ClockThứ Hai, 17/09/2018 06:00

Hộ thành hà và hộ thành hào

TTH - Vừa qua, Báo Thừa Thiên Huế số 7382 (ra ngày 4/9/2018) có đăng bài: “Khơi thông” hộ thành hào. Bài viết thông tin việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện việc nạo vét đoạn hộ thành hào, đoạn thuộc phường Phú Hòa. Sau khi số báo được phát hành, bạn đọc đã thắc mắc về tên gọi chính của đối tượng, cho rằng “hộ thành hà” mới đúng. Nhân dịp này, chúng tôi thông tin thêm về tên gọi “hộ thành hào” và “hộ thành hà” ở Kinh thành Huế.

Hộ thành hào trước Kỳ Đài

Gắn liền với Kinh thành Huế, cả hộ thành hào và hộ thành hà đều là những tuyến phòng hộ có ý nghĩa và cùng tồn tại cho đến hôm nay. Đó là những mặt nước, cả tự nhiên và nhân tạo được triều Nguyễn sử dụng để bảo vệ Kinh thành. Trong đó, hộ thành hà là những con sông hộ thành, còn hộ thành hào là hào nước hộ thành. Chữ “hào” trong “thành cao hào sâu”.

Kinh thành Huế được xây dựng thời vua Gia Long và Minh Mạng, nằm ở phía bắc sông Hương, mặt quay về hướng Nam. Theo tác giả Phan Thuận An trong Kinh thành Huế (NXB Thuận Hóa, 1999), hệ thống thành quách ở Huế có đến ba vòng thành, kể theo thứ tự ngoài lớn trong nhỏ dần, gồm: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Kế cận bên ngoài thân thành của Kinh thành còn có những tuyến phòng thủ dùng để trợ lực cho việc bảo vệ Kinh thành, gồm hai tuyến đường bộ và hai tuyến đường thủy. Từ chân thành ra ngoài, các tuyến mang tính chướng ngại vật ấy được bố trí theo thứ tự: phòng lộ, hào, thành giai và hộ thành hà.

Theo định nghĩa thông thường được tác giả Phan Thuận An diễn giải trong Kinh thành Huế, tuyến phòng lộ là con đường hẹp nằm giữa tường thành và hào. Nằm sát mép ngoài của phòng lộ là hào, dài hơn 11km. Hào là tuyến phòng thủ bằng đường thủy chạy quanh ngoài thành và cách chân thành bằng bề rộng của phòng lộ. Nó được tạo ra như một chướng ngại vật để ngăn cản bộ binh địch xâm phạm thành. Tiếp giáp hộ thành hào là tuyến phòng hộ thành giai, dải đất rộng chạy song song với 4 mặt thành, được dùng để lính canh phòng đi tuần. Tiếp giáp bên ngoài thành giai là hộ thành hà, tuyến phòng thủ bằng đường thủy dài hơn 12km. Trước mặt là sông Hương tự nhiên, 3 bên còn lại là sông đào Đông Ba, sông Kẻ Vạn và sông An Hòa. Giới thiệu về các tuyến thủy đạo trong Kinh thành, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thông tin: Hộ thành hà (sông hộ thành) nằm ngoài cùng nên dài nhất, hơn 12km. Hộ thành hào là dòng nước áp sát Kinh thành, dài khoảng 11,5 km, rộng trong khoảng từ 40 đến 60m.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay hộ thành hào vẫn là một trong những hạng mục quan trọng gắn liền với Kinh thành Huế, cùng với tuyến phòng lộ, tường thành, eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài và mười cổng thành. Tuy nhiên, hiện trạng của tuyến phòng hộ này đã bị hư hỏng và biến dạng nhiều. Nhiều đoạn kè đá bị phá hủy, nhiều đoạn lòng hào bị đất cát và rác bồi cạn, tắc nghẽn. Nhiều hộ dân cơi nới ra lòng hào để làm nhà sàn, vườn trồng rau… Những cái “nhiều” đó không những ảnh hưởng đến mỹ quan quan đô thị, mà còn khiến hộ thành hào tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực lên sức khỏe của người dân sống trong khu vực. Đó cũng là lý do chính khiến người dân bức xúc, kiến nghị nhiều lần lên chính quyền các cấp và hiện đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với UBDN TP. Huế thực hiện việc nạo vét hộ thành hào trên địa bàn phường Phú Hòa. Đoạn hào được nạo vét tạm thời chỉ dài khoảng 1,5km, từ cống Thanh Long ngược lên cửa Thượng Tứ.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy triển khai bản đồ số hộ kinh doanh

Theo lộ trình được Tổng cục Thuế đưa ra, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai bản đồ số hộ kinh doanh đầu năm 2024, với mục đích quản lý hiệu quả hộ kinh doanh một cách khoa học, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước.

Thúc đẩy triển khai bản đồ số hộ kinh doanh
Hỗ trợ hộ trồng rừng quy mô nhỏ

Có 124 hộ chủ rừng tại 6 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tham gia dự án (DA) “Hỗ trợ hộ trồng rừng quy mô nhỏ, hướng đến cấp chứng chỉ rừng (GFA), chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam (VFCS)” với diện tích 852ha.

Hỗ trợ hộ trồng rừng quy mô nhỏ
Gỡ khó cho hộ kinh doanh cá thể

Giảm thuế hoặc chính sách ưu đãi nhằm duy trì kinh doanh là mong muốn của nhiều người khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Gỡ khó cho hộ kinh doanh cá thể

TIN MỚI

Return to top