ClockThứ Ba, 06/08/2024 13:44

Cần phục hồi môi trường mỏ cát Bãi Trằm

TTH - Doanh nghiệp sau khi khai thác cát đã rời đi, để lại nhiều hố hầm với độ sâu lớn tại mỏ cát Bãi Trằm (thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Nhiều hệ lụy từ tài nguyên lậuBất cập khai thác cát trắng ở Phong HiềnDai dẳng khai thác cát trái phép ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

 Cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại mỏ cát Bãi Trằm (Lộc Tiến, Phú Lộc)

Kiến nghị nhiều lần

Năm 2015, Công ty CP Vật liệu xây dựng 368 (gọi tắt Công ty 368) được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp, xây dựng tại mỏ cát Bãi Trằm, xã Lộc Tiến với thời gian khai thác là 3 năm. Tuy nhiên, đến nay, Công ty 368 chưa lập hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực hoặc khi trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Theo quy định trên, việc thực hiện hoàn thổ mỏ cát đã khai thác ở vùng Bãi Trằm, xã Lộc Tiến thuộc trách nhiệm của Công ty 368.

Tuy nhiên, sau khi giấy phép khai thác hết hạn, Công ty 368 rời đi, để lại nhiều hố sâu, cát lún, ngập đầy nước, gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại và gia súc chăn thả trong khu vực. Tuyến đường lâm sinh vẫn chưa hoàn trả khiến người dân đi lại sản xuất khó khăn.

Ông Phan Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, tại khu vực khai thác hiện trạng để lại 2 hố sâu với diện tích khoảng 1ha. Người dân xung quanh đã rào chắn để bảo vệ diện tích đất của mình. Thời gian qua, xã đã thực hiện rào chắn các hố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người và gia súc chăn thả. Qua nhiều lần kiến nghị của cử tri, xã đề xuất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiến hành thực hiện rào chắn, cải tạo môi trường khi thực hiện Dự án cải tạo phục hồi môi trường tại Bãi Trằm.

Đồng thời, xã cũng kiến nghị có phương án xử lý hệ thống thoát nước trong khu vực, tránh tình trạng khi mưa lớn nước từ khu vực khai thác cát tràn vào ruộng vườn nhà dân; nâng cấp tuyến đường lâm sinh dài khoảng 300m đang xuống cấp.

Cải tạo phục hồi môi trường

Để giải quyết vấn đề trên, tháng 6/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức cuộc họp lựa chọn tổ chức lập phương án và thực hiện các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với mỏ cát Bãi Trằm, xã Lộc Tiến.

Công ty 368 được phê duyệt Đề án cải tạo phục hồi môi trường năm 2015, theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, đến nay công ty này đã thực hiện nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với số tiền 223.630.000 đồng và tiền lãi đến 31/12/2023 với số tiền 52.414.522 đồng.

Do đó, đến nay Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đang giữ tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của Công ty 368 là 282.977.052 đồng. Ngoài ra, về đất đai, Công ty 368 tự thỏa thuận bồi thường tài sản trên đất để thực hiện khai thác khoáng sản mà chưa thực hiện thuê đất. Hiện trạng khu đất mỏ cát Bãi Trằm thấp trũng, ngập nước. Hiện nay, khu đất này do UBND xã quản lý.

Theo Luật Khoáng sản năm 2010, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép để phê duyệt trước khi thực hiện.

Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được phép khai thác.

Theo Sở TN&MT, khu vực khoáng sản cát Bãi Trằm thuộc khu chức năng của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Do đó, các sở, ban, ngành và địa phương thống nhất đề nghị UBND tỉnh giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực khai thác khoáng sản mỏ cát Bãi Trằm, xã Lộc Tiến.

Nguồn kinh phí được sử dụng từ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của Công ty 368 và quỹ dự phòng rủi ro của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh. Đồng thời, giao UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo UBND xã Lộc Tiến tiếp tục quản lý chặt chẽ, chống lấn chiếm diện tích khu vực mỏ cát Bãi Trằm.

UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp và các cơ quan có liên quan thực hiện Dự án cải tạo phục hồi môi trường đối với khu vực khai thác khoáng sản mỏ cát Bãi Trằm, nhằm hoàn thổ đảm bảo an toàn cho người dân và phục vụ công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Mới đây, Sở TN&MT đã yêu cầu các Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long, Công ty TNHH Lộc Lợi, Công ty TNHH Phú Bài, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm đối với mỏ đất tại khu vực đồi Khe Quan (Trốc Voi), phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) nghiêm túc thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Được biết, thời điểm hiện tại, đây là những doanh nghiệp không thực hiện đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường dù giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhiều năm.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mắt thần” giám sát và bảo vệ môi trường

Hệ thống camera là một trong những điểm nhấn về phát triển dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế. Với 650 camera an ninh được lắp đặt trên toàn tỉnh phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, bão lụt.

“Mắt thần” giám sát và bảo vệ môi trường
Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”

Mới đây, trên Thừa Thiên Huế Online có bài viết “An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi” của tác giả Dương Đăng Bảo Khánh. Sau khi đọc bài, có bạn đọc gửi thư đề nghị tòa soạn lý giải giúp vì sao sông An Cựu lại “nắng đục mưa trong”?

Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”
Vì môi trường không thuốc lá

Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn nhiều người dân có thói quen hút thuốc lá. Dạo quanh một số con phố trên địa bàn TP. Huế, không khó để thấy những tàn thuốc lá vương vãi trên đường, vỉa hè.

Vì môi trường không thuốc lá

TIN MỚI

Return to top