ClockThứ Tư, 22/09/2010 18:43

Khó xử lý triệt để

TTH - Từ ngày 1/9/2010, hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Qui định mới này của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng đốt đồ mã lan tràn gây lãng phí, tốn kém và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế lại gặp không ít khó khăn.

Hàng tạ vàng mã vãi xuống sông Hương

Theo thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), một trong những điểm tiêu tốn vàng mã lớn ở Huế là điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén). Riêng lễ Điện Hòn Chén tháng 7-/010 thu hút khoảng 20.000 người đi lễ. Theo đó là hàng trăm bàn án cùng một loại lễ vật không thể thiếu là vàng mã. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL cho biết, có năm, số vàng mã thu được trên một thuyền đi lễ Hòn Chén lên đến… hai tạ.
 
Ông Lê Văn Ngộ, Trưởng Ban bảo trợ Lễ Hội Hòn Chén cho biết, theo quy chế đã xây dựng, người đi lễ không được đốt đồ mã tại điện nên phần lớn số vàng mã được các chủ tế vãi xuống sông Hương hoặc đem đốt tại cồn Dã Viên, khu vực sông Hai Nhánh…
 

Đồ mã như voi, thuyền, núi vàng, núi bạc... phục vụ hầu đồng tại các am điện gây tốn kém, lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Thắng, Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định cấm đốt vàng mã nơi công cộng là cần thiết, nhằm hạn chế lãng phí, tốn kém, gây ô nhiễm môi trường và cổ súy cho tục mê tín dị đoan. Tuy nhiên, qúa trình kiểm soát, phát hiện và xử lý không đơn giản do đốt vàng mã là một tập tục tín ngưỡng lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Hầu như dịp lễ, tết tại cộng đồng ở mọi làng, mọi xã đều có đốt vàng mã. Việc xử lý do đó rất tế nhị và nhạy cảm. Chưa kể, nghị định chưa quy định rõ chức năng xử lý thuộc về ai, do đó trước mắt, Sở VH-TT-DL đã tổ chức phổ biến quy định này đến các đơn vị quản lý văn hóa cấp huyện nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.
 
Ông Nguyễn Lương Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Vang cho hay, phòng sẽ tổ chức tuyên truyền quy định đến từng gia đình thông qua ban điều hành các làng văn hóa. Tuy nhiên, việc xử phạt rất khó thực hiện vì đến nay vẫn chưa rõ lực lượng nào có chức năng xử phạt trong lĩnh vực này. Và nếu việc xử phạt được giao cho Phòng Văn hóa Thông tin thì e rằng, phòng cũng không đủ nhân lực để vươn tay về tận các thôn xóm.
 
Đến người làm hàng mã thấy đốt cũng… nóng ruột
 
Không phải các lễ hội. Nơi đốt vàng mã khủng khiếp nhất ở Huế chính là các am điện tổ chức đồng bóng. Theo thống kê chưa đầy đủ, thành phố Huế hiện có khoảng 3000 am điện hoạt động. Mỗi am điện tổ chức hàng chục cuộc lên đồng mỗi tháng.
 

Các loại đồ mã bày bán tại chợ Đông Ba.

Một cơ sở sản xuất đồ mã ở đường Nhật Lệ cho biết, tùy vào quy mô, tiền đồ mã đốt cho một buổi hầu đồng lên đến hàng triệu đồng. Ngay tại cửa hiệu đồ mã này, một số đồ mã như voi, ngựa, long thuyền bằng giấy nguy nga, sặc sỡ và kích cỡ to như thật vừa được hoàn tất theo đơn đặt hàng của một am điện với giá 5 triệu đồng. ‘‘Chúng tôi chỉ gia công theo đặt hàng của gia chủ và các am điện. Nhiều lúc họ đốt nhiều quá cũng nóng ruột nhưng đó là nhu cầu, chúng tôi cứ việc làm ”.
 
Việc đốt đồ mã tại các am điện rõ ràng đang là vấn đề cộm. Nhưng theo Thanh tra Sở VH-TT-DL, đây lại là những điểm không thuộc quy định xử phạt theo Nghị định 75 do hầu hết đều nằm trong khuôn viên các tư gia.
 
Gần nửa tháng sau khi Nghị định 75/2010/NĐ-CP có hiệu lực, dạo một vòng quanh thành phố, chúng tôi nhận thấy, việc sản xuất, mua bán đồ mã vẫn diễn ra sôi động. Tại chợ Đông Ba, ngành hàng mã chiếm một dãy dài với hàng chục lô. Một số được các gia đình sản xuất tại Huế nhưng nhiều “nguyên liệu” khác như “vải giấy”, bìa các –tông, tiền giả nhái tiền thật... được nhập từ T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội. Từ đầu mối này, vàng mã tỏa đi thắp mọi nẻo, thậm chí được chuyển lên các tỉnh Tây Nguyên… Nghề sản xuất và buôn bán hàng mã đang tạo việc làm cho không ít lao động trên địa bàn tỉnh.
 
Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top