Không để phát sinh việc luyện thi
Quy chế cho phép các trường sử dụng hoặc không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Các trường, nếu sử dụng kết quả kỳ thi này thì phải xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Các trường đặc thù có thêm thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc thi năng khiếu cần xác định và công bố công khai về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển.
Ảnh minh họa
Với các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu. Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của các trường khác để xét tuyển thì phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường, có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Trường phải bảo đảm các yêu cầu: Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm.
Đề án tuyển sinh của trường phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng. Từ năm 2018 trở đi, các trường phải công bố thêm một số nội dung: Tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh. Những trường không công khai đầy đủ thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh.
Năm 2017, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào ĐH căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin về bảo đảm chất lượng theo quy định của Quy chế này thì mỗi trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho trường mình.
Được điều chỉnh nguyện vọng một lần
Thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Điểm xét tuyển là tổng điểm của các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì trường xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi. Trong đợt xét tuyển đầu tiên, các trường/nhóm trường (bao gồm cả các trường đặc thù) nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh được dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng. Việc xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần.
Theo Hà Nội Mới