ClockThứ Tư, 08/05/2024 06:22

Kỳ công làm nón bài thơ

TTH - Chợ Đông Ba là một điểm đến không thể thiếu của du khách khi đặt chân đến mảnh đất Cố đô. Nhiều vị khách tìm đến quầy hàng nón để mua cho mình chiếc nón bài thơ xứ Huế về làm quà. Chiếc nón bài thơ xứ Huế được làm công phu, tinh tế và trở thành một sản phẩm mua về làm quà không thể thiếu mỗi lần đến Cố đô.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Hơn 500 học sinh, sinh viên trải nghiệm trí tuệ nhân tạo

 Trải giấy bài thơ lên lớp lá đầu tiên để chằm

Chiếc nón tinh tế

Theo Ban Quản lý chợ Đông Ba, hiện ở ngôi chợ này có hơn 200 quầy bán nón lá. Từ ngôi chợ 124 năm tuổi này, những chiếc nón bài thơ tỏa đi khắp các nẻo đường, đến với cuộc sống thường nhật của người phụ nữ. Nón bài thơ cũng như bao chiếc nón lá khác nhưng ở giữa 2 lớp lá được chèn một lớp giấy đã được đục lỗ, gọi là chạm lộng nhằm khắc câu thơ, hình ảnh về Huế. Người chằm nón sắp xếp lớp giấy đó tạo ra 4 mặt đối xứng. Trong đó, hai mặt đối diện nhau thường là hình ảnh tháp chùa Thiên Mụ - cầu Trường Tiền; 2 mặt đối xứng còn lại là những câu thơ, ca dao liên quan về Huế…

Gian hàng bán nón của bà Hà Thị Mạnh ở chợ Đông Ba có nhiều mẫu mã, từ nón lá bàng đến nón cỏ bàng… Chúng được thiết kế, bài trí với nhiều màu sắc bắt mắt, nhưng thu hút người mua nhất vẫn là nón bài thơ xứ Huế. Hơn 40 năm bán nón tại chợ Đông Ba, bà Mạnh vẫn nhớ sự kiện diễn ra vào năm 1963. Đó là một ngày đẹp trời, người đẹp Thẩm Thúy Hằng - một minh tinh màn bạc, biểu tượng nhan sắc của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đội chiếc nón bài thơ và đứng ở công viên Thương Bạc bên dòng Hương giang. Và từ đó chiếc nón bài thơ xứ Huế trở nên nổi tiếng, trở thành món quà để ai đến Huế cũng mua về tặng người thân.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, sau khi du nhập từ Bắc vào thì chiếc nón Huế được làm chăm chút hơn để phục vụ tầng lớp quan lại, quý tộc. Vì vậy, cấu trúc thẩm mỹ thay đổi để mang vẻ duyên dáng hơn như khoảng cách giữa 2 mũi chỉ nón Huế gần hơn, đẹp hơn. Nón có đến 16 vành, đỉnh nón, quai nón cũng được trau chuốt hơn. Lúc này chiếc nón Huế đã trở thành trang phục người dân Kinh kỳ chứ không đơn thuần để che nắng như người dân Bắc Bộ.

Năm 1917 ngôi trường nữ sinh Đồng Khánh ra đời nằm cạnh bên trường Quốc Học của  nam sinh. Mỗi ngày các cô gái đến trường trong bộ áo dài dưới sự nhìn ngắm của các học trò nam nên các cô gái tạo ra cốt cách e ấp, làm duyên như nghiêng nón, dáng vẻ thùy mị, nhẹ nhàng. Từ đó phát sinh ra hiện tượng là từ chiếc nón đơn giản ra nón bài thơ.

“Nếu như những hình ảnh, vần thơ đó được vẽ lên ở mặt ngoài chiếc nón thì khá thô thiển. Dưới bàn tay của người chằm nón, chúng được nằm giữa 2 lớp lá, khi dong lên trước ánh sáng ngọn đèn, ánh trăng, mặt trời thì mới thấy nên rất tinh tế. Huế được ví là thành phố học trò, từ những hình ảnh đó mà sinh ra hiện tượng tình yêu học trò” – ông Hoa đúc kết.

Người thợ đục giấy bài thơ

Bà Đoàn Thị Thu (50 tuổi, tổ dân phố Tân Mỹ, phường Thuận An, TP. Huế) là một người buôn nón lá có tiếng. Hàng ngày bà Thu đến các nhà chằm nón ở Tân Mỹ, chạy sang Quy Lai, Hải Trình (xã Phú Thanh, TP. Huế); xuống làng Diên Đại (xã Phú Xuân), Tây Hồ (xã Phú Hồ, Phú Vang)… để mua nón mang lên chợ Đông Ba bán lại cho các tiểu thương. Trong số hàng trăm chiếc nón mà bà Thu cung ứng mỗi ngày chỉ có khoảng 50 chiếc nón bài thơ.

Sau khi nhập hàng cho các tiểu thương, bà Thu mua các vật liệu làm nón như tre, lá nón, giấy bài thơ, chỉ, nhụy… để về cung cấp cho những người chằm nón. Giờ đây, làng Tân Mỹ chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình chằm nón để mưu sinh, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi bởi nghề này cho thu nhập thấp.

So với chiếc nón bình thường, chằm nón bài thơ mất nhiều công sức hơn. Người thợ sau khi trải một lớp lá lên khuôn thì phải sắp xếp những tờ giấy bài thơ vào giữa rồi mới trải lớp lá thứ 2 lên và chằm. Hỏi nón bài thơ ở đâu đẹp nhất, bà Thu khẳng định rằng đó là nón ở làng Tây Hồ, xã Phú Hồ. “So với nón làng Tây Hồ thì nón bài thơ ở Tân Mỹ mỏng hơn, mũi chằm thưa hơn, lỗ kim to hơn nên không đẹp bằng. Vì vậy, giá một chiếc nón bài thơ do người thợ ở Tân Mỹ chằm chỉ bán được 30.000 - 35.000 đồng, trong khi nón Tây Hồ, Diên Đại có giá trên 100.000 đồng” – bà Thu đánh giá.

Giờ đây, có lẽ tại Huế chỉ còn một người duy nhất làm nghề đục giấy bài thơ để cung cấp cho những người chằm nón đó là chị Nguyễn Thị Mai (đường Đào Duy Từ). Đồ nghề của chị là chiếc đùi cui bằng gỗ, hàng chục chiếc đục, chiếc bạt bằng kim loại sắc nhọn. Trong căn nhà nhỏ, mỗi buổi sáng lại vang lên tiếng gõ búa của người phụ nữ làm giấy bài thơ.

Một tệp giấy được nhuộm cả trăm tờ được cắt theo mẫu và cố định thành từng xấp dày. Chị Mai đặt một chiếc khuôn làm bằng bìa giấy cứng đã chạm lộng hình cầu Trường Tiền, tháp chùa Thiên Mụ, cặp tình nhân hay nhưng câu thơ… rồi dùng bút vẽ tạo hình lên xấp giấy. Sau đó chị Mai sử dụng đồ nghề ngồi đục từng ô để tạo ra giấy bài thơ.

Những tờ giấy bài thơ sau khi chạm xong chị Mai giao cho mẹ chồng là bà Hồ Thị Xuyến để đưa ra chợ Đông Ba bán cho những người chằm nón. Bà Xuyến kể rằng, chồng bà vốn là một thầy giáo nhưng cuộc sống khó khăn do chiến tranh nên xin nghỉ dạy. Về nhà, ông học nghề từ các nghệ nhân làng chằm nón rồi “sáng chế” ra cách chạm chữ lên giấy để bán cho mọi người làm nón bài thơ.

Hồi đó chồng bà Xuyến thường mua giấy báo về nhuộm màu tím một mặt, sau đó mang đi phơi. Phải làm như vậy để khi tờ giấy bài thơ được bỏ vào giữa 2 lớp lá nón thì sẽ thành màu đen, dong nón lên ánh sáng mới thấy được bài thơ, hình ảnh. Chồng bà Xuyến qua đời, nghề chạm giấy bài thơ được chuyển giao cho người con dâu để kiếm kế mưu sinh. “Mỗi tờ giấy bài thơ được bán sỉ với giá khoảng 1.000 đồng, mỗi ngày tôi đục chỉ được 200 tờ nên thu nhập cũng thấp lắm. Tuy nhiên đây là nghề của gia đình, cũng nhẹ nhàng vì vậy tôi còn gắn bó với công việc này” - chị Mai nói thêm.

Bài, ảnh: Nguyên An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nữ doanh nhân giỏi kinh doanh, giàu lòng nhân ái

Trong số những doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Trần Thị Ngọc Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Yến là tấm gương sáng, luôn được nhắc đến ở các diễn đàn. Thành tựu mà chị gặt hái không chỉ dừng lại ở con số doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, mà còn là những hoạt động thiện nguyện, tấm lòng luôn hướng về cộng đồng.

Nữ doanh nhân giỏi kinh doanh, giàu lòng nhân ái
Kỳ công trùng tu điện Thái Hòa

Thái Hòa - ngôi điện biểu trung quyền lực của triều đại nhà Nguyễn, được vua Gia Long khởi công xây dựng năm 1805, nay đang được trùng tu với kinh phí gần 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được thực hiện từ cuối năm 2021 và dự kiến hoàn thành năm 2025.

Kỳ công trùng tu điện Thái Hòa
Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm

Sau hàng chục năm phát triển, du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế vẫn còn yếu ở khâu làm sản phẩm. Điểm na ná nhau trong nhiều sản phẩm du lịch giữa các địa phương phần nào cho thấy sự bế tắc, đó được xem như “gót chân Achilles” trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.

Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm

TIN MỚI

Return to top