|
Vớt rác ven biển là cách để bảo vệ nguồn tài nguyên biển thiết thực |
Bờ biển của tỉnh dài hơn 128km, có cảng biển Chân Mây và Thuận An. Riêng cảng Chân Mây hội đủ điều kiện thuận lợi để cảng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 50.000 DWT phục vụ giao lưu hàng hóa với các vùng trong khu vực, tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh của Lào, Campuchia và miền Trung Thái Lan, phục vụ du lịch quốc tế đường biển.
Vùng biển ở Huế có ngư trường phía đông rộng lớn, nhiều vùng giàu tính đa dạng sinh học (ĐDSH), nhất là có tiềm năng lớn về hải sản, với hơn 500 loài cá, trong đó 30-40 loài có giá trị kinh tế cao, như: tôm hùm, cá chim, cá thu, cua, mực với năng suất khai thác hợp lý là 40.000 - 50.000 tấn/năm. Ngoài ra, ngư dân địa phương có kinh nghiệm di chuyển khai thác theo các mùa vụ trong năm, mở rộng từ phía biển Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ và ra đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Tài nguyên biển ở Huế nhiều khu vực hiện nay có thế mạnh, giàu tiềm năng du lịch phải kể đến vùng biển Lăng Cô - hòn Sơn Chà. Đây còn là vùng sinh thái giá trị với nguồn tài nguyên thủy sinh phong phú, trong đó có san hô, cỏ biển, rong biển, cùng nhiều loài tôm, cá và sinh vật đáy. Không riêng giá trị của Vịnh đẹp Thế giới Lăng Cô, hòn Sơn Chà tuy còn hoang sơ nhưng qua khai thác một số loại hình du lịch dịch vụ hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến khám phá, tận hưởng những giá trị của thiên nhiên. Cùng với đó là các bãi biển, bãi tắm đẹp, như Cảnh Dương, Vinh Thanh, Thuận An, Quảng Công, Quảng Ngạn... kết hợp các di sản văn hóa, khu bảo tồn thiên nhiên, tạo điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch biển độc đáo thu hút khách du lịch gần xa.
Ngoài khu vực ven biển, vùng ven bờ của tỉnh còn có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đầm Lập An với diện tích khoảng 22.000ha. Đây là nơi lưu giữ một nguồn gen khá phong phú gồm hơn 600 loài. Trong đó, có 43 loài rong có thể dùng cho công nghiệp sản xuất agar (một loại bột rau câu) hoặc làm phân bón, 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loài thân mềm có giá trị.
Hàng năm, trung bình tại đầm phá khai thác đạt khoảng 2.500 - 3.000 tấn thủy sản các loại. Ngoài ra, người dân còn khai thác vài trăm tấn rau câu và khoảng 15.000 tấn rong tươi làm phân bón cho các đồng ruộng ven đầm và nguồn thức ăn cho nghề nuôi lồng cá trắm cỏ ở các vùng lân cận.
Ngoài các giá trị tài nguyên về thủy sản, du lịch, vận tải, hầu hết các mỏ sa khoáng của tỉnh đều nằm dọc theo bờ biển. Các mỏ sa khoáng này phân bố tập trung trên các đê cát xen lẫn khu vực dân cư. Tiềm năng lớn nhất các mỏ này là giàu khoáng chất công nghiệp kaolin, cát thủy tinh, than bùn, vàng...
Mặc dù có nguồn tài nguyên biển, đầm phá phong phú, giàu tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nhưng do những tác động của BĐKH, rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường do sản xuất, sinh hoạt, khai thác tài nguyên thiếu hợp lý… gần đây đã gây ảnh hưởng lớn về môi trường trong khu vực.
Chung tay bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đầm phá cần tiếp tục đẩy mạnh. Ngoài công tác tuyên truyền, việc bảo tồn, bảo vệ ĐDSH và các giá trị ở khu vực ven biển, các ban, ngành, hội, đoàn từ tỉnh đến cơ sở, cùng người dân địa phương phải chú trọng nhiều hơn.