất lượng giáo dục, nhận thức xã hội, tâm lý phụ huynh, sự đua tranh có con được học trường “chất lượng”… Điều đó gióng lên hồi chuông để những người có trách nhiệm trong quản lý giáo dục tham mưu cấp thẩm quyền có giải pháp chấn chỉnh để làm trong sạch môi trường giáo dục.

"Chạy trường"“Chạy trường” - Kỳ II: Cuộc đua mệt mỏi

 Nếu trường nào cũng chất lượng, nhu cầu học trái tuyến sẽ giảm (ảnh minh họa)

Nâng chất lượng đồng đều

Tâm lý phụ huynh đều muốn con em học ở những trường tốt nhất, nơi có cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tốt, giáo viên giỏi và tận tâm. Vì vậy, giải pháp sâu xa nhất là nâng mức độ đồng đều về điều kiện giáo dục giữa các trường, tăng thêm số lượng trường chuẩn quốc gia sẽ giảm tình trạng học sinh trái tuyến dồn vào một vài trường. Để “giữ chân” học sinh trên địa bàn, những trường chưa được coi là trường “điểm” cần nâng cao hơn chất lượng, môi trường giáo dục để phụ huynh yên tâm, không đua nhau xin vào trường “điểm”.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế cho rằng, cùng với sự quan tâm đầu tư của thành phố, các trường cũng cần có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, có nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh, quan tâm đến chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Phụ huynh thấy học sinh của trường đạt thành tích tốt qua các kỳ thi, học sinh nề nếp, chăm ngoan, có kỹ năng sống tốt… sẽ yên tâm cho con học tại địa phương.

Ngoài kết quả học tập, phụ huynh rất thích cho con học ở những trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng. Thế nên, các trường cũng cần tổ chức nhiều hoạt động này để bồi dưỡng cho học sinh phát triển toàn diện về năng khiếu, thể chất và kỹ năng. Hiệu trưởng một trường tiểu học “hot” tiết lộ, lý do trường ông được phụ huynh “chuộng” ngoài chất lượng tốt, vị trí thuận tiện đưa đón, có tổ chức bán trú từ lớp 1 đến lớp 5 còn vì trường có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng, trải nghiệm khiến học sinh thích thú. Đây cũng là những tiêu chí để các trường khác tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện của trường mình.

 Đọc sách trong khuôn viên Trường THCS Chu Văn An

Thực tế, những trải nghiệm văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, tết cổ truyền hay giáo dục di sản… hấp dẫn và thu hút học sinh. Năm ngoái, học sinh Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Trường tiểu học Trần Quốc Toản rất hào hứng khi tham gia hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế. Bằng việc kiến tạo các nhóm đọc theo bốn chủ đề: “Những con đường xứ Huế”, “Dòng sông kể chuyện”, “Chuyện một khu vườn nhỏ”, “Đi theo làn điệu dân ca”, chương trình là sự kết nối chặt chẽ của giáo viên, học sinh, phụ huynh trong đọc và trải nghiệm. Từ đó, mang đến cho các em những cảm xúc trong trẻo và niềm hứng khởi với việc đọc sách.

Chú trọng đầu tư cho các trường xa trung tâm

Ông Nguyễn Văn Cao, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, giải quyết vấn đề trái tuyến phải từ cái gốc chứ ngăn cấm không ăn thua. Sở dĩ có trái tuyến là vì trước đây, một số trường được đầu tư “điểm”, có giáo viên giỏi và ở khu trung tâm, điều kiện thuận lợi. Phụ huynh có điều kiện tập trung cho con học trái tuyến ở những trường này, con giỏi lại đầu tư nhiều cho trường, trường lại càng nổi tiếng. Vì thế, ngoài các trường ở trung tâm, cần chú trọng đầu tư cho những trường vùng ven. Phường, xã nào cũng có trường học khang trang, có giáo viên giỏi, học sinh được tiếp cận các tiện ích trong học tập thì phụ huynh sẽ cho con học tại địa phương.

Ngành giáo dục và đào tạo cần có khảo sát, đánh giá xem các trường không được coi là trường “điểm” đang thiếu gì? Cái gì phụ huynh đang cần cho con em họ ở các trường “điểm” mà trường khác không có, để có giải pháp đầu tư thích đáng. Chẳng hạn, cùng học bán trú nhưng các trường trung tâm có điều hòa còn trường vùng ven thì không cũng là điều khiến phụ huynh cân nhắc. Nhu cầu cuộc sống hiện tại rất cao nên các trường tiểu học cần đầu tư các điều kiện tổ chức học bán trú, có thể theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Chị M.H, phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Quang Trung chia sẻ: “Biết là trường nào cũng có bán trú như nhau nhưng tôi muốn cho con học ở trường có điều kiện tốt để con được học hành, nghỉ ngơi thoải mái. Đơn cử, vào mùa nắng nóng, buổi trưa cháu ngủ ở trường có điều hòa tôi vẫn yên tâm hơn”.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho hay, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường thuộc địa bàn đang còn khó khăn, tích cực nâng cao chất lượng bán trú và phát triển bán trú ở các đơn vị có đủ điều kiện. Đồng thời, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục ở các trường. Hiện nay, các trường tiểu học có bán trú trên địa bàn thành phố đạt khoảng 90%.

 Học sinh tham gia hoạt động khám phá di sản tại Đại Nội Huế

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất, hiện nay, phường Vĩnh Ninh chưa có trường THCS. Để giảm bớt áp lực cho các trường khác khi xung quanh khu vực này là bệnh viện, các trường đại học, cơ quan hành chính tập trung nhiều và ai cũng có nhu cầu cho con học gần cơ quan công tác để thuận đưa đón, cần nghĩ đến phương án thành lập Trường TH&THCS Vĩnh Ninh. Như vậy, vừa giải quyết được việc phường Vĩnh Ninh có trường THCS, đồng thời giảm áp lực nóng cho Trường THCS Nguyễn Chí Diểu và THCS Chu Văn An.

Đặt ra tiêu chuẩn tuyển sinh trái tuyến

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân đề nghị, về đội ngũ, TP. Huế phải tính đến phương án sắp xếp, điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên cho đồng bộ giữa các trường, tránh trường hợp trường trung tâm thì bố trí chất lượng đội ngũ cao hơn, như thế để tạo công bằng, cơ hội cho học sinh giữa các trường. 

Rải đều cán bộ quản lý, giáo viên giỏi cho các trường là một trong những giải pháp quan trọng để giảm bớt vấn đề học trái tuyến như hiện nay. Vì thế, cần nghiên cứu quy chế điều chuyển cán bộ quản lý có năng lực, kinh nghiệm cũng như giáo viên giỏi các bộ môn, nhất là đến dạy ở những trường chưa có “danh tiếng” để nâng cao chất lượng, uy tín của những trường này. Việc luân chuyển cũng phải có chính sách, phong trào, đào tạo, tập huấn…

Nên chăng, các trường cần công khai còn bao nhiêu suất trái tuyến cũng như đưa ra tiêu chuẩn tuyển sinh trái tuyến rõ ràng, công khai để tạo sự công bằng, tránh tiêu cực. Tiêu chuẩn này trên cơ sở đúng quy định của ngành giáo dục, căn cứ từ khách quan của đời sống để tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh, được thực hiện một cách dân chủ bởi hội đồng tuyển sinh. Việc lựa chọn những học sinh giỏi nhất để tuyển là quyền lợi chính đáng của các trường trong trường hợp này. Đây cũng là một trong những giải pháp để giải quyết cái gốc của vấn đề.

Việc xếp lớp cho học sinh cũng cần được các trường cân đối hợp lý giữa giáo dục mũi nhọn và đại trà. Lâu nay, dù quy định không có lớp chọn nhưng thực tế một số trường vẫn có lớp chọn. Một nhà giáo về hưu chia sẻ, lúc ông làm hiệu trưởng ở một trường THCS “điểm”, trường ông không có lớp chọn. Thời điểm ấy còn áp dụng việc xếp loại học sinh ở cấp tiểu học và ông chia đều số học sinh giỏi vào tất cả các lớp để các em giúp đỡ nhau học tập.

Kỳ IV: Thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của phụ huynh

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy trường” - Kỳ II: Cuộc đua mệt mỏi

Mỗi mùa tuyển sinh, nếu những phụ huynh xin cho con học trái tuyến như “ngồi trên đống lửa” thì hiệu trưởng của các trường “hot” cũng “ăn không ngon, ngủ không yên”.

“Chạy trường” - Kỳ II Cuộc đua mệt mỏi
"Chạy trường"

Mong con được vào học ở một ngôi trường tốt là nguyện vọng chính đáng của bậc làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, tâm lý bằng mọi giá phải xin cho con học trái tuyến ở những ngôi trường được cho là trường “điểm” tại trung tâm TP. Huế là nguyên nhân nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cực.

Chạy trường
Return to top