ClockChủ Nhật, 21/03/2021 06:41

Khắc phục hư hỏng tuyến kè Vinh Hải

TTH - Ban Quản lý Dự án (DA) Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT (chủ đầu tư) cho rằng, trận bão cuối năm 2020 với mực nước và sóng vượt tần suất thiết kế của tuyến kè Vinh Hải (xã Giang Hải, huyện Phú Lộc) dẫn đến hư hỏng mặt và xói chân kè.

Nước lũ lên nhanh, bờ biển sạt lở, di dời dân cư vùng xung yếu

Hạng mục mái kè Vinh Hải bị hư hỏng

Hư hỏng nhiều điểm

Tuyến kè Vinh Hải thuộc DA Kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền, có chiều dài hơn 2,5km với giá trị xây lắp hơn 190 tỷ đồng. Đoạn tuyến do liên danh Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH Minh Quang đảm nhiệm thi công.

Theo thiết kế, hạng mục mái kè được gia cố bằng cấu kiện tấm bê tông, phía dưới là lớp dăm lót dày và vải địa kỹ thuật. Phần đỉnh kè, bố trí dầm dọc ở đỉnh kè kết hợp làm gờ chắn; đường phục vụ công tác quản lý rộng 2m có kết cấu bằng bê tông cốt thép, phía dưới là lớp ni lông và cấp phối đá dăm; đường nội bộ chạy dọc theo tuyến kè dài 2,563km, mặt đường rộng 3,5m bằng cấp phối đá dăm dày 0,3m.

Tuyến kè Vinh Hải đang được chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung khắc phục hư hỏng

Chân kè được kết cấu gồm hàng cọc ván bê tông cốt thép dựng đứng, được đúc sẵn chiều dài cọc từ 12m - 14m, đóng ngàm kẹp vào nhau liên tục, đỉnh cọc được liên kết bởi dầm mũ cọc bằng bê tông cốt thép. Phía ngoài hàng cọc hộ chân kè bằng cấu kiện bê tông, phía dưới là các lớp dăm lót và vải địa kỹ thuật.

Đến nay, công trình đã đạt 95% khối lượng, chuẩn bị hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đưa vào sử dụng.

Những ngày này, đơn vị thi công đang tích cực triển khai khắc phục những hạng mục hư hỏng trên mặt, chân kè của công trình. Các điểm hư hỏng xuất hiện sau bão số 13 vào cuối năm 2020. Cụ thể, trên toàn tuyến công trình xuất hiện các đoạn dài hàng chục mét phần chân kè, mái kè bị sóng đánh sạt với nhiều hạng mục đất đá còn ngổn ngang. Một số đoạn xuất hiện tấm bê tông mái kè bị xô lệch, phần đường bê tông đỉnh kè xuất hiện vết nứt nhỏ chạy dài và một hạng mục dốc trượt thuyền bị sóng đánh hư hỏng, cát vùi lấp…

Ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, trong đợt bão số 13 vào cuối năm 2020, thời điểm bão vào trùng với thời gian xảy ra triều cường tại vùng biển Vinh Hải. Sóng cao hơn đỉnh kè đến 4m, chân sóng trùm qua thân kè, điểm rơi sau chân kè 8m. Các đợt sóng đã vượt tần suất tính toán gia cố chân kè bằng đá hộc là 5m; gây xói chân kè dẫn đến sụp mái hạ lưu kè. Nguyên nhân hư hỏng công trình là do thiên tai.

Vượt tần suất thiết kế?

Theo chủ đầu tư, năm 2020 giai đoạn đang trong quá trình thi công công trình kè Vinh Hải liên tiếp chịu ảnh hưởng các cơn bão, đặc biệt là bão số 13 đã ảnh hưởng trực tiếp trên khu vực xây dựng tuyến kè này.

Ông Lê Văn Mẫn, Phụ trách giám sát Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT cho rằng, thời điểm bão mực nước biển dâng cao khoảng +2,3m, vượt 0,85m so với mực nước thiết kế +1,45m; đồng thời với sóng biển cao từ 4-6m đã tạo nên tổ hợp mực nước và sóng vượt tần suất thiết kế nên sóng biển đã vượt qua đỉnh kè gây hỏng mặt kè 2 đoạn đang trong quá trình thi công với tổng chiều dài khoảng 150m.

Ngay sau cơn bão, Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường và chỉ đạo đơn vị thi công sớm khắc phục nhằm đảm bảo ổn định công trình. Đồng thời, chủ đầu tư cũng làm việc với đơn vị bảo hiểm kiểm kê phần sửa chữa hư hỏng và đã được đơn vị bảo hiểm thống nhất chi trả thiệt hại do cơn bão số 13 gây ra với giá trị bồi thường gần 4 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Mẫn, từ sau cơn bão số 13 đến Tết Âm lịch đã xảy ra các đợt mưa lạnh, thực tế triều cường dâng cao kéo dài nên chủ đầu tư chưa thể triển khai thi công khắc phục công trình được.

Đến nay, tận dụng thời tiết nắng ráo, Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan, nhà thầu thi công đang khẩn trương khắc phục các hạng mục hư hỏng và gấp rút đẩy nhanh tiến độ công việc còn lại nhằm hoàn thành tuyến kè Vinh Hải trước tháng 7/2021.

Về phương án khắc phục, đơn vị thi công cho biết sẽ bổ sung hố thu nước bằng bê tông (mác 300) dài 2m, bổ sung và gia cố đá hộc tiêu năng và chống xói dày 65cm, dài 3,5m theo toàn tuyến. Đồng thời, tập trung sửa chữa những hạng mục hư hỏng, sụt lún trên toàn tuyến.

DA Kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng (trong đó, chi phí xây dựng hơn 226 tỷ đồng), thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác.

Mục tiêu của DA nhằm ngăn chặn sự xói lở, bảo vệ bờ biển, bảo vệ trực tiếp khu dân cư tập trung của 5 xã vùng bãi ngang khó khăn ven biển với khoảng 1.300 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, gần 550 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, nuôi trồng thủy sản và 14 ha đất rừng phòng hộ ven biển. Đồng thời, bảo vệ trực tiếp 3km tuyến đường quốc phòng ven biển chạy song song với tuyến kè.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc

Sáng 31/3, chính quyền địa phương các huyện A Lưới, Phong Điền đã huy động lực lượng dân quân địa phương, các ban ngành hỗ trợ người dân khắc phục nhà bị tốc mái.

Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc
Khắc phục khó khăn đầu vụ

Bước vào đầu vụ đông xuân, nông dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi do thời tiết mưa rét diễn biến phức tạp.

Khắc phục khó khăn đầu vụ

TIN MỚI

Return to top