Thứ Năm, 09/09/2021 14:02
(GMT+7)
Chuyên gia quốc tế: Việt Nam vẫn là 'mắt xích' quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn, nền kinh tế phải đóng cửa vì COVID-19, Việt Nam vẫn đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tác động lớn đến tiêu dùng ở Mỹ.
May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Đây là nhận định được Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) Adam Sitkoff đưa ra mới đây, sau khi hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn kế hoạch mở rộng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Mặc dù thừa nhận dịch COVID-19 đang cản trở Việt Nam gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng, ông Sitkoff vẫn nhận thấy Việt Nam đang thu hút đầu tư. Ông đề cao việc Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất châu Á vào năm 2020, với mức tăng trưởng 2,9%. Hiện AmCham đang hướng tới mục tiêu “giảm xuống mức thấp nhất có thể” tác động của chính sách chống COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh trong bối cảnh các công ty đang tìm cách đảm bảo khâu giao hàng suôn sẻ trước mùa mua sắm cuối năm.
Các nhà phân tích tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. cũng có nhận định tương tự trong báo cáo công bố ngày 7/9, trong đó nêu bật triển vọng dài hạn của Việt Nam dù nhu cầu trong nước đang “giảm sâu”. Nhà phân tích Dhiraj Nim và Khoon Goh viết trong báo cáo: “Ngoài những thách thức ngắn hạn, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi. Đại dịch đã không làm thay đổi sức hấp dẫn của nước này với tư cách là một trung tâm sản xuất. Ngoài ra, còn có nhiều dư địa để hỗ trợ chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hơn nữa ”.
Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, nhận định cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020 vẫn tiếp diễn cho đến hiện tại và các biện pháp được áp dụng để phòng chống dịch bệnh đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu. Dù vậy, trong năm 2020, Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng này với mức tăng kinh tế đáng nể 2,91%. Các quyết sách kinh tế của Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
Theo Giáo sư Stoffers, các số liệu kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 không quá tệ. Tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ lạm phát hiện đang tăng ồ ạt. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam mới chỉ ở mức 1,46% vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đại dịch COVID-19 lây lan nhanh là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong những tháng cuối năm. Mặc dù vậy, ông Stoffers vẫn tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng như đã từng vượt qua vào năm 2020.
Theo Tin tức TTXVN