ClockChủ Nhật, 02/06/2019 08:47

Thăm bảo tàng mì ăn liền ở Yokohama

TTH - Bảo tàng mì ăn liền (Cupnoodles Museum) là một điểm tham quan thú vị ở thành phố cảng Yokohama, thuộc khu Minatomirai sầm uất. Nói thật, tôi vào đây chỉ để trốn cảnh mưa rét 5 độ C ngoài trời, không ngờ hiểu thêm một hành trình dựng nghiệp…

Mặt tiền bảo tàng mì ly

Có gì trong ly mì ăn liền

Momofuku  Ando (1910-2007) được coi là “cha đẻ” của mì ăn liền, mà chúng ta vẫn hay gọi là mì gói, mì tôm. Câu chuyện bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nạn đói hoành hành khắp Nhật Bản, lương thực trong tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng. Bộ Y tế Nhật khuyến khích người dân ăn bánh mì làm bằng bột mì do Mỹ viện trợ. Chứng kiến cảnh người dân Nhật nối đuôi nhau chờ mua mì trong trời đêm giá lạnh, Momofuku Ando đã trăn trở rất nhiều. Tại sao họ phải ăn bánh mì thay vì sợi mì, một loại thực phẩm mà người Nhật đã quen ăn? Bộ Y tế trả lời ông rằng, các công ty mì nhỏ quá và không có đủ khả năng cung cấp đồ ăn cho cả nước. Ando từ đó đã có ý định cải tiến quá trình sản xuất mì của theo ý riêng của mình.

Để đưa ý tưởng của mình thành hiện thực, Ando đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua hàng trăm lần thí nghiệm. Khó nhất là làm thế nào để sợi mì có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay. Nghĩ là làm, ông Ando bắt tay ngay vào việc nghiên cứu tạo ra loại mì sợi mới với tiêu chí lâu hỏng, vị ngon và nấu nhanh. Trong một căn bếp nhỏ phía sau ngôi nhà ông ở thị trấn Ikeda, quận Osaka, Momofuku một mình làm việc, chỉ ngủ 4 giờ một đêm và không có một ngày nghỉ suốt cả năm trời. Làm cách nào để có thể bảo quản mì lâu hỏng. Làm thế nào để duy trì hương vị lẫn kết cấu sợi mì sau một thời gian dài. Cho đến một hôm, ông Ando nhìn thấy vợ mình nấu bữa tối và ông thử ném một ít sợi mì vào chảo dầu đang sôi. Ngay lập tức, ông nhận ra sợi mì trở nên giòn cứng lại và giữ nguyên hình dạng ban đầu, điều mà ông đã tìm kiếm bấy lâu nay. Để sợi mì có vị ngon, ông ngâm nó vào loại xúp nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô. Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để trong vòng 3 đến 5 phút là ăn được ngay, hết sức tiện lợi. Thế là món mì ăn liền ra đời, gọi là Chikin Ramen (Chikin nhái theo tiếng Anh của từ chicken nghĩa là gà), chính thức vào ngày 25 tháng 8 năm 1958. Đây được xem là phát minh đầu tiên của “đế chế” công nghiệp mì ăn liền từ Công ty thực phẩm Nissin do Momofuku Ando thành lập.

Hàng ngàn gói mì ăn liền trên thế giới được trưng bày tại bảo tàng

Phát minh thứ hai là vào năm 1971, khi sản phẩm mì ly ra đời. Trong một chuyến đi thực tế đến Mỹ, Momofuku quan sát người mua hàng trong siêu thị bẻ từng gói mì gà Ramen, cho chúng vào ly, chế nước sôi, sau đó ăn mì bằng nĩa. Cách ăn đó đã làm “chấn động” tâm trí Momofuku, đã giúp ông sáng tạo ra sản phẩm mì ly ăn liền “made in Nhật Bản” và nhanh chóng phổ biến trở thành món ăn toàn cầu.

Cuối cùng, phát minh thứ ba, vào năm 2005, chính là “mì không gian”- dựa trên chính phương pháp “chiên nhanh” từ thuở ban đầu, kết hợp với việc áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau làm sao để ăn trong môi trường không trọng lực. Với “mì không gian”, tư duy sáng tạo của Momofuku đã vượt khỏi trái đất để góp phần tạo ra loại thức ăn cho các phi hành gia trong không gian.

Một bảo tàng tương tác

Nhà bảo tàng có 4 tầng. Từ sảnh đón rộng đi lên tầng 2 bằng một lối bậc thang khoáng đạt, đập vào mắt du khách là không gian trưng bày hàng ngàn sản phẩn gói mì ăn liền khác nhau từ nhiều nước trên khắp thế giới, từ gói mì Chicken Ramen đầu tiên của Nhật năm 1958- tất nhiên, cho đến ngày nay bao gồm cả gói mì Hảo Hảo của Việt Nam. Tầng 2 là nơi trưng bày những hiện vật liên quan đến lịch sử của Momofuku Ando, tái hiện nhà kho trứ danh, phòng chiếu phim giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của mì ăn liền… và đặc biệt là khu trưng bày Creative Thinking Box (Hộp tư duy sáng tạo) với những thiết bị giúp người xem cảm nhận được ý tưởng sáng tạo độc đáo của Momofuku Ando. Sự tò mò và tư duy sáng tạo vô biên của Momofuku Ando đã nảy ra những ý tưởng tuyệt vời chưa ai từng nghĩ tới. Sáu chiếc hộp này giúp người xem tìm hiểu về quá trình tư duy sáng tạo của Momofuku. Những chiếc hộp đó là: (1) Tìm kiếm những thứ mà thế giới chưa từng thấy nhưng sẽ rất tuyệt vời nếu có. (2) Tìm gợi ý ở bất kỳ đâu. Có những nguồn cảm hứng châm ngòi cho những ý tưởng mới xung quanh ta chỉ chờ được tìm thấy. (3) Hãy nuôi dưỡng một ý tưởng. (4) Nhìn mọi thứ từ mọi góc độ. Khai thác mọi góc cạnh, quan điểm. (5) Hãy cứ suy nghĩ về những gì ta cứ nghĩ là bình thường. (6) Đừng bao giờ bỏ cuộc. Những chiếc hộp truyền cảm hứng cho tư duy sáng tạo của Momofukutheo cách kích thích năm giác quan bên trong con người. Cũng chính là niềm cảm hứng trải nghiệm và nuôi dưỡng sáng tạo cho bất kỳ ai.

Một tác phẩm sắp đặt tại bảo tàng

Tầng ba là khu xưởng làm mì ly, là nơi giúp du khách trải nghiệm quá trình làm ra một ly mì, từ nhào bột, hấp, nêm gia vị cho đến sấy khô bằng phương pháp sấy nhiệt cấp tốc. Mỗi người tự làm một ly mì cho riêng mình, từ trang trí ly mì theo ý thích bằng các loại bút màu chuyên dụng, ghi ngày tháng làm mì trên ly (hạn sử dụng 1 tháng), cho ly vào máy để đón mì, chọn vị soup (tương, cà ri, cà chua…) và topping (các thành phần rải lên trên như hành lá, tôm, trứng, thịt băm…) với sự trợ giúp của nhân viên bảo tàng. Ly mì sẽ được đóng nắp bằng máy ép để đảm bảo vệ sinh và an toàn. Sau đó cho ly mì vào máy bọc màng nilon. Cuối cùng là nhận túi khí và bơm không khí vào. Nhìn những cô gái tuổi teen rạng ngời rời bảo tàng với những túi nilon có ly mì của chính mình bên trong, độc nhất vô nhị lắc lỉu sau vai…, như một phần của câu chuyện mì ly ăn liền, đủ thấy được thành quả và niềm vui của một chuyến tham quan bảo tàng.

Công viên mì ly (Cupnoodles Park) tại tầng 4 là một không gian tương tác hấp dẫn cho trẻ em, được trang trí cách điệu từ những sợi mì, gói mì, ly mì, thùng mì… các em được dẫn dắt tìm hiểu, theo cách “học mà chơi” vui thú sinh động nhất, cả một quá trình từ lúc làm ra những sợi mì cho đến khi những thùng mì được đóng gói chuyển đi. Tầng bốn có thêm khu Noodles Bazaar, khu ẩm thực mì nhiều nước trên thế giới, mỗi tô đồng giá 300 yên, có cả một quán phở Việt thân thương.

Những gì rút ra được từ câu chuyện của Momofuku Ando, câu chuyện của mì ăn liền đó chính là không ngừng tư duy sáng tạo, và không bao giờ từ bỏ cho đến lúc đạt được mục đích cuối cùng. Đó cũng chính là điều mà người Nhật luôn tự hào. Momofuku Ando mất năm 2007 vì suy tim tại Ikeda, Osaka khi ông 96 tuổi. Momofuku Ando đã dành trọn đời mình để suy nghĩ về một loại thức ăn theo những cách mới mẻ và sáng tạo. Ông có hai người con trai và một người con gái. Ông bảo rằng, sở dĩ ông sống được lâu như vậy là nhờ chơi golf và ăn mì gà ăn liền hầu như hằng ngày. Người ta bảo rằng, ông ăn mì ăn liền cho đến ngày trước khi ông qua đời.

Bài, ảnh: PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản

Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đang được lên kế hoạch tái thiết, xây dựng để phù hợp với không gian di sản theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó

Phương án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế từ di tích Quốc Tử Giám (số 1 đường 23/8, trong Kinh thành Huế) về địa chỉ mới 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế theo kế hoạch được tiến hành sau tết Giáp Thìn 2024. Thế nhưng do gặp trở ngại về kinh phí nên công tác này vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó
Return to top