ClockThứ Sáu, 25/07/2014 04:32

Giật mình sau bão lụt

TTH - Khi cơ bão số 2 quét qua các tỉnh biên giới phía Bắc suy yếu, người ta chưa kịp thở phào về con số thiệt hại về người được hạn chế thấp nhất thì đùng một cái, ngày 21/7, tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sạt lở đất khiến 7 người chết, 1 người bị thương. Con số người chết lại tiếp tục tăng lên những ngày sau đó. Nếu như thời gian đỉnh điểm của bão số 2 kèm theo mưa lớn gây lũ lụt mới chỉ 4 người chết, 2 người mất tích thì đến 2 ngày sau, con số người chết, mất tích lên đến 29 người.

Cảnh tượng làm chúng tôi liên tưởng đến những gì từng xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Khi trong gió to, lụt lớn thì tính mạng người dân được an toàn. Nhưng khi sóng gió đã lắng xuống thì bắt đầu nghe chỗ này chết người vì đi hái rau, chỗ khác chết người vì đi bắt cá… Thậm chí có học sinh mầm non nghịch chơi ngã xuống nước trong khuôn viên trường mà cô giáo không hay biết, dẫn đến cháu chết đuối. Chung quy là do chủ quan của con người.

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên đối mặt với bão lụt. Ngoài nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết; nguy cơ sạt lở đất đá ở các vùng núi, vùng ven sông, ven biển cũng rất lớn. Trận lũ lịch sử năm 1999, tại đèo Mũi Né, huyện Phú Lộc đã từng xảy ra vụ trượt đất làm nhiều người chết, bị thương. Hàng năm, tình trạng sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông ở các tuyến đường qua vùng đồi núi như: QL 49A Huế - A Lưới, đường Hồ Chí Minh, QL 1A đoạn qua đèo Phước Tượng, Phú Gia… Có nhiều vụ trượt đất lên đến hàng chục m3.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra phức tạp những năm gần đây. Nguyên nhân được xác định là do sự xâm thực của biển cả và tình trạng khai thác cát sạn ở các dòng sông quá mức cho phép. Điều lo lắng nhất là tình trạng sống chung với sạt lở của người dân. Mặc dầu chính quyền các cấp đã rất quan tâm di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở nhưng vẫn chưa triệt để. Vẫn thấy nhiều ngôi nhà nằm bên vùng sạt lở, dưới chân núi cheo leo.
Tình trạng người dân coi thường hiểm nguy, không chịu về nơi ở mới có nguyên nhân từ hạ tầng khu tái định cư, điều kiện làm ăn… Nếu những vướng mắc này được tháo gỡ, thì việc đưa người dân đến nơi an toàn, hạn chế những thiệt hại thấp nhất về người trong và sau bão lụt sẽ có kết quả cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư, xây kè ven sông, ven biển; ở các địa hình có nguy cơ sạt lở cao để bảo vệ đất, bảo vệ công trình, hạ tầng giao thông. Điều quan trọng nữa là đẩy mạnh truyên truyền, vận động người dân, thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ”; trong đó, không được xem nhẹ điều “tự quản tại chỗ” mỗi khi bão lụt đi qua, để tránh những sự cố đáng tiếc do chủ quan gây ra!
Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong các hoạt động, đáng chú ý đó là nhiều lực lượng đã tập trung xử lý các điểm ô nhiễm tại các kênh, rạch, dòng sông.

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường
Return to top