ClockThứ Bảy, 30/09/2017 13:06

Kinh tế miền Trung: "liên" mãi vẫn chưa "kết"

TTH - Liên kết để phát triển - câu slogan đó đã được treo lên trên Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ nhất vào 10 năm trước (2007). Mười năm qua, slogan này liên tục được đưa ra bàn thảo và nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc hợp tác của các địa phương miền Trung. Nhưng rồi mười năm sau, tại Diễn đàn kinh tế miền Trung 2017, liên kết vẫn là một bài toán chưa tìm ra lời giải.

Vùng duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển đẳng cấp quốc tế

Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung 2017 (tại Đà Nẵng ngày 25/9 vừa qua), cho biết đã có nhiều hội thảo, diễn đàn để bàn thảo nhằm tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung phát triển bền vững, nhưng vì sao vẫn chưa hóa giải được hết những xung đột lợi ích cục bộ, liên kết vùng vẫn chưa thực sự hiệu quả? “Câu hỏi đó vẫn thường trực và đau đầu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung” – GS. Cát nói.

Miền Trung nghèo hay giàu?

Có phải miền Trung xưa nay vẫn nghèo như một thứ “số kiếp”? Câu hỏi này đã được một chuyên gia đặt ra tại Diễn đàn kinh tế miền Trung (DĐKTMT) 2007. Và chuyên gia này cũng trả lời rằng: “Miền Trung không nghèo, nếu không nói là rất giàu có. Miền Trung rất giàu có về tiềm năng, thế mạnh thiên nhiên, nhất là thế mạnh về biển. Thậm chí, miền Trung đã từng là vùng phát triển nhất nước, đó là thời các chúa Nguyễn (thế kỷ 17-18). Các chúa Nguyễn đã sáng suốt từ bỏ phương thức kinh tế thuần nông truyền thống để thiết lập cơ cấu kinh tế lấy thương nghiệp, chủ yếu là ngoại thương, làm trọng điểm, khiến Đàng Trong trở thành vùng giao thương nhộn nhịp”.

Mười năm sau, cũng tại DĐKTMT 2017, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã phân tích đầy đủ hơn về tiềm năng và lợi thế của miền Trung. Chiếm 15% diện tích tự nhiên cả nước và 11,2% dân số cả nước, vùng duyên hải miền Trung (gồm 9 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận) là mặt tiền hướng ra Biển Đông với 1.200km bờ biển, với nhiều bãi biển đẹp đẳng cấp quốc tế. Theo PGS Thiên, cảng biển là lợi thế gần như tuyệt đối của vùng duyên hải miền Trung trong việc phát triển kinh tế hàng hải, công nghiệp biển. Và đặc biệt là du lịch, cùng với thế mạnh biển, miền Trung cũng là miền di sản với 6/7 di sản thế giới của VN đều nằm ở đây. Miền Trung là vùng trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Thế nhưng, nền kinh tế của miền Trung hiện ra sao? PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết: “Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 9 tỉnh duyên hải miền Trung chỉ chiếm 10,3% cả nước; thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi người dân miền Trung khoảng hơn 26,3 triệu đồng, chỉ cao hơn hai vùng nghèo nhất nước là Trung du phía bắc và Tây Nguyên”.

Thế mạnh miền Trung là...“mạnh ai nấy làm”

Theo phân tích của PGS.TS. Trần Đình Thiên, thế mạnh của miền Trung vẫn là thế mạnh tự nhiên. Trong khi đó, xét về cấu trúc nguồn lực và điều kiện phát triển thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung yếu hơn hẳn các vùng kinh tế trọng điểm khác. Miền Trung đang rất yếu về hạ tầng cơ sở kinh tế, như hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng đô thị, chất lượng nguồn nhân lực. Và yếu luôn cả “khâu xung yếu” của nền kinh tế, đó là: hậu phương công nghiệp. Ông cho biết, để phát triển kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nếu chỉ dựa vào thế mạnh tự nhiên thôi thì không thể đủ. Thậm chí, nếu không biết cách khai thác thì thế mạnh đó có thể trở thành yếu tố kìm hãm. Đó là tình trạng của kinh tế miền Trung, mà rõ nhất là việc khai thác thế mạnh cảng biển. Hầu như tỉnh nào cũng có lợi thế tự nhiên để làm cảng biển, và kết quả là toàn vùng có đến 12 cảng biển, nhưng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn nằm ở các cảng của miền Bắc và miền Nam.

ĐỒ HỌA: CAFEF

Những năm qua, slogan “Liên kết để phát triển” được xúc tiến rộn rã nhất ở lĩnh vực du lịch các tỉnh miền Trung. Và kết quả như thế nào? Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho biết: “Liên kết du lịch miền Trung đang rất mạnh, nhưng là mạnh... ai nấy làm”.

Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng, một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng của miền Trung là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành trong vùng tương đồng nhau, như: biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp…  Các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình. Vì vậy, cơ cấu kinh tế và sản phẩm của các địa phương trong vùng trùng lặp nhau, trong khi đó lại thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.

Thay vì liên kết để khai thác lợi thế chung thì các tỉnh miền Trung đã khai thác lợi thế riêng của mỗi tỉnh để cạnh tranh lẫn nhau. Và kết quả là cùng chậm phát triển như nhau. Tình trạng đó đã tồn tại từ bao nhiêu năm qua, nguyên nhân và hậu quả cũng đã được nhìn thấy rất rõ, vì vậy các tỉnh đều nhất trí ký bắt tay liên kết. Phải liên kết mới phát triển thực sự và bền vững. Thế nhưng, trên thực tế, theo đánh giá của Chính phủ và các chuyên gia kinh tế thì liên kết ở đây chỉ mới chỉ là “tham vấn, gợi ý” mà thôi. Chưa liên kết thật sự và thực chất!

Vẫn cần bàn tay của Trung ương

Vì sao miền Trung vẫn chưa liên kết thật sự? Mấu chốt vẫn nằm ở chỗ cơ quan điều phối. Dàn nhạc phải có nhạc trưởng, vậy ai là nhạc trưởng của dàn nhạc này? Câu hỏi đó đã đặt ra từ DĐKTMT lần đầu tiên 2007, và đến diễn đàn 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc lại câu hỏi đó. Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta không có chính quyền cấp vùng, vì vậy thể chế điều phối cho vùng kinh tế miền Trung như thế nào, cần nghiên cứu đề xuất với Chính phủ và trung ương.

Hiện vùng duyên hải miền Trung đã có Ban điều phối vùng và nhóm tư vấn phát triển vùng. Nhưng trên thực tế ban điều phối này đã thực sự là “nhạc trưởng “ chưa? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cần đánh giá kỹ hơn.

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, trong khi quyền lực vùng không được hoặc chưa được xác lập đầy đủ, thì rất cần sự “áp đặt quyền lực” của trung ương với các địa phương miền Trung trong việc thực hiện quy hoạch và thực hiện phát triển kinh tế của toàn vùng, và đó là việc “tuyệt đối cần thiết”.

Bài: MINH TỰ - Ảnh: T. HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top