ClockThứ Hai, 04/03/2024 06:53

Cầu... nối lòng dân

TTH - Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Những cây cầu vượt đầm, băng phá

Cầu Nguyễn Hoàng đang được khẩn trương thi công để hoàn thành kịp tiến độ. Ảnh: Bảo Phước 

Người dân Huế đã chờ đợi rất lâu có thêm những cây cầu mới bắc ngang sông Hương. Cũng chính vì thế mà cầu Nguyễn Hoàng và cầu vượt biển Thuận An đang được thi công mang hy vọng sẽ kết nối giao thông thuận lợi cho người dân hai bên bờ sông, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng Kim Long - Phường Đúc, Thuận An - Hải Dương...

Một sự kiện lạ lùng hiếm gặp đã xảy ra ở Huế vào dịp Tết Giáp Thìn năm nay. Tình trạng kẹt xe diễn ra xuyên suốt thời gian Tết, xe ô tô nối đuôi hàng km trong thành phố, di chuyển từ bờ Bắc qua bờ Nam bằng ô tô có khi mất hơn một tiếng đồng hồ. Sự bế tắc giao thông, mệt mỏi chờ đợi thực sự hiếm có tại vùng đất vốn yên ả, hiền hòa này. Tôi và nhiều người dân Huế e ngại rằng thêm một cây cầu Nguyễn Hoàng cũng khó có thể giải quyết được tình trạng quá tải giao thông ngày một thường xuyên hơn. Khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì dân số tăng mạnh, điều kiện kinh tế tốt hơn nên xe ô tô nhiều hơn, khách du lịch cũng sẽ đến Huế đông hơn. Liệu thành phố Huế có kịp thời mở rộng đường xá, xây thêm cầu để giải phóng không gian giao thông, giữ được môi trường trong lành, trong xanh như hiện tại. Nhìn qua các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Hà Nội đều đã và đang tiếp tục xây cầu như là điều chắc chắn phải làm để phát triển hài hòa kinh tế - xã hội. Để phát triển cơ sở hạ tầng cần rất nhiều tiền mà nguồn lực của tỉnh ta vẫn còn có hạn, giải pháp hiệu quả được minh chứng cho đến nay là huy động nguồn lực kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân.

Hơn 25 năm trước, hai quận Sơn Trà và Hải Châu có trình độ phát triển kinh tế đối lập, bên giàu bên nghèo, việc xây dựng cầu sông Hàn là vô cùng bức bách để liên thông thúc đẩy phát triển vùng kinh tế, nhưng thời điểm đó Đà Nẵng vẫn còn thiếu 7 tỷ đồng trong tổng số vốn đầu tư 95 tỷ đồng. Với sự đồng thuận cao của chính quyền và người dân, số tiền đó được quyên góp từ người dân và cán bộ, công nhân viên chức theo nguồn xã hội hóa. Cuối cùng, cầu Sông Hàn đã được hoàn thành và trở thành biểu tượng mang tính đoàn kết, sẻ chia đầy tự hào của người dân Đà Nẵng. Không chỉ những cây cầu lớn, một cây cầu nhỏ được xây dựng ở vùng nông thôn thay cho cầu tre, cầu gỗ, cầu khỉ cũng mang lại lợi ích to lớn cho vài trăm, vài ngàn dân sinh; giúp cho các em nhỏ được an toàn trong mùa mưa lũ; giúp cho người già được giúp đỡ về y tế dễ dàng hơn. Một nhóm thiện nguyện Tuệ Tâm VH đã không ngừng nghỉ huy động xây dựng gần 400 chiếc cầu nhỏ đó khắp mọi miền đất nước. Những chiếc cầu có khi chỉ từ 50 triệu đến vài trăm triệu đã mang lại hạnh phúc cho hàng ngàn người dân Việt Nam.

Từ những câu chuyện trên có thể thấy được là việc xây cầu mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, không chỉ là việc của Nhà nước mà cần được mọi người dân cùng chung tay góp sức. Sự thật ấm lòng Huế nơi chúng ta đang sống là vùng đất tôn sùng Phật giáo, đông phật tử, những tấm lòng lương thiện rất nhiều. Số lượng các chương trình thiện nguyện do người dân và doanh nghiệp Huế tổ chức đang tăng về số lượng và chất lượng như: chương trình bánh mì không đồng, phát bữa trưa chay, quyên góp áo quần, gạo, sách vở tặng bà con nghèo,… Tháng 12/2023, khi nghe tin cháy chợ Nam Đông, chính quyền đã nhanh chóng kêu gọi toàn bộ người dân Huế cùng chung tay giúp đỡ, trong đó tiểu thương chợ Đông Ba đóng góp nhiệt tình và nhờ vậy mà tiểu thương chợ Khe Tre được ấm áp phần nào khi Tết đến.

Thiết nghĩ, thành phố Huế chúng ta vốn đã đẹp và sẽ còn đẹp hơn nữa khi cơ sở hạ tầng khang trang hơn. Người dân Huế đã được thụ hưởng không gian công cộng là công viên rợp bóng cây xanh, không khí trong lành, những con đường đi bộ sạch đẹp, có cầu đi bộ trên sông ngày càng được kéo dài thêm, các con đường ngày càng rộng, vỉa hè cũng thông thoáng hơn. Và nếu có sự chung tay góp sức về tài chính, Huế có đủ nguồn lực để làm nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Huế vẫn cần thêm cầu bắc qua các con sông, kênh rạch vùng sâu vùng xa; cũng cần xây dựng đường sá cả đại lộ, đường làng, đường xóm,… Việc tuy lớn nhưng là việc chung và mang lại lợi ích to lớn.

NGUYỄN ĐOÀN QUỐC ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển mùa

Đã qua tiết thu phân. Ngọn gió ngoài sông phả về hơi lạnh nghe ra mùi hương đất đai kỳ hoai ủ. Con nhóc giờ này năm xưa rén nhẹ bước chân vo bơ gạo độn khoai, rang thêm mẻ hạt dầu với ruốc. Một phần cho mẹ ra đồng, phần nữa con theo đám các bà dì đi qua chợ huyện rồi đến trường học. Những ngọn đồi mù mịt trong mưa. Đứa trẻ mắt nhắm mắt mở thấy mình mãi vòng quanh không qua hết bìa rừng... Nó ứa nước mắt thèm ngủ vùi trong mùi lá còn vương.

Chuyển mùa
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Mùa trái chín

Sau những cơn dông ngột ngạt hơi nóng của đất và cỏ mục, tiết trời chuyển thu như chỉ sau một đêm về sáng. Nghe trong tiếng vạc kêu khuya kéo theo làn sương mỏng về bên sông. Những khu vườn như vàng lên theo từng gân lá. Bình minh rộng mở. Không gian dìu dịu màu nắng và mùi hương hoa cỏ, trái chín. Mặt nước sông Hương nhuộm sắc trời thiên thanh. Phố quanh quanh, làng tiếp nối cho đến tận đường viền của ngọn núi Phụng mơ hồ một màu tím trong mây nhạt.

Mùa trái chín
Return to top