ClockChủ Nhật, 19/02/2017 07:35

Chi phí không chính thức

TTH - Chi phí không chính thức đã tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đối với nền tảng phát triển kinh tế của một địa phương, một đất nước.

Trong các cuộc điều tra chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm được công bố, trong nhiều chỉ số thành phần có chỉ số chi phí không chính thức. Và chỉ số này thường đạt số điểm thấp. Chi phí không chính thức được hiểu rộng ra là tình trạng nhũng nhiễu để tư lợi đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Những lời phàn nàn của doanh nghiệp về môi trường hoạt động cho thấy chi phí không chính thức hiện diện trong nhiều khâu của quá trình hoạt động doanh nghiệp, từ quá trình làm thủ tục thành lập doanh nghiệp đến quá trình hoạt động… thậm chí là quá trình làm các thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế.

Những năm gần đây, cùng với chương trình cải cách hành chính, môi trường hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện theo hướng tốt lên rất nhiều. Tuy nhiên, chi phí không chính thức chưa hẳn đã chấm dứt.

Chi phí không chính thức đã tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đối với nền tảng phát triển kinh tế của một địa phương, một đất nước. Vì những chi phí này, một khi doanh nghiệp đã bỏ ra thì nó, hoặc là đưa vào giá thành của sản phẩm, dịch vụ, hoặc là làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, hoặc là bớt xén chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Và chính vì thế nó làm cho hàng hóa và doanh nghiệp kém sức cạnh tranh.

Ở chiều ngược lại, chi phí không chính thức sẽ có tác động làm tha hóa bộ máy. Tình trạng này không được hạn chế thì nó sẽ gây ra những tác động không nhỏ cho sự phát triển của xã hội. Đó là bộ máy hành chính hoạt động với năng suất, chất lượng công việc thấp. Khi nó không được cải thiện thì đến một lúc nào đó, doanh nghiệp muốn hoạt động, cũng phải tìm cách “thích nghi”. Vậy là từ sự tha hóa của cán bộ trong bộ máy nhà nước sẽ lan sang bộ máy điều hành của doanh nghiệp. Bản chất của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận nên không dễ gì họ chịu bỏ ra mà không lấy lại gì. Suy cho cùng, mọi hệ lụy của tình trạng này là xã hội phải gánh chịu. Trong một cuốn tự truyện của mình, ông Chung Ju Yung, người sáng lập tập đoàn Hyundai, một tập đoàn có sức ảnh hưởng hết sức lớn đến sự lớn mạnh của Hàn Quốc đã có một câu nói nổi tiếng khi nói về sự trong sạch, liêm chính: “Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe một đất nước, một xã hội, một doanh nghiệp nào đó không trong sạch mà phát triển được”. Ông cho rằng hai đất nước có bước phát triển mạnh mẽ ở châu Á đó là Nhật Bản và Singapore có vai trò rất quan trọng của việc xây dựng một xã hội trong sạch.

Làm thế nào để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, cũng có nghĩa là xây dựng một bộ máy hành chính trong sạch là vấn đề quan trọng cho sự phát triển, bên cạnh những nhiệm vụ khác. Thời gian gần đây, trong thông điệp của Chính phủ đưa ra là quyết tâm thực hiện, trong đó có việc quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính. Cũng là để phụng sự sự phát triển của xã hội, của doanh nghiệp. Để làm được điều này, không có cách nào hay hơn là phải nâng cao sự minh bạch trong mọi lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước. Tất cả mọi qui định đều phải công khai để ai cũng dễ thực hiện, dễ kiểm chứng và dễ giám sát.    

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017. Một số tổ chức và hội đoàn có chức năng được quyền tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương. Hy vọng rằng, sự giám sát được tăng cường, hoạt động của bộ máy sẽ có những chuyển biến tích cực và nhiệm vụ phục vụ cho sự phát triển sẽ được thực hiện tốt hơn.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 2/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4/2024 và thảo luận Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Return to top