|
Học sinh ôn thi trước kỳ thi tốt nghiệp |
Đạt điểm 6-7 không khó
Trong quá trình ôn tập, giáo viên đã lưu ý học sinh cần chú ý nắm vững cách phát âm, trọng âm của từ, các chức năng ngôn ngữ trong tiếng Anh, ôn lại toàn bộ các kiến thức ngữ pháp, làm nhiều bài tập liên quan đến đọc hiểu và từ vựng.
Khi đã nắm rõ các nội dung trọng tâm trên, thí sinh tiến vào giai đoạn luyện tập với các bộ đề bao gồm những bộ đề thật từ những năm trước và nhiều đề thi thử khác.
Theo bộ đề tham khảo môn tiếng Anh cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cấu trúc của đề thi vẫn giữ như những năm trước với 50 câu trắc nghiệm và thời gian làm bài là 60 phút.
Về độ phân hóa, đề thi phù hợp với các em học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Với cấu trúc đề này, chỉ cần học trong sách giáo khoa và một chút vận dụng, học sinh có thể đạt được điểm 7 - 8.
Những câu ngữ pháp, phát âm, tìm lỗi sai trong đề tham khảo môn tiếng Anh năm nay đều nằm trong chương trình lớp 12. Học sinh học kỹ chương trình lớp 12 đều có thể dễ dàng làm được bài.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Hương Vinh, về cơ bản, đề tham khảo năm nay giống năm ngoái, bao gồm những nội dung đã học trong chương trình lớp 12. Vì vậy, em nào nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 12, việc đạt điểm 6-7 là không khó.
Phần khó thường nằm ở bài đọc hiểu và một số câu về thành ngữ, từ vựng. Muốn làm tốt phần này, học sinh phải có kiến thức chắc về từ vựng và kỹ năng đọc hiểu. Muốn được điểm 9 - 10, các em phải đọc nhiều, nghiên cứu nhiều và làm những bài tập nâng cao.
“Để đạt điểm cao, học sinh cần trang bị vốn từ vựng dồi dào vì rất nhiều em mất điểm ở các bài đọc. Biết nhiều từ vựng sẽ giúp các em làm bài đọc dễ dàng hơn. Nếu có vốn từ tốt, các em sẽ dễ đạt điểm cao hơn vì các bài đọc chiếm đến 30% tổng số điểm”, cô Hạnh Nguyên nói.
Nhớ kỹ thủ thuật làm bài
|
Hệ thống kiến thức môn tiếng Anh cho học sinh |
Các giáo viên lưu ý, khi làm bài môn tiếng Anh, thí sinh nên chọn những câu dễ làm trước, khó làm sau. Chú ý đọc kỹ đề, đặc biệt là những câu đồng nghĩa, trái nghĩa để tránh nhầm lẫn. Cô giáo Hạnh Nguyên nhấn mạnh: “Đối với những câu có đáp án na ná nhau thì tập trung vào những từ khác nhau và dùng phương pháp loại suy. Thí sinh nên làm câu nào tô câu đó, không nên để dành tô 1 lần vì sẽ dễ bị tô nhầm câu, nhầm hàng. Câu nào sai nhớ tẩy thật sạch và giữ phiếu làm bài sạch sẽ, phẳng phiu”.
Với nhiều thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, môn tiếng Anh là nỗi “ám ảnh”. Để giúp học sinh chưa giỏi môn tiếng Anh chuẩn bị tốt cho kỳ thi quan trọng sắp tới, ở giai đoạn nước rút, các giáo viên tập trung kỹ và xoáy vào ma trận đề của Bộ GD&ĐT.
Cô giáo Trương Thị Bích Quyên, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ cho hay: “Theo quan sát, 3 năm trở lại đây, đề thi bám sát trên 90% ma trận đề nên trong quá trình dạy hỗ trợ ôn tập, tôi truyền đạt cho học sinh trọng tâm cốt lõi của ma trận đề. Với những học sinh học chưa tốt môn tiếng Anh, tôi cung cấp lý thuyết cho học sinh nghiên cứu thêm nếu mất căn bản, với các phần trọng tâm: Ngữ âm, ngữ pháp và đọc hiểu”.
Trong quá trình ôn tập, các giáo viên đều dạy mẹo làm bài, mẹo giúp học sinh nhớ nhanh và làm bài nhanh hơn với hy vọng, các em sẽ cải thiện phần nào điểm số của mình. Vì thế, học sinh cần nhớ kỹ các thủ thuật làm bài, như: Mẹo làm các câu phát âm, mẹo làm các câu sửa lỗi, mẹo làm bài đọc đục lỗ và các bài đọc hiểu.
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước vào kỳ thi, nhiều học sinh vẫn tranh thủ những ngày cuối để ôn tập, luyện giải đề. Các giáo viên lưu ý, khi luyện tập, học sinh cũng cần chú ý áp dụng đúng thời gian như khi thi thật. Ngay sau khi chữa bài, các em cần chú ý thật kỹ các câu sai, tìm lý do vì sao lại có lỗi sai đó và ôn tập lại phần ngữ pháp tương ứng.