Người dân thôn 2 xã Hương Hữu sử dụng nguồn nước suối để tắm giặt và nấu ăn
Hơn 2.700 hộ thiếu nước sạch
Những ngày hè đầu tháng 7/2019, chúng tôi có mặt tại xã Hương Hữu. Trời nắng như đổ lửa, đi đến đâu cũng bắt gặp người dân lỉnh kỉnh xách từng can nhựa tới khe suối lấy nước về sử dụng. Để có nước sinh hoạt, các hộ dân phải đi bộ nhiều cây số. Thế nhưng vào mùa nắng nóng kéo dài như năm nay, các khe suối cũng khô cạn.
Tại một khe nước ngầm ở thôn 2 xã Hương Hữu, khá đông người dân tập trung thay nhau tắm gội, giặt giũ. Họ gùi theo những can nước về sử dụng. Đây là một trong những thôn may mắn còn có nguồn nước sạch để lấy.
Theo thống kê của UBND huyện Nam Đông, khu vực 5 xã vùng cao huyện Nam Đông (Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng) có hơn 2.700 hộ, trong đó có 520 hộ đang sử dụng nguồn nước tự chảy, còn lại đang sử dụng nước sinh hoạt lấy từ khe suối, giếng đào, nước chưa qua xử lý thường bị nhiễm chua, phèn. Các công trình cấp nước tự chảy được xây dựng trước năm 2005, hầu hết đã hư hỏng, xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, xã Thượng Long có 3 công trình; xã Hương Hữu có 1 công trình; Thượng Nhật có 3 công trình. Riêng xã Hương Giang và xã Thượng Quảng, người dân chủ yếu vẫn sử dụng nước ngầm, khe suối để sinh hoạt...
Ông Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu cho biết, tình trạng thiếu nước sạch đã diễn ra tại địa phương và các xã lân cận nhiều năm nay. Việc người dân sử dụng nguồn nước suối, ao hồ không hợp vệ sinh gây nên nhiều bệnh tật cho người dân, nhất là các bệnh về da và đường tiêu hóa, chất lượng sống bị giảm sút.
Đang hoàn thành các thủ tục cấp nước bền vững
Được biết, tháng 7/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy nước Thượng Long, công suất 2.000m3/ngày đêm và mạng lưới cấp nước sạch cho các xã lân cận.
Quy mô đầu tư gồm: Xây dựng đập dâng nước khe A Kì và lắp đặt tuyến ống dẫn nước dài khoảng 2.500m; xây dựng khu xử lý nước sạch công suất 2.000 m3/ngày đêm; xây dựng nhà điều hành và lắp đặt mới khoảng 2.400 đồng hồ nước. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 51 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 3 năm (2018 - 2020). Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống cấp nước bền vững, đảm bảo cung cấp nước sạch và an toàn cho 95% dân số khu vực các xã nói trên. Thế nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được khởi công.
Bí thư Huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương cho biết, nguyện vọng của người dân là sớm có được hệ thống nước sạch. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, hàng năm, sở chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh mục các công trình cấp nước sạch nông thôn theo quy hoạch cần đầu tư hoặc thay đổi mô hình quản lý trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hoặc quản lý vận hành... Đến nay, nguồn vốn bố trí cho dự án này đã có đủ, chúng tôi đang tiến hành các bước tiến tới khởi công dự án trong quý 3 năm 2019.
Bài, ảnh: LY LY