Chặng đầu lên núi
1 - Đã qua mùa lễ hội từ lâu, nhưng đoàn người hành hương lên Lễ vía Bà Đen, hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh) vẫn đông đúc. Dài 1,2km, tuyến cáp treo sẽ neo mọi người ở độ cao 225m so với mực nước biển. Hòa vào lưng lửng mây trời là mùi khói nhang, là những tiếng rì rầm và những bước chân vừa khẽ khàng, lại vừa bận bịu. Không phải người miệt trong, nên chắc chắn tôi không thể nào phân biệt được người ta đã đến từ những đâu, nhưng có thể nhận thấy nét tương đồng cả về tâm thế cũng như cách vận hành lên núi Cấm để vãn chùa Phật Linh ở An Giang.
Cứ leo... mút mùa là tới – người đàn bà luống tuổi bán nhang ở góc Điện Bà chỉ tay ra phía sau và nói ngay khi chúng tôi hỏi lối lên đỉnh. Đường ngược dốc khá cao và cũng không mấy bóng người ở đó. Leo cùng chúng tôi lúc ấy có thêm Cường và Thư. Cô gái tròn đến mức làm tôi hơi ái ngại khi nhìn những bậc thang bằng đá chẻ còn cao mãi. Khi động viên Thư ráng lên, coi như bài tập thể dục, cô bé chỉ cười và bảo, nhà tụi em ở gần đây nè. Hôm nay tụi bạn hủy show và cho tụi em leo cây đó nhưng em sẽ lên tận đỉnh cho chúng biết mặt. Rồi cô quay sang động viên ngược, chị cố lên nghe, phía trước khó đi hơn nhiều, đá không à. Mà sao chị lại không mang đôi ba-ta giống em vầy nè, đường trơn lắm. Em đi lần đầu cách đây 4 năm trước. Hồi đó em đâu mập ù như bây giờ. Trời, nó tăng hơn chục ký lô lận...
Trên tảng đá rùa ở độ cao 636 m
Vậy là tôi bám theo Thư. Mồ hôi bắt đầu túa ra khi đường khó dần. Qua hết 385 bậc bằng đá chẻ và một cơ số đoạn lổn nhổn đá to đá nhỏ, chúng tôi bắt đầu tiếp cận con đường mòn giữa đá. Gọi là đường mòn cho oách thôi chứ thực ra mắt phải liên tục ước chừng nên đặt chân, đặt tay mình vào đâu giữa các gờ đá mấp mô. Tối qua núi Bà có mưa nên nước vẫn còn lớp nhớp dưới các kè đá trơn rêu. Con đường chạy giữa cây rừng thi thoảng mới có vài bóng nắng lỗ đỗ. Ba lô một lúc một trĩu trên vai và áo đã không còn chỗ để ướt nữa. May mà một vài đoạn đá phẳng dài người ta đã chôn dây thừng cho mình nắm níu, không thì chả biết xoay xở thế nào với đôi chân nghiệp dư, quen ngồi bàn giấy và cứ tưởng đi bộ mỗi sáng được vài km là nhất rồi.
“Cố lên các anh chị, sắp tới trạm nghỉ rồi” là điều mà một vài bạn trẻ nói với chúng tôi khi dò dẫm ngược đường xuống núi. Hỏi chuyện mới biết các bạn lên núi từ chiều qua. Cuộc pic-nic trên đỉnh núi ở độ cao 986m so với mực nước biển đã bị mưa làm cho ướt nhòe, nhưng một đêm cùng nhau trên đỉnh núi là điều đâu dễ lặp lại trong đời.
Đá trơn và khó bước đi
Không khó để có thể mường tượng về vùng núi này khi nàng Đênh trong một huyền tích xa xưa chọn làm nơi ẩn trú rồi tử tiết, để từ đó người đời lập đền thờ bà và gọi luôn tên núi là Bà Đen do đọc trệch dần. Thời kháng chiến chống Pháp, địa danh này vẫn tiềm ẩn nguy cơ đến từ các loài thú dữ. Để lên chùa, người hành hương phải đi thành đoàn và tính toán làm sao cho kịp về trước lúc trời tối nếu không muốn bị hổ vồ hay dính đòn của rắn rết cọp beo... Thời gian đã xóa đi rất nhiều thứ, nên tôi chỉ còn phải chú ý xuống tay áo và chọn những khoảnh sáng ngồi nghỉ cho đỡ muỗi. Chúng bé xíu mà cắn đau quá chừng.
2 - Trạm nghỉ đầu tiên ở độ cao 636m thực ra là quán của ông Sáu Nhơn. Khi chúng tôi ghé vào thì Út Cam và vợ cũng ở đó. Tụi tui làm cùng ổng – Út cho hay và có vẻ mặn chuyện. Út nói ông Sáu 59 tuổi rồi, đã gả vợ gả chồng cho con rồi và có thâm niên hơn ba chục năm “cầm cự” chốn này. Kể ra thì ông Sáu trông trẻ và tráng kiện hơn tuổi của mình nhiều. "Từ đây tui đổ núi mất hơn tiếng, chứ ổng đi có 45 phút thôi hà – Út nói rồi khuyên chúng tôi leo ra tảng đá hình con rùa chông chênh bờ núi ngắm cảnh, check – in rồi xuống núi đi, trển có gì đâu mà đường lại trơn trượt, biết đâu đá còn rớt nữa". Đã chóng mặt về độ chơi vơi của tảng đá con rùa nhưng lời khuyên của người đàn ông 38 tuổi này còn làm tôi choáng hơn nữa, vì hình dung những gì đang chờ mình ở chặng tiếp theo. Hơi sợ, nhưng tôi vẫn tìm đường bò ra sự chông chênh đó kiếm vài kiểu ảnh, như một cách khẳng định “tôi đã ở đây”, dù nói thật là không dám nhìn xuống dưới đồng ruộng làng quê xa tít dưới kia. Nếu các anh chị còn ở đây đến 5h chiều, sẽ thấy dơi bay thành đàn với chiều ngang chừng 3m và phải 30 phút mới hết - Út Cam nói khi tôi quay trở lại nhâm nhi lon bò húc mát lạnh giá 15.000 đồng. Ở đây chỉ bán được cho sinh viên và dân đi phượt không hà, bán mắc ai mua - là câu trả lời từ người mắn chuyện. Nếu là tôi, chắc chai nước khoáng và tô mì tôm ăn kèm với rau tiêu núi (giống y rau càng cua ở quê mình) phải gấp mấy lần 10.000 đồng cho mỗi thứ mất...
Cột mốc Bà Đen 986m
Hơn 300m còn lại để lên đỉnh té ra không đến nỗi quá khó đi. Một phần cũng vì có nhiều đoạn người ra đã đóng sắt vào đá để làm đường lên, dù leo với độ thẳng đứng quả có hơi khiếp. Lên đến đó, nước mang theo đã gần cạn. May thay, dăm múi thanh trà mang theo từ Huế đã thành cứu cánh cho mấy tay phượt vừa nghiệp dư vừa ngẫu hứng. Và chưa bao giờ thanh trà lại ngon ngọt với tôi đến thế.
Cột mốc Bà Đen 986m nằm trên một tảng đá lớn. Trông nó giản dị vậy thôi mà đã lấy đi bao nhiêu sức lực và mồ hôi. Chắc chắn sự nhẵn mòn của tảng đá là dấu tích của hàng trăm ngàn lượt người trong một mong muốn khó cưỡng là được chạm tay mình vào đó. Ở đây, đá đã ít đi và đất nâu hiền đã xuất hiện. Tre trúc đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho rất nhiều cây cao và xanh. Tôi đã ngồi lại một lúc dưới tán cây cao nhất, xanh nhất và không hiểu sao lại nhớ đến một nhân vật trong cuốn phim Mỹ mình xem đã lâu. Ở đó, nhân vật chính sau cuộc đào thoát mạo hiểm khỏi ngục tù đã để lại kỷ vật và chỉ dẫn cho người bạn tâm giao dưới một tảng đá lớn, bên một gốc cây to. Nhờ thế mà họ đã tìm thấy nhau ở một nơi chốn khác, làm lại một cuộc đời khác. Không có gì để chờ đợi tôi, đương nhiên rồi. Nhưng biết đâu lần nào đó trở lại, sẽ tìm thấy “mật thư” mà ai đó gửi lại…
Có một đoàn khảo sát của tỉnh Tây Ninh và Sungroup cũng bắt đầu xuống núi. Họ và vài nhóm bạn trẻ đã làm cho không gian tĩnh lặng trên đỉnh núi trở nên xao động. Hình như sau cuộc này, núi Bà Đen sẽ có thêm một hệ thống cáp khác đưa khách lên tận đỉnh. Còn bây giờ, ở đó chỉ có một bãi đất bằng, tròn và rộng mà từ đó, có thể nhìn ra hút tắp hồ Dầu Tiếng ở phía xa với màu xanh sương khói. Bà Đen cũng nơi chiến trường với những cuộc giao tranh ác liệt và phần thắng cuối cùng đã thuộc về những người giữ nước.
Mà Điệp - cán bộ trực trạm phát sóng của Đài Phát thanh truyền hình Tây Ninh - cũng dễ thương ghê khi sẵn lòng nấu hộ tôi một bình nước nóng để pha trà. Sợ tôi đói và đường xuống núi còn xa, cậu còn nằn nì tôi ăn một tô cơm với đồ xào. Không thấy loại quả tùng quân trong huyền thoại mà tôi đọc được, nhưng có rất nhiều ổi rừng mọc quanh trạm. Loài ổi có vỏ khá cứng nhưng ruột thì ngọt, mềm và thơm làm tôi hào hứng ăn hết khi xin được từ trong túi bóng của mấy bạn sinh viên. Nắng cũng đã đứng bóng từ bao giờ nhưng vẫn có chỗ được gió. Có lẽ vì thế mà cuộc trò chuyện mặn mà hơn, đủ để tôi biết Điệp cứ 7 tuần lại đạp đá leo núi lên đây 7 ngày. Về sự day dứt ít giúp được vợ con khi lương tiền độ rày khó hơn, bao nhiêu khoản phải thấu chi mà chưa biết khi nào mới dừng được…
Biết mình đã qua độ trẻ lâu rồi, chân cẳng cũng không mấy dẻo dai nữa và dễ có rủi ro, chúng tôi đã nghe Điệp khi quyết định xuống núi theo đường mòn men dây điện chứ không theo đường cũ như Cường và Thư. Đá vẫn lỏng cỏng và gập gềnh nhưng so với đường lên phía sau chùa Bà thì dễ đi hơn nhiều. Bù lại, chúng tôi mất gần 4 tiếng đồng hồ thay vì 3 tiếng ở chiều lên. Phía này cũng đông người ngược đỉnh, đa phần đều là trẻ. Nếu không kể một bác 62 tuổi cứ đi phăng phăng và bỏ mọi người xa mất hút, có lẽ chúng tôi là đám nhiều tuổi nhất.
Nắng chiều vẫn oi ả trên núi Bà Đen, nhưng tôi không nghe tiếng ve ran như trên các rạn núi ở Tràng An (Ninh Bình) hay vang rền đuổi nhau như trên đỉnh Bạch Mã. Không biết có phải vì tiếng súng chắc chắn là ở một trường tập bắn nào đó dưới chân núi cứ đì đọp mãi, hay tại tôi đã quá mệt với những bước chân bắt đầu run rẩy khi xuống núi. Những phút nghỉ cũng ngắn lại, chỉ vì tôi sợ mình sẽ ngồi mãi mất. May mà thi thoảng cũng có vài đoạn bậc cấp an ủi và những nụ cười giao nhau trên quãng đường giữa những người lạ mà không xa khi cùng nhau mục đích. Chiếc áo trên người cũng đã ướt đến lần thứ mấy…
Con đường chấm dứt cuộc leo núi cuối cùng đã ở trước mặt. Không hiểu sao nó lại mang tên Bời Lời. Nghe gần giống như là bồi hồi. Nói thật là tôi đã lê mình đến chiếc võng ở quán bà Năm sơ-ri, rồi xóa đi cơn khát bằng một ca bia lạnh đầy đá.
Thoạt tiên là hoa của đá, nhưng tôi biết, điều làm mình thôi thúc chắc chắn còn là những địa danh mà nếu không xê dịch, nó sẽ mãi mãi là trên giấy, như Trảng Bàng, Gò Dầu hay Thạnh Tân, Dầu Tiếng…
Với cuộc leo núi ngẫu hứng này, tôi biết thêm một ngọn núi cao, dù chưa thể sánh với độ cao 1450m của Bạch Mã ở Huế, nhưng lại là một cung đường đầy thử thách. Ít ra thì cũng chính với bản thân mình.
Bài, ảnh: HOÀNG MAI