ClockThứ Năm, 17/12/2020 08:32

Hồn quê “neo đậu”

TTH - Chợ Hương Cần (làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) là một trong những chợ quê ghi dấu nhiều đặc trưng kinh tế bản địa, từng là nơi giao thương mua bán sầm uất của tiểu vùng sông Bồ. Trải qua biến thiên lịch sử, quy mô của chợ Hương Cần không còn lớn như xưa nhưng vẫn là nơi hội tụ, giao thương mang đậm nét làng quê của xã Hương Toàn.

Chợ Hương Cần bày bán đặc sản địa phương

Chợ do dân làng lập ra từ thuở mới lập làng, đối diện với đình làng; sau lưng chợ là dòng sông Bồ hiền hoà, giàu phù sa, cũng là nơi neo đậu thuyền bè, nơi bà con đánh bắt thuỷ hải sản địa phương và nuôi cá lồng.

Chợ được chia theo ô bàn cờ với nhiều con đường nhỏ dọc ngang. Đa số nông sản, thực phẩm ở đây là do bà con đem “của nhà” ra bán, ai có bó rau, mớ hành, nhà ai mổ con heo đã nuôi đủ cân, rổ trứng gà trứng vịt to tròn, những mẻ mắm chay, mặn, hay trái cây trong vườn đều đem ra chợ chào bán.

Chợ Hương Cần còn có các món hàng vặt cho người dân ăn sáng hay ăn bữa lỡ. Bún nghệ vàng rộm; bánh lọc, bánh bèo chân quê, còn có cả những quầy chè nóng ngọt ngào mời gọi. Cầm ít tiền đi chợ quê ăn vặt thì tha hồ no bụng. Món gì cũng ngon cũng rẻ, gói chè hai, ba ngàn; dĩa bánh, tô bún từ năm đến mười ngàn đồng.

Lạc vào chợ, thích nhất là được nghe tiếng dạ thưa, chào mệ, chào o, những câu thăm hỏi thân tình, trìu mến bởi đa số cả người bán và người mua đều là người dân trong vùng, có mối quan hệ thân quen. Nhiều chị tiểu thương còn quen thuộc cái nếp mua hàng của khách. Có hôm tôi thay mạ ra chợ, nghe o ni nói, mạ con thích món thịt vai, o kia bảo, mạ con ưng tôm sáo, khiến tôi không cần lựa mà vẫn mua được món hàng mạ ưng bụng.

Khác với người thành phố chuộng sự tiện lợi, một tuần chỉ đi chợ 2-3 lần, thực phẩm bảo quản tủ lạnh; người dân nông thôn thích ghé dạo chợ mỗi ngày để luôn được ăn rau cá tươi, mới. Kể cả trong những ngày mưa tầm tã, bà con người nào người nấy đội nón lá, mặc áo mưa, chân bước rảo vội lựa mớ cá mớ thịt ngon lành. Hay cả những hôm nước lụt ngâm bao quanh làng quê, chỉ cần có họp chợ, nhà nào nhà nấy lại chèo ghe đi chợ.

Những bận ấy, chợ xuất hiện bóng dáng của những người đàn ông với đôi tay rắn chắc giữ chặt mái chèo. Khi bóng ghe vừa neo đậu, những bàn chân nhỏ bé mà quả quyết của người phụ nữ thoăn thoắt ghé mua cá thịt, thay cho những bữa đói no với mì tôm ngày lũ. Chợ những ngày này cũng không có chỗ họp cố định, cứ nước lên tới đâu, chợ dời tới đó, có khi những mủng những mẹt rau củ, cá tôm dời lên tận cầu, người bán thì ít mà người mua xúm xít bao quanh thì nhiều. Tất bật, hối hả là vậy, nhưng ai cũng vui vì giữa mùa nước lũ còn có chợ để mua hàng.

Mùa đông năm nay, làng Hương Cần mất mát nhiều rau màu do đợt bão và lũ liên tiếp ập đến nên rau củ trở nên đắt đỏ. Đáng buồn hơn, một số đặc sản mang thương hiệu địa phương như loại quýt tiến vua-quýt Hương Cần (thôn Giáp Kiền, làng Hương Cần, xã Hương Toàn) được nuôi dưỡng từ đất phù sa sông Bồ, vốn nổi tiếng bởi vỏ mỏng, thơm, múi ngọt, vị đậm đặc trưng gần như bị xoá sổ sau khi trải qua các trận mưa bão liên tiếp vừa rồi, dự báo phải thêm ba năm nữa mới có mùa thu hoạch trở lại. Bánh gói Hương Cần thơm ngon nức tiếng, là loại bánh tiến vua thuở xưa cũng vắng bóng trong khu chợ, bởi những vườn lá đon (lá dong) - loại lá dùng để gói bánh đã tan hoang, không thể trụ nổi qua mùa mưa bão.

Dù vừa trải qua nhiều thiệt hại, mất mát về nông thuỷ sản, chợ quê Hương Cần vẫn không mất đi vẻ tấp nập, thay vào đó là những nụ cười ấm áp, những câu ân tình thăm hỏi “nhà có bị chi nặng không”, “lúa ướt nhiều không” và thấm đẫm tình làng nghĩa xóm.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Người lưu giữ hồn quê

Đó là người bà con của tôi, hơn tôi đúng một giáp - chú Th. Học hết tiểu học trường làng, về Bao Vinh thi đệ thất (tức lớp 6 ngày nay) bị rớt...

Người lưu giữ hồn quê
Đi chợ Tết quê cuối năm

Những ngày cuối năm, khi mùa xuân lấp ló ngoài hiên, đi chợ quê ngày Tết ở vùng đất Thừa Thiên Huế là dịp để mọi người cảm nhận được niềm vui, sự háo hức và cả nỗi nhọc nhằn của mưu sinh ngày tết. Đó cũng là nơi giúp ta tìm lại ký ức của một thời xa xưa.

Đi chợ Tết quê cuối năm
Giữ hồn quê qua từng chiếc nón

Không chỉ góp phần bảo tồn được nghề chằm nón cho quê hương Vân Thê một thời nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Kiềm còn là một hội viên phụ nữ tiêu biểu, luôn tham gia tích cực các hoạt động của cấp hội phụ nữ cơ sở.

Giữ hồn quê qua từng chiếc nón
Return to top