ClockThứ Sáu, 10/03/2017 05:31

Kéo giảm án tạm đình chỉ

TTH - Tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh về “Công tác xét xử, giải quyết các vụ án quá hạn; án tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh” cho thấy, năm 2016, mặc dù Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh không còn án quá hạn, tuy nhiên vẫn còn gần 250 vụ án đang tạm đình chỉ là con số khá lớn.

Bà Đào Thị Mai Hường báo cáo về tình hình án tạm đình chỉ

Án tạm đình chỉ nhiều

Bà Lê Thị T. M. và ông Phan Văn R. (TP. Huế), khởi kiện một vụ án dân sự từ tháng 5/2005 về tranh chấp lấn chiếm không gian giữa 2 ngôi nhà. Thế nhưng đã 12 năm trôi qua, vụ án đi vào bế tắc với lý do tạm đình chỉ: “Chờ kết quả của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất”. Tương tự, các bà Lê Thị Th. và Nguyễn Thị C. (TP. Huế) khởi kiện một xí nghiệp sản xuất bê tông yêu cầu bồi thường thiệt hại vi phạm hợp đồng từ tháng 4/2007, nhưng đến nay bản án bị tạm đình chỉ sau 10 năm với một lý do “Chờ kết quả giám định công trình xây dựng”…

Theo báo cáo của TAND tỉnh, năm 2016, TAND 2 cấp của tỉnh thụ lý 2.947 vụ án các loại, đã giải quyết 2.883 vụ, đạt tỉ lệ 97,8%; trong đó, án hình sự đạt 96,5%, án hôn nhân gia đình đạt 97,9%, án kinh doanh thương mại đạt 94,4%, án lao động và án hành chính đạt 100%. Đáng chú ý, kết thúc năm 2016, TAND 2 cấp không còn án quá hạn; tuy nhiên vẫn còn 247 vụ án đang tạm đình chỉ. Qua phân tích, án tạm đình chỉ chủ yếu là án dân sự, kinh doanh thương mại; trong đó có nhiều vụ án bị tạm đình chỉ hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra giải quyết. TAND TP. Huế có tỉ lệ án tạm đình chỉ cao nhất, với 153 vụ, tiếp theo là TAND tỉnh 43 vụ. Việc còn để xảy ra nhiều vụ án tạm đình chỉ quá thời hạn nhưng chưa được giải quyết theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của những người tham gia tố tụng.

Theo phân tích của Chánh án TAND tỉnh Đào Thị Mai Hường, nguyên nhân án tạm đình chỉ còn nhiều do nhiều vụ án có tính chất phức tạp về cả tố tụng và nội dung nhưng quy định của pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng nên còn nhiều quan điểm khác nhau về hướng giải quyết vụ án; nhiều vụ án cần phải chờ kết quả ủy thác, thu thập chứng cứ tại các địa phương khác hoặc chờ kết quả giám định tài liệu chứng cứ, định giá tài sản; một số vụ án kinh doanh thương mại có tính chất phức tạp nhưng thời hạn chuẩn bị xét xử quá ngắn… Bà Đào Thị Mai Hường thừa nhận, công tác lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo TAND hai cấp chưa thường xuyên, kịp thời trong việc đôn đốc, nhắc nhở thẩm phán giải quyết án trong hạn luật định; trình độ năng lực về nghiệp vụ và về kỹ năng xét xử của một số thẩm phán chưa cao; đôi lúc chưa định hướng tốt về việc thu thập chứng cứ và hướng giải quyết vụ án, mặt khác ngại án bị hủy, sửa ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm Thẩm phán nên có lúc còn để vụ án quá thời hạn xét xử.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng xét xử  

Thời gian qua, TAND hai cấp trong tỉnh đã đưa ra xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, kịp thời và nhiều vụ án phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn. Bên cạnh đó, trong công tác xét xử, TAND hai cấp đã chú ý nâng cao chất lượng, giảm mạnh các bản án, quyết định của tòa án có sai sót do chủ quan, đảm bảo các phán quyết của tòa án thực sự công bằng, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, khắc phục tình trạng các vụ án kéo dài, quá thời hạn xét xử. Nhất là tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, công tâm, đúng pháp luật, qua tranh tụng tìm ra chân lý; tập trung hơn nữa vào một số vụ án trọng điểm về phòng, chống tham nhũng, các vụ án lớn, trọng điểm. Đồng thời, tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động có tính tuyên truyền nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm và giáo dục ý thức pháp luật đến người dân.

Trong cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh về “Công tác xét xử, giải quyết các vụ án quá hạn; án tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh” năm 2016, thay mặt đoàn giám sát, ông Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại và khuyết điểm của TAND 2 cấp dẫn đến tình trạng còn nhiều án tạm đình chỉ. Để nhanh chóng kéo giảm án tạm đình chỉ, Đoàn giám sát yêu cầu TAND tỉnh tăng cường công tác lãnh chỉ đạo TAND hai cấp giải quyết án trong hạn luật định, tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các hoạt động cần thiết để đưa các vụ án tạm đình chỉ ra giải quyết; có cơ chế kiểm tra, giám sát không để án quá hạn luật định, án tạm đình chỉ với lý do không chính xác.

Trước mắt, tập trung giải quyết các vụ án đang bị tạm đình chỉ có thời hạn trên 10 năm và báo cáo kết quả về Đoàn ĐBQH tỉnh để giám sát theo đúng quy định. Phân công lãnh đạo TAND tỉnh, thành viên Ủy ban Thẩm phán hỗ trợ, giải đáp vướng mắc trong nghiệp vụ thường xuyên đối với những đơn vị, thẩm phán có án đang tạm đình chỉ hoặc quá hạn. Thực hiện điều động, biệt phái, tăng cường đội ngũ thẩm phán, thư ký đến các đơn vị có án quá hạn, tạm đình chỉ nhiều để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm các án có khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, tăng cường tập huấn, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm công tác xét xử cho cán bộ, công chức TAND hai cấp. Phấn đấu không để án quá hạn; số vụ án bị tạm đình chỉ năm sau thấp hơn năm trước.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên có việc biên chế cán bộ chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng tăng, đội ngũ cán bộ đều phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Một số TAND cấp huyện thụ lý và giải quyết các loại án với số lượng quá lớn và phức tạp, nhưng số lượng Thẩm phán không đáp ứng được nhu cầu công việc phải giải quyết so với chỉ tiêu 2-3 lần của TAND tối cao giao.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Return to top