ClockThứ Năm, 18/02/2016 17:46

Biển Hải Tiến: Ô nhiễm vì trở thành nơi xả thải của heo nuôi

TTH - Nhiều hộ dân ở thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), nuôi heo theo mô hình gia trại gây ô nhiễm biển, ảnh hưởng môi trường trong khu dân cư. Thế nhưng, hơn mười năm qua chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm…

Gần biển mà “sợ” biển

Nhiều người dân, du khách khi đi qua tuyến đường Hoàng Sa, Tư Vinh (thôn Hải Tiến), đều phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên từ những gia trại chăn nuôi heo ngay trong khu dân cư. Nhà người dân “bản địa” cửa đóng kín mít suốt ngày do không chịu nổi mùi hôi thối, ruồi nặng tấn công.

Đổ phân heo ngay bờ biển gây ô nhiễm bãi tắm nghiêm trọng

Anh Lê Văn Tuất (thôn Hải Tiến) cho biết: “Gia đình mình vừa mới ở đây 2 năm, nhưng thực sự không chịu nổi mùi xú uế từ các chuồng nuôi. Ở đây, hầm chứa phân heo được làm ngay cạnh đường, trong khu dân cư nên mùa nắng hay mưa bà con đều khổ. Mùa mưa thì nước đầy hầm phân, chảy tràn ra đường gây ô nhiễm, mùa hè thì mùi hôi thốc lên không chịu được”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các hộ dân nuôi heo làm hầm chứa phân nằm bên vệ đường chính, đắp tôn, tấm bê tông sơ sài, làm mùi hôi phát tán trong khu dân cư. Môi trường ô nhiễm sinh nhiều ruồi nhặng. “Có bữa dọn ăn, ruồi bâu đen cả bát cơm. Nhà mình phải đóng cửa suốt ngày vì không chịu nổi mùi hôi, ruồi nhặng. Tụi nhỏ thì phải mang khẩu trang suốt ngày” - anh Tuất bức xúc.

Chiều tối, có mặt tại bãi biển thôn Hải Tiến, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ dân gánh từng thùng phân ra đổ vào các hố đào sẵn trên bờ biển hoặc đổ ngay giữa mép biển. Trên đường gánh, phân rơi vãi trong khi dân cư, những hộ dân này dùng cát để “xử lý”. Ngay bãi biển mặc dù thoáng gió nhưng cũng không “át” được mùi hôi, ruồi nhặng do ô nhiễm.

Bà T., một hộ chăn nuôi heo thú thật: “Do đất hẹp, không làm được hầm bioga nên mỗi ngày, tui cùng chồng 4 lượt gánh phân ra biển đổ. Ở đây không đổ ra biển thì cũng chẳng biết mang đi đâu cả”.

Vùng biển ở thôn Hải Tiến trước đây có bãi cát thoai thoải đẹp, biển trong sạch nên nhiều du khách và dân địa phương tìm ra tắm, thư giãn. Từ ngày các hộ nuôi heo gây ô nhiễm, không chỉ du khách mà người dân “bản địa” cũng vắng hẳn. Ở gần biển mà “sợ” biển là một nghịch lý của người dân nơi đây!

Tình trạng thải phân nuôi heo ra bờ biển còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến 300 lồng cá của khoảng 100 hộ dân ở cuối thôn Hải Tiến. Từ điểm thải phân heo của các hộ chăn nuôi đến vùng phá Tam Giang - nơi có hàng trăm cá lồng chỉ cách từ 50-60m nên trong nhiều năm qua, ô nhiễm nguồn nước đã gây thiệt hại cho bà con nuôi trồng thủy sản ở đây.

Cần xử lý dứt điểm

“Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với các bên liên quan tiến hành kiểm tra, có phương án xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm do các hộ chăn nuôi ở thôn Hải Tiến. Quan điểm của địa phương là nếu các hộ chăn nuôi không đủ tiêu chí về xây dựng chuồng trại, hầm xử lý phân, gây ô nhiễm biển, trong khu dân cư, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản thì sẽ có chế tài xử lý. Không để một nhóm hộ dân mà ảnh hưởng cả cộng đồng”- ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, khẳng định. 

Theo người dân Hải Tiến, tình trạng nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm đã hơn chục năm qua, bà con đã nhiều lần có đơn phản ánh nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm. “Trước đây số lượng heo ít, bây giờ mỗi gia đình nuôi từ 20-30 con nên tình trạng ô nhiễm ngày một nặng hơn. Bà con ở đây đã hai lần gửi đơn lên thị trấn rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm” - ông Trần Văn Đê, một hộ dân bức xúc.

Ông Trần Thanh Hữu, Trưởng thôn Hải Tiến cho hay: “Hiện có 10 hộ dân nuôi heo theo mô hình gia trại ở các tuyến đường Hoàng Sa, Tư Vinh trên địa bàn thôn. Do xây dựng chuồng trại, hầm xử lý phân sơ sài, nằm gần đường nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động đến sức khỏe người dân, nhất là đối với trẻ nhỏ”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có khoảng 80 hộ dân trên các tuyến đường, cùng trăm hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi các hộ dân chăn nuôi. “Vừa qua, địa phương kết hợp với đội Quản lý trật tự đô thị thị trấn tiến hành làm việc với 4 hộ dân “điển hình” chăn nuôi gây ô nhiễm và yêu cầu họ viết cam kết sẽ xây dựng hầm bioga để hạn chế tác động đến môi trường trong khu dân cư. Thế nhưng, theo khảo sát của ngành chức năng cùng nguyện vọng của bà con, ở khu vực này hiện trời đang mưa, nền đất yếu, ngập nước nên chưa thể tiến hành xây hầm được. Trong khi tình trạng ô nhiễm kéo dài khiến người dân rất búc xúc” - ông Hữu thừa nhận. 

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đốt rác cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nhựa

Trong một bài đánh giá chi tiết mới về cách nhựa xâm nhập vào môi trường, các nhà khoa học cho biết, việc đốt nhựa ở bãi rác, cũng như đốt nhựa thành các đám cháy nhỏ cũng là một vấn đề lớn đối với hành tinh này tương tự như xả rác.

Đốt rác cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nhựa
Bệnh Whitmore có nguy cơ tử vong cao

Bệnh Melioidosis/Whitmore nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng... Trước mùa mưa bão, các phụ huynh cần lưu ý việc giữ gìn môi trường cũng như vệ sinh cơ thể cho trẻ.

Bệnh Whitmore có nguy cơ tử vong cao

TIN MỚI

Return to top