|
Ngoài làm ruộng, trồng rừng, chị Mai đang gầy dựng thêm đàn bò |
Bước vào ngôi nhà của anh chị A Viết Máy, A Viết Thị Mai ở thôn A Roàng 2, xã A Roàng (A Lưới), chúng tôi khá ngạc nhiên bởi không gian xanh mát. Khoảnh sân vườn được quét dọn tinh tươm, thoảng hương thơm mùi hoa dại. Nhà nuôi gần chục con lợn, nhưng sự sạch sẽ thơm tho khiến khách bất ngờ. Dưới bếp, đàn lợn được tách riêng hai chuồng khô ráo, sạch sẽ; da láng bóng nằm ngủ sau bữa trưa no nê.
Chị Mai kể, mỗi năm chị nuôi từ hai đến ba lứa lợn bản lai để có vốn đầu tư vào những công việc khác. Có khi lợn bán phục vụ cho các đoàn khách du lịch hoặc bán cho thương lái. Để phục vụ chăn nuôi, quanh nhà chị trồng thêm rau, sắn, chuối làm nguồn thức ăn dự phòng mùa mưa bão.
Từ 4 giờ sáng mỗi ngày, chị đã dậy sớm dọn dẹp, lo cơm nước cho chồng con bới đi làm, đi học. Sau khi ăn sáng, chị gùi chiếc gùi to vào rừng, lên rẫy kiếm rau nấu cám lợn. Sức ăn của bầy lợn mỗi con trên 30kg, chị phải kiếm một gùi rau hơn chục cân mới về nhà.
Ba chị Mai từng là một trưởng thôn mẫu mực, được đồng bào thương quý. Ông làm việc tận tụy trách nhiệm với cộng đồng, song cũng rất chịu khó phát triển kinh tế hộ gia đình, mua sắm máy móc và là tấm gương nỗ lực vươn lên. Chị Mai tự hào: “Ba mình giỏi lắm, làm việc siêng năng, sắm sửa các vật dụng, máy móc trong nhà từ hai bàn tay trắng. Mình học được nhiều điều từ ba”.
Nhớ lại khoảng thời gian trước, vợ chồng chị bôn ba vào miền Nam làm thuê ở các trang trại. Mỗi năm, dành dụm được khoản tiền kha khá, song nghĩ cảnh con cái vắng mẹ cha, nhà cửa ruộng vườn không ai chăm sóc, anh chị quyết định về quê nhà lập nghiệp.
Gầy dựng dần dần, từ tiền bán lợn, vợ chồng chị đầu tư thêm máy xay xát lúa gạo trị giá gần chục triệu đồng vừa xay gạo cho bà con, vừa tận dụng cám phục vụ chăn nuôi. Nhà chị còn trồng 7 sào lúa nước, hơn 1ha rừng keo, nuôi 3 con bò. Tính chuyện nuôi thêm hồ cá nước ngọt phía trước nhà nhưng do địa hình nhà ở xa dòng suối, chi phí dẫn đường ống khá lớn, anh chị đang kêu gọi thêm một số hộ làm chung.
Mỗi lần đầu tư phát triển kinh tế, anh Máy chồng chị Mai rất hăng hái, muốn thử nghiệm các mô hình mới song chị lại đắn đo chuyện vay vốn ngân hàng. Muốn vay thì phải có cơ sở, nền tảng tốt để không bị nợ lâu. Trò chuyện hỏi đã giàu chưa, chị bẽn lẽn: “Chưa mô, phấn đấu rồi xin thoát nghèo cái đã. Cũng chưa dám tính chuyện làm ăn lớn nên đề cập tới vay vốn ngân hàng là mình phải suy nghĩ lắm. Mình muốn làm cái chi cũng phải chắc chắn, bền vững”.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, vợ chồng chị còn hào phóng hiến 350m2 đất phục vụ mở tuyến đường bê tông ngang nhà. Chấp nhận hy sinh thửa ruộng, nhưng có đường sạch đẹp cho trẻ con đi học, xe cộ dễ dàng đi vào bản. Cha mẹ chị từng hiến nhiều đất phục vụ xây dựng các công trình trụ sở, dân sinh tại địa phương nên chị bảo rằng, để phục vụ cho cộng đồng, không có gì phải hối tiếc.
Nói về hai vợ chồng chị Mai, bà Hồ Thị Phanh, Trưởng thôn A Roàng 2 nhận xét: “Gia đình anh chị rất gương mẫu trong các hoạt động. Ở thôn, hai vợ chồng này nổi tiếng siêng năng chăm chỉ, chí thú làm ăn; quay vòng trồng trọt, đầu tư liên tục. Trong thôn ai cũng chịu khó, nỗ lực như vậy thì nhiều hộ sẽ thoát nghèo”.
Trong mắt ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng, chị Mai - anh Máy là cặp đôi khá đặc biệt, bởi họ luôn nỗ lực dù vùng đất nơi này còn nhiều khó khăn. “Năm 2023, địa phương hỗ trợ gia đình chuyển đổi nghề nghiệp bằng máy xay thức ăn chăn nuôi. Điều đáng quý ở gia đình này là họ không phụ thuộc nguồn vốn vay, không trông chờ ỷ lại. Từ bàn tay, khối óc, anh chị đã tích cực sản xuất chăn nuôi, vươn lên làm chủ cuộc sống”, ông Lua nói.
Bài, ảnh: L. TUỆ