ClockThứ Năm, 27/02/2020 13:00

Giỏi chuyên môn, giàu y đức

TTH - GS. TS. BS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Huế đánh giá cao PGS. TS. BS. Trương Quang Vinh, Trưởng khoa Sản và PGS. TS. BS. Lê Nghi Thành Nhân, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Lồng ngực, Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế: “Đó là hai bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức. Say mê học tập, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, học viên sau đại học. Họ là niềm tin cho bệnh nhân, đồng nghiệp của bệnh viện, nhà trường”.

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược triển khai nhiều kỹ thuật mới

"Mát" tay

Bước qua tuổi 60, PGS. TS. BS. Trương Quang Vinh vẫn phong độ không chỉ ở hình thức bên ngoài mà cả trong chuyên môn. Cái tâm, cái tài của ông cũng thể hiện trong cách sống hàng ngày, trong việc tận tình, âm thầm cứu chữa bệnh nhân và miệt mài dạy dỗ truyền thụ kiến thức cho sinh viên và đồng nghiệp trẻ.

PGS. TS. BS Trương Quang Vinh (thứ 2, bên phải) thăm khám bệnh nhân. Ảnh: Đăng Tuyên

Một câu chuyện nổi tiếng về sự cứu người của ông xảy ra gần 20 năm, giờ vẫn được đồng nghiệp nhắc lại. Họ gọi là “mũi khâu ân nghĩa” như một huyền thoại. Đó là một phụ nữ còn khá trẻ, chưa đến 30 tuổi, mang thai lần hai bị nhau tiền đạo, vết mổ cũ khi sinh con lần đầu bị dính, nên mổ thai lần này bị chảy máu nhiều, tim bệnh nhân ngừng đập, bác sĩ cấp cứu để cầm máu. Hai ngày sau bệnh nhân bị chảy máu bụng và tiếp tục được mổ. Lúc này, bệnh nhân truyền rất nhiều máu, nhưng càng được truyền máu thì máu lại tiếp tục chảy không thể cầm lại được. Tất cả kíp mổ và bác sĩ phẫu thuật chính đã buông xuôi.

Lúc này trong phòng mổ chỉ còn lại hai người, bác sĩ Vinh và bác sĩ Việt. Xót xa trước cái chết cận kề đến với bệnh nhân,  bác sĩ Vinh kiểm tra lại vết mổ, phát hiện có một điểm chảy máu nghi ngờ và khâu lại. Từ đó, bệnh nhân không còn chảy máu và được cứu sống trước sự bất ngờ của cả khoa. Khi ra viện, bệnh nhân và người nhà  không hề biết mình gặp sự cố. “Lúc bệnh nhân được cứu sống là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi”. Giờ nói về ca bệnh ấy, bác sĩ Vinh không nhớ được tên và ngay cả khuôn mặt người phụ nữ ấy, nhưng  ông vẫn bừng sáng niềm vui như sự việc vừa mới xảy ra

Tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Huế (nay là Trường ĐH Y dược Huế) năm 1984, với điểm cao học giỏi, ông được giữ lại trường dạy môn phụ sản, vừa dạy học, vừa làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế. Là bác sĩ khoa sản, ông hiểu được sự nguy hiểm của sản phụ khi sinh con. Những tai biến bất ngờ xảy ra sẽ nguy hiểm nếu bác sĩ không giỏi xử trí, vì vậy ông luôn cố gắng học hỏi để nâng cao kiến thức, chuyên môn. Khi ấy, đất nước trong cảnh sống của thời bao cấp. Mọi phương tiện máy móc cho nghành sản còn thiếu thốn. Không có máy siêu âm và những thiết bị cấp cứu, mổ để hiện đại như bây giờ. An toàn cho cuộc sinh chỉ trông chờ duy nhất vào kinh nghiệm của bác sĩ. Đã bao trường hợp “Đàn bà đi biển mồ côi một mình” trong thời buổi khó khăn do các tai biến sản khoa còn in đậm trong tâm trí ông. Điều ấy thôi thúc ông cố gắng học tập: Học người đi trước, học qua sách báo. Bất cứ tài liệu nào về nói về ngành sản có là ông đều đọc để có thêm kinh nghiệm chuyên môn.

 Năm 1995, ông thi đậu và học nội trú ở Pháp, rồi sau đó tiếp tục học, trao đổi kinh nghiệm tại các nước: Mỹ, Ý, Nhật, Úc. Chuyên môn của ông ngày càng vững vàng, áp dụng nhiều phương pháp điều trị tích cực, chẩn đoán tốt trước mổ, xử lý đúng nên cứu được nhiều trường hợp sinh khó, ít gây tai biến cho mẹ. Thường những ca sinh khó, nguy hiểm ông đều đảm nhận. Ông không nhớ hết bao nhiêu trường hợp sinh khó, nguy hiểm mà ông đã cứu sống thành công cả mẹ và con, nhưng cảm xúc của ông khi mẹ con sản phụ an toàn vượt qua cửa tử thần thì vẫn tươi mới như ban đầu.

Công việc của bác sĩ khoa sản thật vất vả. 1-2h sáng, hoặc đến bữa ăn vừa mới bưng chém cơm lên, nhưng nhận lệnh cấp cứu, hoặc những ca sinh khó là ông sẵn sàng có mặt. Vì thế, ông còn được mệnh danh là bác sĩ đỡ đẻ "mát tay" và được tín nhiệm giữ chức trưởng bộ môn sản phụ của trường từ năm 2010-2019. Trong đào tạo, giảng dạy, ông đào tạo sinh viên, và học viên sau đại học như bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, chuyên khoa định hướng, nghiên cứu sinh… cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Bác sĩ sản là ngành ít được sinh viên chọn lựa, nên ông luôn trân quý những sinh viên khoa sản. Ông nhiệt tình, tận tụy truyền đạt kiến thức của mình, luôn mong mỏi họ giỏi chuyên môn và giàu y đức. Tấm gương của ông cũng là một trong những bài giảng mà sinh viên luôn học hỏi hàng ngày.

Làm chủ những kỹ thuật khó

Gặp PGS. TS. BS. Lê Nghi Thành Nhân, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Lồng ngực Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế, tôi nhớ đến những bệnh nhân trên 90 tuổi được anh thay khớp háng thành công, trong đó có hai ca đáng nhớ là bệnh nhân 100 tuổi và 104 tuổi. Cụ P.T, ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), nhập viện do bị gãy cổ xương đùi bên phải. Cụ còn bị một số bệnh lý khác, như đái tháo đường, thiếu máu, hở nhẹ van động mạch chủ. Sau khi điều trị ổn các bệnh lý này, bệnh nhân được chỉ định mổ thay khớp háng phải bán phần có xi măng. Do mạch máu của bệnh nhân bị xơ vữa nên cầm máu khó khăn hơn và có nguy cơ chảy máu sau mổ. Mặt khác, trương lực cơ của bệnh nhân kém hơn so với người trẻ nên nguy cơ trật khớp sau mổ cao hơn. Chưa kể, cơ thể người già thay đổi nhiều nên nguy cơ tai biến khi phẫu thuật dễ gặp hơn.

PGS. TS. BS Lê Nghi Thành Nhân hướng dẫn chuyên môn cho các đồng nghiệp, sinh viên. Ảnh: Đăng Tuyên

Đáng ngại nhất là nguy cơ tim mạch trong khi mổ và cả sau khi mổ. Bệnh nhân quá lớn tuổi, bác sĩ có quyền từ chối mổ vì sợ không đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Nhưng nếu không mổ thì  bệnh nhân sẽ bị tử vong, bởi sẽ bị các bệnh lý do bất động và nằm tại chỗ kéo dài, còn nếu mổ thành công thì có thể tránh được các biến chứng trên nên có thể sống thọ hơn. Sau mổ bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường, không làm phiền người nhà. Vì những điều đó, bác sĩ Nhân, Trưởng khoa quyết định phẫu thuật và ê kip mổ đã chuẩn bị sẵn sàng để xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra. Ca mổ thành công, hai ngày sau bệnh nhân tự vận động ngồi dậy được và hồi phục dần trở lại.

52 tuổi, gắn bó với nghề 27 năm qua, PGS. TS. BS. Lê Nghi Thành Nhân đã thực hiện nhiều kỹ thuật mới triển khai ở các nước có nền y học tiên tiến: kỹ thuật kết hợp xương kín không mở ổ gãy dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng, phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp háng và gối, kỹ thuật vi phẫu, phẫu thuật chỉnh hình nhi điều trị các biến dạng chi thể mắc phải hoặc bẩm sinh cho các cháu nhỏ.

Để đạt được thành quả này, với BS. Nhân là một quá trình học tập không có điểm dừng. Năm 1993, Nhân ra trường, trong tốp sinh viên điểm cao, được giữ lại trường và làm việc tại bộ môn ngoại của trường và Bệnh viện Trung ương Huế. Ban đầu, anh không thiết tha lắm với chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, nhưng ngày ấy bác sĩ CKII Phạm Đăng Nhật, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ bảo tận tình về chuyên môn, anh yêu nghề từ đó.

Vừa học tập kinh nghiệm người đi trước, Nhân vừa phấn đấu có học bổng để tu nghiệp thêm về chấn thương chỉnh hình chung ở Pháp. Sau đó anh tiếp tục làm thực tập sinh ở Đức, rồi đại học Yale của Mỹ,... về thay khớp và nội soi khớp. Anh còn theo học vi phẫu tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên tham gia các hội thảo, các khóa học ngắn ngày về chấn thương chỉnh hình ở nhiều nước Âu, Mỹ và các nước Đông Nam Á.

“Đặc biệt kỹ thuật thay khớp háng bằng đường mổ nhỏ lối trước, tôi được học trực tiếp từ GS Keggi là GS nổi tiếng tại Trường đại học Yale, là trường đứng thứ 6 trong top 10 trường nổi tiếng nhất thế giới về y khoa đã đem đến cho tôi bao kiến thức mới mẻ trong điều trị bệnh nhân. Khi báo cáo kỹ thuật này tại Hội nghị CTCH của Estonia, tôi đã mổ cho trên 500 bệnh nhân bằng kỹ thuật này".  BS. Nhân nói với niềm tự hào.

Nghe PGS Nhân nhắc chuyện này, tôi nhớ lại việc bác sĩ Nhân được báo cáo kỹ thuật này là nhờ GS. Aare Martson, nguyên Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Bắc Âu đến làm việc tại Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế, khi nhìn bác sĩ Nhân thực hành ca mổ thay khớp háng qua đường mổ trước, ông đã rất ngạc nhiên về cách áp dụng kỹ thuật mới này cũng như kết quả đạt được nên ông đã mời bác sĩ Nhân sang Estonia báo cáo.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế
Thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi

Đó là thông tin vừa được PGS.TS.Lê Nghi Thành Nhân, Trưởng Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình - lồng ngực, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế cho biết ngày 14/4. Đây là trường hợp bệnh nhân (BN) hơn 100 tuổi thứ ba được thay khớp háng thành công tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế.

Thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi
Chống nóng cho bệnh nhân

Tôi đến phòng chờ khám bệnh tại Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế trong cái nắng gay gắt của mùa hè. Bệnh nhân đến khám buổi chiều còn khá đông, nhưng nhìn họ, không ai có cảm giác nóng mặc dù thời tiết khắc nghiệt. Mọi người vẫn ngồi bình thản, chờ đến lượt gọi tên mình. Phòng chờ được trang bị rất nhiều quạt trần, tạo những luồng gió mát giúp bệnh nhân giải nhiệt.

Chống nóng cho bệnh nhân
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC HUẾ VÀ ĐẠI HỌC QUỐC GIA CHONBUK HÀN QUỐC
Phẫu thuật miễn phí cho 30 bệnh nhân dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt

Trong các ngày từ 15 đến 21/7/2019, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) tổ chức khám sàng lọc cho 55 bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt ở Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.

Phẫu thuật miễn phí cho 30 bệnh nhân dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt

TIN MỚI

Return to top