ClockThứ Bảy, 07/03/2020 06:45

“Gọi là đi, cần là có”

TTH - Nữ thạc sĩ sinh học Đồng Thị Hồ Vy, công tác ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – người được đồng nghiệp phác họa với hình ảnh: đam mê công việc, nhiệt tình, xông pha và không bao giờ ngại khó, ngại khổ, dù phải làm việc trong những tình huống, cường độ không phù hợp với nữ.

Đảm bảo nhu cầu về vật tư y tế trong phòng, chống dịch bệnh do Covid-19Tập huấn đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh CoronaBình tĩnh trước thông tin về dịch COVID-19

Đồng Thị Hồ Vy và ba lô phản ứng nhanh sẵn sàng kích hoạt

Thật may khi cả 7 trường hợp nghi nhiễm được thực hiện xét nghiệm COVID-19 của Thừa Thiên Huế đều cho kết quả âm tính, nhưng điều đó không có nghĩa là công việc của những nhân viên y tế trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm như Đồng Thị Hồ Vy có thể nhẹ nhàng. Bao lo lắng, áp lực chỉ có thể thở phào khi mẫu bệnh phẩm cho kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Còn trước đó, kể từ thời điểm kích hoạt đội phản ứng nhanh, Hồ Vy và các đồng nghiệp phải tập trung cao độ để thực hiện các thao tác một cách chuẩn xác, đúng quy trình nhất.

Luôn ở tư thế sẵn sàng kích hoạt, mỗi đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế có một bộ dụng cụ chuyên dụng “3+” khá đặc biệt. Tổng thể thì bộ dụng cụ gồm có kính chắn bảo hộ, hộp đựng mẫu và một balo. Trong balo là trang phục bảo hộ cá nhân, khẩu trang y tế, khẩu trang N95, bơm kim tiêm, túi rác an toàn sinh học, găng tay vô trùng, ống môi trường vận chuyển virus, dung dịch sát khuẩn nhanh… Bộ dụng cụ này được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế. Sau mỗi lần dùng, bộ dụng cụ lại được kiểm tra và bổ sung đầy đủ, đảm bảo “gọi là đi” và “cần là có”. Chỉ cần cơ sở gọi, đội phản ứng nhanh được kích hoạt, các thành viên đều tập hợp lên đường thực hiện nhiệm vụ, bất kể giờ giấc. Tùy từng tình huống cụ thể, đội sẽ phối hợp và hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý môi trường…

33 tuổi đời và 10 năm tuổi nghề, Đồng Thị Hồ Vy là một trong ba nữ nhân viên y tế được “chọn mặt, gửi vàng”, biên chế về các đội phản ứng nhanh cấp tỉnh trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh do COVID-19 của Thừa Thiên Huế. Được đào tạo bài bản, lại có kinh nghiệm, với cuộc chiến này Hồ Vy cứ thế dấn thân một cách tận tụy, bất chấp nguy cơ lây nhiễm do phải tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần với bệnh nhân. Vy cũng là người “có duyên” tiếp cận lấy mẫu bệnh phẩm của phần lớn các trường hợp được thực hiện xét nghiệm COVID-19 ở Thừa Thiên Huế thời gian qua.

Trong các nhiệm vụ của đội phản ứng nhanh khi xử lý tình huống, phần việc của kỹ thuật viên trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm được coi là khâu quan trọng nhất. Do phải đối diện trực tiếp với bệnh nhân trong khoảng cách gần, lại tiếp cận với mẫu bệnh phẩm nên nhiệm vụ này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Với mỗi trường hợp, sự nguy hiểm đi cùng nhân viên y tế từ khi họ tiếp cận bệnh nhân, thao tác trực tiếp trên cơ thể người bệnh, bảo quản mẫu bệnh phẩm và cho đến khi hoàn thành việc gửi đi xét nghiệm. Tuy vậy, nỗi lo lắng bị phơi nhiễm còn “đi thêm một đoạn” cho đến khi họ nhận lại được kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm âm tính.

Công tác ở bộ phận xét nghiệm, việc đi nhiều và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh là việc đã quá quen với Hồ Vy. Nhưng với cuộc chiến này lại khác. Tần suất đi nhiều hơn. Lên đường bất cứ lúc nào có lệnh, bất kể thời gian, bất kể con nhỏ. “Giặc” COVID-19 cũng nguy hiểm hơn về mọi mặt. Hỏi có sợ COVID-19, Vy nói gọn: Sợ thì có, nhưng không vì nỗi sợ đó mà chùn bước. Cô trải lòng: “Sau mỗi lần lấy mẫu, dù có đồ bảo hộ đầy đủ, chuyên dụng và anh em đều tuân thủ vệ sinh đảm bảo, nhưng ai cũng tự cách ly để bảo vệ con nhỏ và gia đình, bất tiện nhiều thứ. Hơn nữa, khi thao tác, ngoài khẩu trang, mặt nạ chuyên dụng, người trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm còn phải mặc thêm đồ bảo hộ cá nhân. Tất cả vì sự an toàn, nhưng vì mình là nữ, sức chịu đựng ít hơn nam nên việc thao tác với đồ bảo hộ cũng là một khó khăn lớn. Mặc cỡ 10-15 phút là đã mồ hôi và ngột như thiếu oxy vậy. Cực lắm!”.

Vy kêu cực, nhưng lại cười nhẹ tênh. Như thể, trong lúc này những nhọc nhằn ấy đã chẳng là gì trước những áp lực và sự quyết tâm phòng chống dịch chung của cả hệ thống y tế, hệ thống chính trị và cả cộng đồng.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Return to top