ClockThứ Năm, 02/01/2025 13:08

Cải lão cho cây thanh trà

TTH - Với người Huế và đất Huế, cây thanh trà đã được định danh từ hàng trăm năm nay. Nhưng theo thời gian, loài cây cho trái ngon đặc sản này đang dần thoái hóa, suy kiệt. TS. Lã Thị Thu Hằng, chuyên gia nông học Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế đã hóa giải mối lo khi nghiên cứu thành công và đưa giống thanh trà nhỡ công nghệ cao đến với nhiều nhà vườn xứ Huế.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sảnHỗ trợ nhân rộng mô hình tưới nước tự động cho cây thanh tràKhôi phục cây đặc sản thanh trà

 Cây giống thanh trà nhỡ đã bén rễ sâu ở nhiều nhà vườn

Cứu cánh cho nhà vườn

Trong khu vườn rộng hơn 2.000m2 nằm ven dòng sông Bồ, vợ chồng anh Hoàng Tăng Phái sau nhiều năm vun xới giờ đã gầy lên được gần trăm gốc thanh trà đủ độ tuổi. Với gia đình anh Phái và nhiều hộ ở Hương Vân (TX. Hương Trà), thanh trà chính là cây trồng chủ lực, cho giá trị kinh tế cao.

Còn nhớ cách đây mấy năm, sau trận lũ lụt lớn, nhiều gốc thanh trà của gia đình anh Phái và những chủ vườn lân cận xuất hiện tình trạng lá úa vàng, thối rễ chết dần. Đúng là không dễ mãi “hưởng lộc”, nhiều vườn trồng thanh trà ở Thủy Biều (Huế), Phong Thu (Phong Điền), Dương Hòa (Hương Thủy)... cũng lâm vào cảnh mất mùa, thất bát vì sâu bệnh hại, ngập lụt, lão hóa...

Ông Tôn Thất Kim Sơn, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Biều đến giờ vẫn chưa quên cảm giác vui sướng khi mang tin tốt về cho bà con. Ngày đó, qua tìm hiểu khắp nơi, ông Sơn đã kết nối được với chuyên gia nông nghiệp Thu Hằng và đặt vấn đề với nhà khoa học mong tìm ra cứu cánh cho người dân. May mắn gõ đúng cửa, sau một năm ròng, TS. Thu Hằng tìm hiểu, nghiên cứu, lăn lộn cùng bà con, cuối cùng giống thanh trà nhỡ cũng đã thành công “ra lò”.

Cây giống thanh trà nhỡ chuẩn bị xuất vườn 

Chỉ qua thời gian ngắn trồng, nhiều đặc tính vượt trội của giống thanh trà nhỡ khiến không ít chủ vườn mừng như “bắt được vàng”. “Mong muốn lớn nhất của người trồng là tìm được giống thanh trà tốt sớm tái thiết lại vườn trồng, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí, công chăm và cho năng suất, sản lượng cao... Với những kỳ vọng của bà con thì giống thanh trà nhỡ do TS. Thu Hằng nghiên cứu thành công đều đáp ứng các tiêu chí”, ông Sơn giải thích.

Là một trong nhiều chủ vườn may mắn biết đến giống thanh trà nhỡ ngày đầu sản phẩm mới xuất vườn, anh Hoàng Tăng Phái đặt mua mấy chục cây giống về trồng. “Đúng như lời người quen “quảng cáo”, trồng giống thanh trà nhỡ này “nhàn” hơn, cây lên mạnh hơn so với những cây được “cùi” (chiết) từ cây mẹ. Mới trồng hơn 2 năm, chúng đã đuổi kịp những cây trong vườn. Một số cho trái “bói” nhìn rất sướng mắt”, anh Phái khoe.

Đến nay, đã có hơn 7.000 cây giống thanh trà nhỡ được trồng ở các nhà vườn Thủy Biều, Thủy Bằng, Long Hồ; Hương Vân (Hương Trà); Phong Thu, Phong Sơn (Phong Điền) và nhiều vùng trồng mới ven triền sông, bãi bồi. TS. Thu Hằng cho biết, nhu cầu cây giống sẽ còn tăng lên khi thanh trà được tỉnh chọn là cây chủ lực, tiến tới mở rộng trồng hơn 1.400ha chưa kể số trồng dặm, kiến thiết lại vườn của nhiều hộ dân.

 Công trình nghiên cứu sản xuất giống thanh trà nhỡ của TS. Lã Thị Thu Hằng và cộng sự được trao giải Nhì tại Hội thi 
Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2024

Thấy chúng tôi tò mò vì sao cây giống thanh trà nhỡ chỉ vừa mới xuất vườn mà đã được nhiều người đặt hàng, TS. Thu Hằng cho biết, ưu điểm trước tiên là nhờ xuất phát vườn từ cây cao khỏe, nên khi trồng rất dễ sống, dễ chăm sóc. Giống này còn giúp các chủ vườn đỡ tốn kém chi phí vật tư, lại cho quả sớm hơn bằng nửa thời gian so với trồng giống từ nhân giống truyền thống. Anh Lĩnh, một trong những người trồng thanh trà có thâm niên ở Phong Thu (Phong Điền) chia sẻ: Trước đây, tôi chủ yếu dùng giống truyền thống từ chiết, ghép thông thường nên cây sinh trưởng chậm, dễ nhiễm sâu bệnh. Nếu so về năng suất và hiệu quả kinh tế thì chắc chắn giống thanh trà nhỡ là lựa chọn tối ưu nhất. Bây giờ, bà con không còn lo chuyện cây bị còi cọc, năng suất giảm sút.

Nhân đôi giá trị kinh tế

Trước khi bắt tay nghiên cứu, nhất là với giống cây đặc sản thanh trà vốn đã gắn liền với nhà nông từ đời “cha truyền”, điều mà TS. Thu Hằng tâm niệm là “ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao” nhưng “không phức tạp”, phải dễ chuyển giao và nhân rộng ra thực tế. Từ suy nghĩ đó, TS. Thu Hằng đã nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống thanh trà nhỡ không lắm cầu kỳ. Chị chọn cây giống ghép, trồng trong bầu PE, tưới nước và bón phân bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, châm phân tự động theo nước tưới với các thiết bị điều khiển chế độ tưới tự động. Đến nay, quy trình kỹ thuật sản xuất giống đã được chuyển giao cho HTX Nông nghiệp Thủy Biều và một số doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương để họ chủ động đầu ra cung ứng cho bà con.

Nói về hiệu quả kinh tế, TS. Thu Hằng khẳng định đây là mô hình sản xuất nông nghiệp cho lợi nhuận cao, với mức lãi ròng đạt gần 76 triệu đồng/1.000m2, cao hơn nhiều so với mô hình sản xuất cây giống thanh trà truyền thống và các loại cây trồng khác. Nhất là khi có đầu ra ổn định, các đơn vị nhận chuyển giao còn có thể mở rộng mô hình và phát triển các dịch vụ đi kèm, như: Tư vấn quy hoạch trang trại, tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh trà, thiết kế và lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm nước...

Là người đi trước, PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi, Phó Trưởng khoa Nông học, Đại học Nông Lâm, Đại học Huế không ngần ngại dành tặng “điểm tối đa” khi đánh giá về dự án sản xuất cây giống thanh trà nhỡ công nghệ cao của TS. Thu Hằng. Theo PGS.TS Phương Nhi, kết quả nghiên cứu này đã “chạm” đúng nhu cầu thiết thực của nhiều người trồng thanh trà trên địa bàn. Nhờ có được giống cây tốt, người trồng không những tiếp tục “hái ra tiền” mà còn có thể bảo tồn, “cải lão” được những vùng thanh trà quý. Thành công này còn tạo thêm động lực lớn để nhà nông tiếp cận dần với xu hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc sản trái thanh trà vừa được chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Huế” vào đầu năm 2024 và sản phẩm cây giống thanh trà của “Quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống thanh trà nhỡ ứng dụng công nghệ cao” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ độc quyền “Nhãn hiệu hàng hóa” càng nhân lên lợi thế trong việc đưa cây trồng này lên vị trí tốp đầu cây trồng chủ lực của địa phương. Công trình nghiên cứu sản xuất giống thanh trà nhỡ ứng dụng công nghệ cao do TS. Thu Hằng làm chủ nhiệm vinh dự đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2024. Đây không chỉ là sản phẩm mang lại hiệu quả cho người nông dân và xã hội, mà còn mở ra hướng nghiên cứu mới, giải pháp mới cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nâng tầm” cây thanh trà

Định hướng đến năm 2025, tổng diện tích cây thanh trà trên địa bàn tỉnh khoảng gần 1.100 ha, diện tích cho sản phẩm gần 900 ha. Để đưa loại cây này trở thành cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã quy hoạch, mở rộng diện tích cùng các biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

“Nâng tầm” cây thanh trà
Hiệu quả từ cây thanh trà

Hiện ở Hương Thủy, vùng thanh trà Dương Hòa đang tấp nập thu hoạch. Ở Thủy Bằng, thương lái ước chừng 15 ngày nữa cũng sẽ có mặt.

Hiệu quả từ cây thanh trà
Khai thác thế mạnh cây thanh trà

Thanh trà được xem là loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao của người dân Thủy Biều, TP. Huế khi mỗi ha thanh trà cho thu nhập từ 250- 400 triệu đồng. Nhân rộng các mô hình chế biến đặc sản từ loại quả này nhằm phát huy giá trị cây đặc sản đang được địa phương chú trọng.

Khai thác thế mạnh cây thanh trà
“Giải hạn” cho cây thanh trà

Nhiều đợt nắng nóng xảy ra trên diện rộng, hàng trăm ha thanh trà tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng, nguy cơ mất mùa.

“Giải hạn” cho cây thanh trà

TIN MỚI

Return to top