Bơi xuồng đi lại trong lũ, nguy hiểm tính mạng (ảnh lũ 2020)
Còn chủ quan
Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nguy cơ tai nạn trước, trong và sau lũ nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan đánh bắt cá trên sông. Một số người vẫn vô tư chèo xuồng đi lại khi mưa lớn, nước trên sông đang lên.
Ông Nguyễn T. ở xã Hương Phong (TP. Huế) chủ quan khi cùng vợ đánh cá trên sông Hương vào sáng 16/10. “Nước sông đang lên nhưng chưa lớn lắm nên tranh thủ bủa lưới kiếm cá ăn. Khi nào nước lớn, chảy mạnh thì mình kéo lưới, trở về bờ”, ông T. chủ quan.
Thực tế nhiều năm trước, tại xã Hương Phong và một số địa phương từng xảy ra các vụ lật thuyền, đuối nước khi bủa lưới trên sông những ngày mưa lũ. Hầu hết người dân chủ quan, nghĩ rằng biết bơi nên không lo lật thuyền, hoặc cứ bủa lưới đến khi nước lớn thì cho thuyền về bờ. Nhưng khi nước lên nhanh, chảy xiết thì người dân không kịp kéo lưới, thuyền không kịp về bờ đã bị lũ nhấn chìm.
Người dân vùng sông nước cũng thường đi lại bằng xuồng trong mùa mưa lũ. Điều đáng nói là mặc dù đã được cảnh báo sự nguy hiểm, khó lường nhưng một số người dân vẫn liều lĩnh chèo xuồng trên sông khi mưa lớn, nước sông đang lên. Một số người đi lại trên đường, những khu vực bị ngập sâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn. Sự việc một sinh viên ở huyện Quảng Điền bị chết đuối trong đợt lũ năm vừa qua là một ví dụ; cùng thời điểm một xuồng cứu trợ lũ lụt ở Phong Điền bị lật khiến một người thiệt mạng.
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hương Phong Trần Viết Chức thông tin, địa phương nằm cuối hạ lưu sông Hương, một số thôn nằm ven sông nên từ khi có thông báo mưa lớn, chính quyền địa phương chủ động triển khai biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Trong đó “tự quản tại chỗ” được địa phương triển khai nghiêm túc. Tuy nhiên một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan đánh cá, đi lại trên sông; chính quyền địa phương cũng đã tuần tra, giám sát và yêu cầu người dân trở về nhà.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thành (Quảng Điền) Nguyễn Văn Khoa cho rằng, ý thức một bộ phận người dân còn thấp gây khó khăn trong công tác ứng phó thiên tai, bão lũ. Một bộ phận quen nghề sông nước tỏ ra chủ quan, vô tư đi lại, bủa lưới trên sông khi nước lũ đang lên. Chính quyền địa phương đã rà soát, nắm bắt những người thuộc đối tượng “liều”, đồng thời tuần tra trên các sông, cống, ngầm, khu vực ngập sâu để yêu cầu, nhắc nhở người dân tự bảo vệ an toàn tính mạng.
Người dân Phong Bình (Phong Điền) bơi xuồng trong lũ năm 2020
Cần thiết phải cưỡng chế
“Tự quản tại chỗ” mà Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề cập đến đó là các địa phương, cơ quan, đoàn thể, gia đình… tự quản lý lẫn nhau tại chỗ nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân trong mùa bão, lũ.
Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho rằng, “tự quản tại chỗ” là phương châm cần thiết được huyện đến cơ sở đang triển khai nghiêm túc. Trước, trong và sau đợt lũ, các trưởng, phó thôn, tổ dân phố, khu dân cư về tận các hộ dân để giám sát, quản lý, nhắc nhở kịp thời những trường hợp có dấu hiệu chủ quan, hoặc đi lại, đánh cá trong lúc nước lũ đang lên. Trường hợp không chấp hành sẽ có biện pháp cưỡng chế, thậm chí xử phạt theo quy định.
Tại các vùng thấp trũng, ven sông, suối, ngoài việc giám sát của các trưởng, phó thôn, các hộ dân còn giám sát lẫn nhau, nhắc nhở, động viên mỗi người không ra khỏi nhà, không đi lại trên đường, hoạt động trên sông khi nước khi lũ đang lên, chảy xiết. Ngoài trực tiếp về các hộ, các trưởng, phó thôn thường xuyên liên lạc với các hộ dân bằng điện thoại nhằm kịp thời nhắc nhở bà con tự bảo vệ tính mạng bản thân và gia đình.
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách chia sẻ, ngoài quản lý việc đi lại, sản xuất của người dân, các xã, thị trấn triển khai phương châm "tự quản tại chỗ" đến tận khu dân cư, hộ gia đình, các bậc phụ huynh chú tâm quản lý, bảo vệ con em trong mùa mưa lũ, tránh tình trạng chủ quan, mải mê chăm lo công việc để con nhỏ rơi xuống nước, bị lũ cuốn trôi. Sự việc này đã từng xảy ra tại xã Phong An (Phong Điền) trong đợt lũ cách đây 2 năm làm một trẻ nhỏ bị chết đuối.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin, “tự quản tại chỗ” còn đặt ra yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình có trách nhiệm bảo vệ tính mạng đội ngũ kỹ sư, công nhân trên công trường. Qua kiểm tra, giám sát, từ khi xảy ra mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, lở núi, sạt lở bờ sông… các chủ đầu tư, đơn vị thi công kịp thời sơ tán toàn bộ công nhân, các lực lượng ra khỏi công trường, đến nơi trú ẩn an toàn. Chủ đầu tư theo dõi thời tiết đảm bảo an toàn mới tổ chức thi công trở lại.
Bài, ảnh: Hoàng Triều