Từ những bài làm sai kiến thức
Sai kiến thức là lỗi phổ biến của các thí sinh. Do không nắm vững kiến thức tiếng Việt, tác phẩm văn chương nên thí sinh mặc sức “sáng tạo”, suy diễn. Đề trích một đoạn thơ trong bài "Trước biển" của Vũ Quần Phương rồi đưa ra yêu cầu "Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?". Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu này là quá dễ đối với kỳ thi THPT Quốc gia. Vậy mà không ít bài làm đã không lấy được 0,5 điểm vì không xác định được thể thơ tự do. Nhiều bài làm tự chế ra các thể thơ như thể từ đó; thể thơ bác bỏ, thể thơ tự chọn…
Trong phần đọc hiểu để yêu cầu "Anh chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào: Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/Bao kiếp người vùi trong đáy lạnh mù tăm". Đáp án là Thể hiện sự hy sinh, vất vả của con người; bộc lộ niềm thương cảm của tác giả. Vậy mà nhiều bài làm đã tán sống sượng, suy diễn lung tung. Có thí sinh quả quyết 2 câu thơ nói về công việc làm ruộng vất vả, gian nan; thí sinh khác thì cho rằng “2 dòng thơ nhấn mạnh tâm trạng của một chàng trai với một mối tình dang dở, một tấm lòng khao khát được gặp cô gái”. Sự cảm nhận, thấu hiểu và khả năng đọc thơ của các cô cậu học trò lớp 12 còn quá hạn chế.
Trong phần làm văn, đề trích đoạn văn trong bài bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường rồi yêu cầu học sinh cảm nhận về hình tượng sông Hương, từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, lại là thử thách đối với không ít học sinh. Bên cạnh những bài làm tốt thì tồn tại không ít bài viết khiến người chấm "cười ra nước mắt". Có em nhầm sông Hương với... sông Đà; nhầm bài bút ký này với tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Nhiều bài làm nhầm bài bút ký này là bài thơ. Có thí sinh phân tích sông Hương như một cô gái Huế có cuộc đời đau thương, vất vả, cơ cực… Sông Hương từ trang văn tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường “chảy” vào trang viết của thí sinh được biến hóa đến "muôn hình vạn trạng"...
Đến những bài làm không có chất văn
Trong một túi có 30 bài thì có ít nhất trên 20 bài mắc lỗi chính tả. Tên địa danh, tên nhà văn không viết hoa; dấu hỏi, ngã không phân biệt được. Nhiều bài làm chữ quá xấu, quá cẩu thả, nhìn vào hoa cả mắt. Nhiều bài, hành văn lủng củng, văn viết mà như văn nói... Rất nhiều bài viết chưa xác định được yêu cầu đề ra, không nắm được yêu cầu của một bài văn nghị luận. Cảm nhận hình tượng sông Hương trong một đoạn của bài ký thì lại sa vào kể, miêu tả hoặc thuyết minh về con sông Hương ở Huế. Nghĩa là các em không xác định được vấn đề cần nghị luận là hình tượng trong tác phẩm văn học.
Lỗi phổ biến nhất trong bài văn ở các thí sinh năm nay là cứ dựa vào đoạn văn trong đề trích từ bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đề diễn giải, tán theo. Thậm chí có một lượng bài không nhỏ chép lại hai đến ba lần đoạn ký trong đề và chẳng phân tích, nhận xét gì thêm. Lại nữa, đề yêu cầu cảm nhận hình tượng sông Hương trong một đoạn văn lại đồng nhất với phân tích, cảm nhận chung chung cả bài ký. Viết văn mà cứ diễn xuôi tác phẩm. Cả bài làm văn tuyệt nhiên không hề đề cập gì đến nghệ thuật viết ký của nhà văn. Nhiều bài làm na ná, thiếu cá tính, thiếu điểm nhấn, thiếu chất văn.
Thật đáng lo khi trong khoảng thời gian 120 phút, nhiều thí sinh viết không được một trang giấy. Những “hạt sạn” xuất hiện ngày càng nhiều trong các bài làm văn, làm xót lòng những ai nặng lòng với nghiệp văn chương và tình yêu tiếng mẹ đẻ. Năm nay, điểm cao nhất môn ngữ văn trên toàn quốc là 9,25. Điểm 9 môn ngữ văn ở các tỉnh, thành cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, có không ít bài thi bị điểm liệt. Điều này khiến ta suy ngẫm về tình trạng dạy văn và học văn hiện nay.
Trần Văn Toản