ClockThứ Ba, 19/05/2015 15:00

Giữa đám dây...

TTH - Tối qua, khi chuyển khách sạn, mình đã chọn căn phòng rộng hơn, có ban công nhìn xuống đường. Buổi chiều, Hà Nội óng ả nắng. Nói óng ả là vì cơn mưa chiều hôm trước đã làm nguội đi những ngày nóng dài. Những ngả phố cũng mềm mại và dễ chịu hơn với những hàng cây xanh ngợp lối. Râm ran tiếng ve. Bằng lăng có chỗ đã phai đi rất nhiều khi mình bách bộ qua mấy ngả đường mạn Ba Đình.
 

Mở cửa ban công, điều đầu tiên khi mình nhìn xuống là mấy xe bán quả rong đang lừng chừng đi giữa phố. Lúc ấy chắc cũng quãng gần 6h chiều. Con phố cũ không quá đông người. Chỉ nhiều nhất là các màu taxi vội vã. Phía gần như đối diện với căn phòng mình tá túc, có một thanh niên trẻ với một đai bảo hộ đơn giản quanh lưng đang đu mình trên đám dây nhợ lằng nhằng rất điển hình của Hà Nội hay Sài Gòn. Dừng mắt ở đó một lúc, mình vẫn không hiểu và không rõ cậu thanh niên ấy sẽ xử lý mọi thứ như thế nào dưới quầng sáng lờ nhờ.

Buổi sáng, sau giấc lười biếng và trễ tràng, mình lại mở ban công và lại thấy cậu thanh niên ngày hôm qua đã đeo mình trên đám dây từ bao giờ. Góc nhìn rõ và trực diện làm mình thảng thốt y như khi thấy diễn viên xiếc đi trên dây. Nhưng dây ở đây không phải như dây xiếc nhé. Nó bao gồm những chằng chịt đan xen và rủi ro có lẽ cũng sẽ nhiều hơn khi không biết đường dây nào sẽ phóng ra luồng điện từ một chỗ rò rỉ bất ngờ nào đó, từ một đoạn nối hay một con mắt lạc nào đó...
Thật hay là gần sát bên cạnh có một cây bằng lăng đang tím thẳm. Nó làm dễ chịu hẳn so với những rắc rối và hồi hộp mình trông thấy. Mà có khi chỉ mình rắc rối và hồi hộp thôi chứ người Hà Nội đã quen rồi. Là mình nghĩ thế lúc ngồi ăn trưa. Những chùm dây đã rời rã từng đám ngay dưới tầm mắt. Vẫn thanh niên trẻ ấy. Một mình. Trên đám dây.
Có một đám lá xanh loè xoè ở căn nhà bên kia đường. Lá trông cũng rối vì có lẽ cây đã bị tỉa cành, hay thậm chí đã bị chặt đi một phần nào đó. Nhưng mình lại thấy đám xanh rối chỗ ấy hay hay vì nó che nắng gần như cả ban công với hai cánh cửa sổ ở tầng 2. Cũng nghĩ, ngay tại một trong những khu trung tâm của Hà Nội mà lại có được cả tầng xanh thế kia hẳn là phải có duyên lắm.
Khi rời đi, mình mải nhìn đám dây bị cắt từng đoạn trên mặt đường và tiếng cô lễ tân phân trần lý do mạng wifi của khách sạn bị chậm mà quên nhìn về phía căn nhà có đám lá luôn xanh. Khi ngoái đầu nhìn lại, mình chỉ nhìn thấy rổ hoa hồng và loa kèn tần ngần trên chiếc xe đạp và một cái nón cũ.
Khi ngồi ở sảnh chờ, mình lại vẩn vơ về những chằng chịt đáng sợ và những chằng chịt dễ chịu. Điều này có lẽ do cảm quan, do sắc màu, do tâm trạng, khung cảnh và cả khoảng thời gian mà nó có. Y như lúc này, mình thấy an nhiên lắm giữa những tiếng báo giờ bay liên tục các chuyến ở Nội Bài. Là vì mình biết rõ lúc nào mình mới đến lượt ra cửa để trở về. Chắc cũng y như cậu thanh niên làm xiếc trên búi dây nhợ lùng nhùng nọ, vì cậu ta hẳn biết rất rõ màu dây và sợi nào cần phải cắt bỏ...
Bài, ảnh: HẠ NHI
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới

Từ ngày 6 - 10/5, tại Mông Cổ diễn ra Hội nghị toàn thể Ủy ban Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP 2024) của UNESCO. Đợt này, toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 20 hồ sơ đệ trình, Việt Nam có 1 hồ sơ là Cửu đỉnh của Huế đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới
Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”

Chiều ngày 7/5, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Mar6 Studios liên quan đến dự án phim điện ảnh về hoàng hậu Nam Phương. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Return to top