Thế giới

Hy Lạp đóng cửa ngân hàng, áp đặt kiểm soát vốn

ClockThứ Hai, 29/06/2015 08:32
TTH.VN - Theo BBC sáng nay (29/6), Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết các ngân hàng nước này sẽ đóng cửa và việc kiểm soát vốn sẽ được áp đặt, hạn chế việc rút tiền mặt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ giữa Athens và các chủ nợ quốc tế vẫn chưa có lối thoát.

Phát biểu sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ không tăng hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras nói rằng các khoản tiền gửi của Hy Lạp vẫn được an toàn.


Người dân Hy Lạp xếp hàng rút tiền tại các cột ATM - Ảnh: telegraph.

Hy Lạp phải thanh toán khoản vay 1,6 tỷ euro đáo hạn vào ngày mai (30/6) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cùng ngày mà gói cứu trợ hiện tại của Hy Lạp hết hạn. Nước này đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và tiến gần hơn đến việc phải ra khỏi khu vực châu Âu.

Cuối tuần qua, người dân Hy Lạp xếp hàng dài tại các máy rút tiền tự động ATM để rút tiền mặt. Theo một nhà điều hành Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, 500 trên 7.000 máy ATM ở nước này đã hết sạch tiền vào sáng thứ 7 vừa qua. Ngân hàng Hy Lạp cho biết, họ đang "nỗ lực rất lớn" để giữ cho máy ATM tiếp tục hoạt động.

Ngân hàng Hy Lạp dự kiến đóng cửa cho đến ngày 7/7, hai ngày sau khi tiến hành kế hoạch trưng cầu dân ý về các điều khoản của thỏa thuận cứu nguy tài chính quốc tế mà các chủ nợ muốn Hy Lạp chấp nhận để nhận được khoản cứu trợ tài chính mới.

BBC cũng đưa tin, thị trường chứng khoán Athens cũng đóng cửa vào hôm nay.

Bộ trưởng tài chính Eurozone đổ lỗi cho Hy Lạp phá vỡ các cuộc đàm phán, và Ủy ban châu Âu đã có bước đi bất thường vào ngày hôm qua (28/6) về các kiến ​​nghị sẽ được thảo luận của các chủ nợ châu Âu. Tuy nhiên, Hy Lạp mô tả các điều khoản này "không khả thi", và yêu cầu gia hạn các khoản nợ hiện tại của Hy Lạp cho đến khi sau khi cuộc bỏ phiếu được hoàn thành.

Phát biểu trên truyền hình ngày hôm qua, Thủ tướng Tsipras nói rằng, việc châu Âu từ chối yêu cầu gia hạn gói cứu nguy tài chính của Hy Lạp cho đến khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới về việc có nên chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới mà các chủ nợ đòi hỏi hay không, là "một hành động chưa từng có theo những tiêu chuẩn châu Âu, đặt nghi vấn về quyền của một dân tộc có chủ quyền để tự quyết định", và nói rằng "quyết định này dẫn đến việc ECB hạn chế tính thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp và buộc Ngân hàng trung ương Hy Lạp phải “tạm đóng cửa” và hạn chế rút tiền ngân hàng."

Thủ tướng Hy Lạp cho biết, tiền lương và lương hưu, cũng như tiền gửi ngân hàng, vẫn được đảm bảo.

 

Bảo Nghi (lược dịch từ BBC & telegraph)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top