|
Ngoài ôn tập kiến thức, giáo viên còn nhắc nhở, phổ biến cho học sinh những quy định về kỳ thi |
Thực hiện nghiêm Quy chế thi
Gần diễn ra kỳ thi, các em học sinh vẫn dành thời gian để ôn lại các kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, các em tránh lo lắng quá mức vì đề thi đều nằm trong chương trình đã được học và ôn tập. Ngoài việc giữ tinh thần tự tin, bình tĩnh, thí sinh cần dành thời gian nghỉ ngơi trước ngày thi. Trước ngày thi chính thức không thức quá khuya, cũng không cần học nhiều. Ăn chín uống sôi trong thời gian này, tránh những món như cơm hến, rau sống hoặc ăn vặt ngoài đường, không ăn món lạ đề phòng bị đau bụng.
Ông Mai Anh Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra lời khuyên, các thí sinh hãy tự tin vào bản thân mình vì đã được ôn đầy đủ và làm rất nhiều bài tập tương tự. Các câu hỏi đều đã được thầy cô dạy ở trường, chắn chắc là mình làm được. “Gặp đề dễ cũng không nên quá mừng dẫn đến chủ quan làm sai; gặp bài khó cũng không quá lo, vì sợ quá cũng giảm sự thông minh và không làm bài được”, ông Ngọc nói.
Một vấn đề hết sức lưu ý là thí sinh cần thực hiện nghiêm Quy chế thi, đặc biệt là không được mang vào phòng thi các thiết bị đã ghi rõ trong Quy chế, gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi. Các ngành công an, giáo dục và đào tạo đã tập huấn rất kỹ cho cán bộ coi thi chống gian lận trong thi cử, đặc biệt là bằng các thiết bị công nghệ cao. Vì thế, việc gian lận là không nên và không thể qua được “tai mắt” của cán bộ coi thi, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế.
Ông Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài nhấn mạnh, thí sinh cần nắm vững Quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 để biết được những vật dụng được mang vào phòng thi, khu vực thi; những vật dụng không được mang vào, tránh trường hợp các em không biết dẫn đến dễ vi phạm quy chế, nhất là mang theo điện thoại vì quên.
Những lưu ý quan trọng
Ông Hoàng Minh nhắc nhở, khi vào phòng thi, thí sinh mang theo thẻ dự thi, căn cước công dân, ngồi đúng theo sơ đồ vị trí số báo danh do điểm thi quy định và giữ trật tự trong quá trình thi. Thí sinh cần điền đầy đủ thông tin trên tờ giấy bài làm, tránh những sai sót như ghi sai tên Hội đồng thi, điểm thi, ghi nhầm ô, những lỗi bị ghi nhận đánh dấu bài thi...
Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra tình trạng đề để kịp thời phản ánh với cán bộ coi thi nếu đề bị mờ, thiếu trang. Đối với các môn thi trong bài thi tự chọn, thí sinh phải lưu ý mã đề thi của 3 môn thi là giống nhau. Đối với bài thi trắc nghiệm, thí sinh dùng bút bi để ghi các nội dung thông tin, dùng bút chì mềm để tô số báo danh, mã đề thi, đáp án lựa chọn ở phiếu trả lời đầy đủ và chính xác.
Ông Mai Anh Ngọc cũng lưu ý thí sinh khi làm bài, chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Câu không biết thì đánh dấu hỏi phía trước câu để cuối giờ làm, câu nào phân vân phương án 50-50 thì đánh dấu *. Thí sinh cẩn thận kẻo tô 2 ô cùng dòng dẫn đến sai cả 2 câu, tránh bị sót câu khi cuối giờ. Nếu cảm thấy làm không được thì qua câu khác ngay. Nếu gặp đề khó, thí sinh cũng không được sợ hãi vì mình làm không được thì bạn khác cũng làm không được. Hãy dành khoảng 2 phút để kiểm tra, đảm bảo tất cả các câu đã được tô, không có câu nào bỏ trống, không có câu bị tô 2 ô, câu tẩy còn bị mờ.
Thí sinh cần chuẩn bị tất cả giấy tờ thi, bút viết, gôm tẩy, compa, máy tính… vào túi trước khi đi ngủ, sáng mai chỉ cầm và đi thi. Điều gì cần nhắc nhở bản thân thì ghi ngay ra tờ giấy để trên bàn học và yên tâm đi ngủ, tránh vừa nhớ vừa ngủ sẽ ngủ không sâu, dẫn đến đau đầu vào ngày hôm sau. Nếu quên giấy tờ thi, thí sinh vẫn cứ vào phòng rồi liên lạc người nhà trợ giúp hoặc viết giấy cam đoan, không được tự ý chạy về nhà sẽ trễ giờ nếu đi thi một mình. Cứ bình tĩnh, cán bộ trường thi sẽ hỗ trợ vào thi. Nên đi sớm hơn giờ vào phòng thi từ 15 đến 20 phút để được bình tĩnh.
“Một điều quan trọng nữa là, sau mỗi buổi thi, thí sinh cần tập trung chuẩn bị chu đáo cho buổi thi tiếp theo, hạn chế việc kiểm dò kết quả môn đã thi, không bàn luận làm được hay không vì không thể sửa lại bài, chỉ gây tiếc nuối và ức chế, ảnh hưởng tâm lý khi làm các môn thi còn lại”, ông Ngọc khuyên thí sinh.