ClockThứ Sáu, 31/10/2014 13:00

Giáo viên cần chủ động, linh hoạt

TTH - Thay vì dùng điểm số, giáo viên (GV) sẽ ghi nhận xét, đánh giá về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (HS) tiểu học. Chủ trương mới này đòi hỏi giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm và năng động, tận tụy với học sinh hơn.

Phương pháp đánh giá mới đòi hỏi giáo viên phải tận tụy với học sinh

Triển khai đồng loạt

Nội dung thông tư 30/2014 quy định đánh giá thường xuyên quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học; đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực, phát triển phẩm chất của HS. GV sẽ chỉ đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 đối với bài kiểm tra định kỳ, không cho điểm 0 hoặc điểm thập phân, cùng với các nhận xét, sửa lỗi, đánh giá ưu khuyết điểm cho bài kiểm tra này.

Từ 15-10, các trường tiểu học trên địa bàn TP Huế chính thức áp dụng việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BDGDT của Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT). Ông Phan Nam, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP Huế nhận định, thông tư 30/2014 là bước tiến đầy tính nhân văn của Bộ GD&ĐT. Việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học sẽ giảm được những áp lực, giúp các em hào hứng khi đến trường. Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh không chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở mà còn đánh giá về năng lực và phẩm chất của học sinh.
Trường TH Thuận Thành đã dành một ngày để tập huấn cho GV các nội dung của Thông tư 30. Các GV được tìm hiểu, phân tích và đưa ra những phương án tối ưu. Ông Hồ Sau, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành cho rằng, việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 có nhiều ưu điểm. Trước đây, việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên gây không ít áp lực cho cả HS và phụ huynh. Giờ quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét không chỉ nhằm vào kết quả mà còn động viên, khuyến khích HS phát huy hết khả năng. Ngoài ra, trong quá trình học còn chú trọng đến việc HS tự đánh giá lẫn nhau, phụ huynh HS cũng tham gia đánh giá. Cách làm này sẽ góp phần làm tăng sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường trong giáo dục HS.
Việc triển khai thông tư 30 tại Trường TH Lê Lợi có thuận lợi hơn bởi gần đây bên cạnh cho điểm, nhà trường còn khuyến khích GV nhận xét bằng lời hoặc ghi nhận xét ở các bài kiểm tra. Cô Võ Thị Thùy Dung, Hiệu phó Trường TH Lê Lợi cho biết: “Nhà trường định hướng việc đánh giá bằng nhận xét của GV phải ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng. Quá trình dạy phải tiến hành nhận xét luân phiên từng em (những em yếu một số kỹ năng được quan tâm nhiều hơn). Tăng cường nhận xét bằng lời, đồng thời tạo điều kiện nhiều hơn để HS nhận xét lẫn nhau theo sự định hướng của giáo viên. Qua đó, chỉ ra cho HS biết mình đã làm tốt phần nào, còn phần nào phải khắc phục.”
Giáo viên cần chủ động, linh hoạt
Ông Phan Nam nhấn mạnh, chúng tôi chỉ đạo hiệu trưởng các trường cần để GV chủ động thể hiện đánh giá của mình đối với bài tập của HS, cách nhận xét có thể bằng lời nói, hoặc viết, linh hoạt tùy thời điểm. Sau một thời gian xem xét sự đánh giá của GV, từng trường hợp lại để tự rút kinh nghiệm và thống nhất cách thức thực hiện. Dự kiến, cuối học kỳ I này Phòng GD&ĐT sẽ mở hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm.
Với 865 học sinh đang theo học tại 23 lớp, sau nửa tháng triển khai việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phú Hòa dành thời gian dự giờ hơn 40 tiết học để theo dõi việc chuyển đổi cách truyền thụ kiến thức của đội ngũ giáo viên nhà trường, đồng thời, đặt in 170 cuốn sổ theo dõi đánh giá học sinh phục vụ việc đánh giá định kỳ. “Việc hàng ngày phải nhận xét một lượng lớn học sinh đòi hỏi GV phải vượt khó, có nghiệp vụ. Bên cạnh đó, phụ huynh phải quan tâm, có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường thì việc đánh giá này mới có chuyển biến thực sự. GV trong trường cũng mới được tập huấn về cách đánh giá HS, sẽ phải vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Lâu dần, GV có kinh nghiệm hơn để đưa ra nhận xét đúng, phù hợp từng em. Chủ trương mới này đòi hỏi giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm và năng động, tận tụy với học sinh hơn mới có thể nhận xét, đánh giá được”, ông Huỳnh Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hòa nói.
Là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, nhưng cô Nguyễn Thị Trang, GV Trường tiểu học Hương Sơ cũng loay hoay với cách làm mới này. Ngoài nhận xét trên vở HS, cô còn phải ghi nhận xét thường xuyên trong sổ theo dõi đánh giá học sinh. Công việc nhận xét cho HS cũng chiếm gần trọn buổi tối mỗi khi cô về nhà. Cô Trang cho hay: “Với cách làm mới này đòi hỏi GV phải tư duy nhiều hơn, nâng cao tính khách quan và cần có sự phân nhóm HS để có nhận xét sát thực...”
Thực tế qua nửa tháng triển khai ở các trường TH trên địa bàn TP Huế cho thấy, giáo viên không nhất thiết nhận xét bằng chữ ở từng môn hằng ngày, mà có thể luân phiên các cách nhận xét khác nhau: nhận xét bằng lời trong buổi học, nhận xét vào vở theo dạng “cuốn chiếu”. Ví dụ, môn toán chỉ nhận xét trong vở các học sinh thuộc tổ 1, môn tiếng Việt sẽ nhận xét học sinh tổ 2, cứ như vậy luân phiên thay đổi với các môn khác. Với cách làm này, mỗi ngày giáo viên phải nhận xét khoảng 30 cuốn sách, vở của học sinh.
Ông Hồ Sau - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành:
Tăng cường tổ chức sinh hoạt nhóm
Giáo viên chủ nhiệm áp dụng chủ trương mới này có phần thuận lợi hơn giáo viên bộ môn bởi họ đảm nhận ít lớp và có điều kiện nắm vững năng lực, phẩm chất từng em trong lớp. Quá trình giảng dạy mỗi giáo viên cần lưu ý 2 nhóm đối tượng: có năng khiếu và chưa hoàn thành nội dung học tập, chưa phát huy năng lực bản thân. Bên cạnh cho các em tự đánh giá, giáo viên phải tăng cường tổ chức sinh hoạt nhóm để các em có điều kiện giúp đỡ nhau.
Cô Hồ Thị Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1, Trường tiểu học Vỹ Dạ:   
Hàng ngày phụ huynh phải xem sách vở của con em
Trước đây, với cách cho điểm thì việc đánh giá của giáo viên chủ nhiệm đối với 42 em trong lớp rất dễ dàng, nay thay đổi bằng nhận xét phải cần đến nhiều người đó là: Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hội ý nhau để đưa ra nhận xét cuối năm.
Để nhận xét học sinh, giáo viên phải cân nhắc, lựa chọn những từ ngữ dễ hiểu nhất, khi nhìn vào bảng nhận xét của giáo viên các em sẽ biết hôm nay mình học như thế nào? Đại loại như:”Em đã nắm được kiến thức bài toán hôm nay” hay: “Em chưa thật sự hiểu bài lắm”... Hơn nữa, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng, hàng ngày phải xem sách vở để biết những gì giáo viên nhận xét, từ đó giải thích, chỉ rõ cho các em hiểu.
Chị Phan Hoài Nhi - phụ huynh học sinh lớp 1:
Cuối tuần nên chấm điểm để khuyến khích, động viên học sinh
Không chấm điểm thì tạo cho HS thoải mái, nhẹ nhàng. Lúc trước, mỗi lần có điểm 9, 10 là ra khỏi trường cháu chạy đến khoe làm tôi rất vui vì hôm nay cháu đã hiểu bài. Từ khi áp dụng chủ trương mới không chấm điểm, cháu thường thắc mắc nên tôi luôn cố giải thích để cháu yên tâm học.
Tôi nghĩ không nên chấm điểm đại trà mà chỉ chấm điểm dịp cuối tuần để khuyến khích động viên cho các cháu học; nhất là đối với trẻ mới vào lớp 1.
M. Khuê - H. Phong (thực hiện)
 
Bài, ảnh: Hoài Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội STEM cấp tiểu học

Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024 với chủ đề “Đẩy mạnh giáo dục STEM thông qua bài học STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học”.

Ngày hội STEM cấp tiểu học
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Return to top