ClockThứ Sáu, 06/10/2023 14:21

Các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công được coi là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều tỉnh-thành phố chưa đạt kỳ vọng từ đầu năm đến nay.

Giải ngân vốn đầu tư công thuộc tốp 10 của cả nướcMặt bằng cho dự án trọng điểmSớm giải quyết các vướng mắc liên quan hoàn trả đường công vụBộ Giao thông Vận tải khởi công nhiều dự án mới, tăng giải ngân vốnThúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo động lực giải ngân vốn đầu tư nước ngoài

Ảnh minh họa. (Ảnh: Công Thử/TTXVN) 

Đến hết quý 3 năm 2023, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kỳ vọng. Vì vậy, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong quý 4 được coi là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành của chính quyền địa phương.

Tại Quảng Ninh, hiện mới giải ngân vốn đầu tư công được 42,3% so với kế hoạch giao đầu năm 2023.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ và tỉnh xác định là nguồn lực tăng trưởng kinh tế. Chưa có năm nào, việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt như năm nay. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại không như mong muốn.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; rà soát, báo cáo cụ thể về Ủy ban Nhân dân tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023, từ đó điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh lưu ý các chủ đầu tư, địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn kéo dài, thu hồi vốn tạm ứng; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới đã nằm trong kế hoạch; phát huy vai trò của người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.

Quý 4 là thời điểm các dự án sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu kết hợp với thời tiết thuận lợi, khô ráo, ít mưa, do đó đây cũng là thời điểm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm và khởi công toàn bộ các dự án trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các dự án có kế hoạch vốn lớn như: Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; các dự án trường học, giao thông mà ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương với tổng kế hoạch vốn khoảng 3.400 tỷ đồng...

Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân.

Tính đến hết quý 3 năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh mới giải ngân được 5.837 tỷ đồng, đạt 42,3% so với kế hoạch giao đầu năm. Cụ thể: Ngân sách Trung ương giải ngân 405 tỷ đồng, đạt 69,3%; ngân sách tỉnh giải ngân 1.941 tỷ đồng, đạt 30,7%; ngân sách huyện, xã giải ngân 3.940 tỷ đồng, đạt 40,2%.

Một số đơn vị giải ngân rất chậm, như cấp tỉnh là: Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Các Công trình Giao thông tỉnh đạt 30,3%, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Các Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đạt 19,4%, Công an tỉnh đạt 9,6%.

Cá biệt, có hai đơn vị chưa giải ngân được vốn đầu tư công gồm: Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh chưa giải ngân được, Trường Đại học Hạ Long. Đối với cấp huyện có một số địa phương giải ngân thấp như: Đông Triều chỉ đạt 31,2%, Bình Liêu 31,6%, Cẩm Phả 29,4%, Uông Bí 29,7%, Hải Hà 27,6%.

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được các sở, ngành, chủ đầu tư, địa phương lý giải là do thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp, giải phóng mặt bằng, xử lý tài sản công, đấu giá thu tiền sử dụng đất; tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, kỹ thuật trong thực thi nhiệm vụ; thủ tục đầu tư kéo dài, liên quan đến nhiều ngành nhưng chưa được giải quyết quyết liệt; vướng mắc giữa các chủ đầu tư với sở, ngành, địa phương trong xử lý tài sản công; triển khai các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm…

Tại Khánh Hòa, bước sang quý 4 năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa chưa như kỳ vọng, khi mục tiêu giải ngân từ 95% trở lên vào cuối năm. Do đó, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm nay.

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022 là hơn 7.014 tỷ đồng.

Đến hết tháng 9, so với kế hoạch vốn được giao, tỷ lệ giải ngân ước đạt 52,4%, so với vốn được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao thực tế thì tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 đạt 61,2%; trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch ngân sách trung ương ước đạt 52,7%.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, số vốn giải ngân 9 tháng năm 2023 ước tăng gấp hai lần so với số vốn giải ngân tháng 9/2022; trong đó; số vốn ngân sách trung ương 9 tháng năm 2023 ước tăng 3,1 lần so với 9 tháng năm 2022.

Tỷ lệ giải ngân chưa cao do nhiều nguyên nhân.

Về nguyên nhân khách quan, đối với nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương chưa phân bổ là 1.000 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nhưng các bước tiếp theo vẫn phải đợi ý kiến hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục dạy nghề thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, hiện nay tỉnh chưa thể triển khai thủ tục đầu tư các dự án do các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho các dự án không có cấu phần xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN) 

Bên cạnh đó, vướng mắc của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay của Chính phủ của Dự án Tăng cường Khả năng Chống chịu của Nông nghiệp Quy mô Nhỏ với An ninh Nguồn nước do Biến đổi Khí hậu Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được bố trí vốn cho huyện Cam Lâm, nhưng do huyện đang thực hiện các quy hoạch mới nên Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép điều chỉnh dự án sang huyện Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ vẫn chưa trả lời nên tỉnh không thể giải ngân kế hoạch vốn trong năm 2023 đối với dự án này.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác giải phóng mặt bằng, kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án vẫn còn chậm.

Ngoài ra, thủ tục đầu tư của các dự án còn thực hiện chậm, dẫn đến việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 chậm, nhất là các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn Mới, các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh…

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ giải ngân những tháng cuối năm sẽ rất cao. Trong ba năm gần đây, quý 4 thường có tỷ lệ giải ngân cao gấp hai lần các quý trong năm.

Từ nay đến ngày 31/1/2024 (thời gian kết thúc giải ngân của năm), tỉnh sẽ gấp rút giải ngân vốn, cố gắng hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt từ 95-100%. Số lượng dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023 đạt khoảng 40 dự án thuộc cấp tỉnh quản lý.

Phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ năm 2023 của tỉnh là 304,8 tỷ đồng của Dự án Tăng cường Khả năng Chống chịu của Nông nghiệp Quy mô Nhỏ với An ninh Nguồn nước do Biến đổi Khí hậu Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ-tỉnh Khánh Hòa và Dự án Môi trường Bền vững Các Thành phố Duyên hải-Tiểu dự án thành phố Nha Trang.

Các Bộ, ngành trung ương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong quá trình thực hiện đầu tư công trên địa bàn như: Xác định tổng mức đầu tư các dự án không có cấu phần xây dựng, quy định cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án và kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương./.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng GDP

Từ tháng 10/2023, dự báo của Chính phủ mức tăng trưởng GDP năm nay vào khoảng 5%, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn được đánh giá đó là mức tăng trưởng khá cao so với khu vực.

Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng GDP
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện 8 cuộc thanh tra về đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 42 cuộc thanh tra, kiểm tra vừa được Bộ này ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2024 sẽ có 8 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2020 - 2023 tại 8 tỉnh: Ninh Bình, Lào Cai, An Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Ninh, Hà Giang và Nam Định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện 8 cuộc thanh tra về đầu tư công
Return to top