Thế giới

Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10

ClockThứ Ba, 15/12/2015 07:21
TTH.VN - Hôm nay (15/12), Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 10 (MC10) diễn ra tại thủ đô Nairobi, Kenya với sự tham dự của các Bộ trưởng Kinh tế đến từ hơn 160 quốc gia.


Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Genève, Thụy Sĩ. Ảnh: Sputniknews

Hội nghị Bộ trưởng là cơ quan quyền lực cao nhất của WTO diễn ra ít nhất hai năm một lần. Hội nghị Bộ trưởng có thể ra quyết định đối với mọi vấn đề trong các hiệp ước thương mại đa phương của WTO.

Năm nay, MC10 lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi trong vòng 4 ngày dự kiến ​​sẽ đưa ra một số sáng kiến ​​quan trọng và quyết định tính ràng buộc về mặt pháp lý, khả năng xây dựng những bước chuyển tiếp từ các bế tắc trong vòng đàm phán Doha trước đó.

Tất cả các hiệp định thương mại tự do vừa được thông qua, bao gồm cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ​​sẽ được đưa vào bàn đàm phán nhằm tìm cách kết hợp chúng trong hệ thống của WTO.

Chào đón thành viên mới

MC10 sẽ cho thấy sự tập trung vào các nước kém phát triển nhất, không chỉ bởi việc lựa chọn địa điểm tổ chức hội nghị ở châu Phi, mà còn là sự chào đón hai thành viên mới từ các nước kém phát triển: Liberia và Afghanistan.

Quyết định về việc gia nhập của 2 quốc gia này đã được thực hiện bởi các thành viên WTO lần lượt trong tháng 10 và 11 vừa qua. Theo đó, Liberia và Afghanistan sẽ nâng tổng số nước kém phát triển gia nhập WTO từ năm 1995 lên 9 quốc gia.

Hỗ trợ nông dân

Nông nghiệp, như mọi khi sẽ là một trong những vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong chương trình nghị sự của WTO. Các vấn đề về cạnh tranh xuất khẩu có thể trở thành một phần của kết quả hội nghị Nairobi. Trong đó, loại bỏ trợ cấp xuất khẩu là bước đột phá đang được kỳ vọng.

MC10 có thể đưa ra các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý để loại bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu.

Hỗ trợ ngư dân

MC10 cũng dự kiến tập trung vào việc hỗ trợ cho ngư dân, trong bối cảnh một số quốc gia đã đệ trình các đề xuất về trợ cấp thủy sản tại hội nghị Nairobi. Chúng bao gồm các biện pháp nâng cao tính minh bạch, cũng như cung cấp một số hướng đi khác biệt cho ngành công nghiệp này ở châu Phi, Peru, nhóm nước Caribe và Thái Bình Dương.

Hỗ trợ sản xuất bông  

Các Bộ trưởng WTO dự kiến thực hiện nhiều bước đi để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tại thị trường bông toàn cầu. Theo dự thảo văn bản được chuẩn bị trong thời gian sắp tới, MC10 sẽ tái khẳng định cam kết cải cách chính sách trên thị trường bông thế giới.

Trong đó, các quốc gia “Cotton 4” (Benin, Burkina Faso, Mali và Chad) muốn tiếp cận nhiều hơn với thị trường các nước phát triển và hỗ trợ cho ngành công nghiệp bông tại đất nước của họ.

Xây dựng tính minh bạch

Các bên tham gia MC10 có thể từng bước tăng cường tính minh bạch trong WTO. Cụ thể là, cơ chế kiểm tra hành động chống bán phá giá của các nước thành viên WTO có thể được thiết lập theo đề nghị của Liên minh châu Âu.

Nga cũng đã đệ trình một đề xuất kêu gọi việc áp dụng các nguyên tắc không ràng buộc tại MC10 và cam kết đồng ý về một quá trình minh bạch, cũng như chống bán phá giá tại hội nghị Nairobi.

Hướng đến miễn thuế IT

Một trong những quyết định sâu rộng nhất tại MC10 là hoàn tất kết luận thỏa thuận về việc loại bỏ rào cản đối với thị trường thương mại công nghệ thông tin (IT). Các thỏa thuận mang tính đột phá đã được 54 quốc gia, đại diện cho các nhà xuất khẩu IT lớn chuẩn bị hồi tháng 7 vừa qua. Theo số liệu của WTO, các nước đang tìm cách loại bỏ thuế quan đối với 201 mặt hàng IT, chiếm đến 7% thương mại toàn cầu hiện nay.

Các quốc gia sẽ thiết lập một lịch trình loại bỏ dần dần. Trong đó, hầu hết thuế quan sẽ được loại bỏ trong thời gian 3 năm, nhưng một số quốc gia sẽ có giai đoạn chuyển tiếp dài hơn.

Bảo vệ môi trường

Năm nay, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sẽ được thành viên WTO chú trọng, trong bối cảnh MC10 diễn ra ngay sau khi thỏa thuận khí hậu lịch sử vừa được thông qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21).

Theo đó, WTO sẽ thúc đẩy việc mở cửa thị trường theo hướng có lợi cho các loại hàng hóa và dịch vụ thân thiện môi trường. 17 thành viên WTO đã thương lượng về Hiệp định hàng hóa môi trường (EGA) với các ràng buộc cắt giảm thuế 54 sản phẩm hàng hóa môi trường xuống bằng hoặc dưới 5%. Theo quy định của WTO, các nước ký kết EGA sẽ phải áp dụng nội dung của hiệp định cho bất kỳ nước thành viên WTO nào, bất kể nước đó có ký kết hiệp định này hay không.

 

Lê Thảo (lược dịch từ Shafaqna & Sputniknews)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng

Hiện tượng khí hậu được gọi là El Nino và La Nina, mang theo những đợt nắng nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán, sẽ xảy ra thường xuyên hơn và cực đoan hơn trong những năm tới, sau khi Nam Mỹ hứng chịu đợt El Nino dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia thời tiết cho biết.

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top