ClockChủ Nhật, 06/02/2022 13:30

Doanh nghiệp đoàn kết sẻ chia

TTH - Khép lại một năm đầy biến động, song điều đọng lại trong mỗi doanh nghiệp (DN) là sự sẻ chia đơn hàng giữa các nhà máy cũng như hỗ trợ người lao động (NLĐ) những lúc khó khăn để cùng tạo nên sức mạnh, vượt qua đại dịch.

Đồng hành cùng khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19Khẩn trương ban hành chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệpThành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đạt 350% so với chỉ tiêuHỗ trợ doanh nghiệp: “Có bột mới gột nên hồ”

Công ty CP Dệt may Huế triển khai chương trình “đi chợ hộ” giúp người lao động phòng dịch và yên tâm làm việc

Đơn hàng nghĩa tình và sẻ chia áp lực

Sau những câu chào hỏi qua màn hình máy tính, cuộc họp online bắt đầu diễn ra giữa các nhân viên kỹ thuật của 2 nhà máy may Sơn Hà Huế và Sơn Hà Đồng Nai. Cuộc họp kết thúc, các nhân viên kỹ thuật ở Huế hướng mắt vào màn hình theo dõi hướng dẫn quy trình cắt may, hoàn thiện sản phẩm của các nhân viên Đồng Nai để thực hiện các đơn hàng nằm ngoài kế hoạch sản xuất năm 2021 của nhà máy. Đó là những “đơn hàng nghĩa tình và sẻ chia áp lực”!

Với hơn 10 nhà máy may nằm trong chuỗi nhà máy thuộc Tập đoàn Sơn Hà đặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thời gian qua, Sơn Hà Huế thường xuyên chia sẻ đơn hàng giúp các nhà máy phía nam đảm bảo tiến độ để giao hàng đúng hẹn và không bồi thường hợp đồng. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các nhà máy ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh buộc phải đóng cửa do thực hiện giãn cách xã hội và thiếu nhân công, những đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài đến hạn giao song không thể thực hiện, đều chuyển về Huế sản xuất.

Công ty Scavi Huế tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” 

Chủ tịch Công đoàn công ty, ông Lê Văn Khánh cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát, nhà máy chịu tổn thất nặng nề khi vừa triển khai các biện pháp phòng dịch để duy trì sản xuất, vừa chịu áp lực thiếu hụt nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng. Song, khi nghe thông tin các nhà máy phía nam đóng cửa, trong khi đơn hàng đã ký với đối tác đến thời hạn giao, nhà máy huy động nhân viên tăng ca, chia kíp và hướng dẫn kỹ thuật để hoàn tất các đơn hàng trong thời gian nhanh nhất, kịp bàn giao để xuất theo tiến độ hợp đồng.

Tại Scavi Huế, việc chia sẻ đơn hàng diễn ra trong thời gian dài với số lượng hàng khá lớn từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía nam và TP. Đà Nẵng. Là 1 trong 4 nhà máy trong nước trực thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp), khi 3 nhà máy may Scavi ở Biên Hoà (Đồng Nai), Đà Nẵng và Bảo Lộc (Lâm Đồng), trong đó Scavi Đồng Nai là trung tâm phát triển mẫu cho cả tập đoàn phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng do thiếu lao động, Scavi Huế đã triển khai chiến dịch “Giải cứu miền Nam”, hỗ trợ thiết kế mẫu, sản xuất nhiều đơn hàng cho 3 nhà máy trong nước và chia sẻ đơn hàng, hỗ trợ hàng ngàn bộ kit xét nghiệm cho nhà máy ở Lào.

Theo Tổng Giám đốc công ty, ông Trần Văn Mỹ, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi trong khuôn viên nhà máy xuất hiện các ca F0, song khi các “anh em” kêu gọi hỗ trợ vì nhiều đơn hàng đứng trước nguy cơ trễ hợp đồng, DN đã kêu gọi NLĐ sắp xếp công việc để tăng ca, làm thêm các ngày nghỉ để sản xuất các đơn hàng cho các nhà máy phía nam. Nhờ vậy, mặc dù hơn 3 tháng đóng cửa, song các nhà máy phía nam vẫn giữ chân khách hàng, đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết trong năm 2021, tạo động lực để ký kết các hợp đồng mới của năm 2022.

“Đi chợ hộ” cho công nhân

Những ngày cuối năm, số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng và xâm nhập vào các nhà máy. Để giảm nguy cơ lây lan dịch và tạo điều kiện cho NLĐ yên tâm làm việc, Công ty CP Dệt may Huế đã triển khai chương trình “đi chợ hộ” cho NLĐ có nhu cầu, đồng thời phục vụ ăn sáng, cà phê ngay trong nhà máy để thực hiện phương châm “1 cung đường 2 điểm đến”, hạn chế tiếp xúc bên ngoài.

Công ty CP Dệt may Huế chuẩn bị quà trao cho người lao động nhiễm COVID-19

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân may chia sẻ: “Trước đây, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, 2 vợ chồng thay nhau đi chợ mua thức ăn để lại cho các con, sau đó cùng đi ăn sáng và mua cà phê đưa vào nhà máy. Sau khi bùng dịch, công ty bố trí lực lượng hỗ trợ chị em mua thức ăn hằng ngày, chia sẻ một phần chi phí bữa sáng, giải khát trong căng tin nhà máy nên rất tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm chi phí và không lo lây bệnh”.

Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, để NLĐ gắn bó với công ty và yên tâm với công việc, công ty đối xử với họ bằng cả trí tuệ và tấm lòng, xem NLĐ như người nhà của mình để chăm sóc, lo lắng. Sau khi nhà máy xuất hiện các ca F0 từ các địa phương, để giảm áp lực cho NLĐ và giúp họ thích ứng trong thời gian cách ly, điều trị, công ty hỗ trợ ngay 3 triệu đồng/người, đồng thời thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với người nhà và có chính sách cho các lao động gặp khó khăn trong thời gian thực hiện cách ly phòng dịch.

Nghĩa tình đọng lại

Việc chia sẻ đơn hàng, từ dệt may, đồ gỗ, thủy hải sản… dường như đã quen thuộc với các nhà máy trên địa bàn tỉnh khi thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương, số ca dương tính tăng lên từng ngày, song bằng sự chủ động và triển khai nhiều biện pháp phòng dịch, các nhà máy chưa một ngày phải đóng cửa, hàng ngàn lao động vẫn ổn định việc làm. Vì vậy, khi nghe thông tin các nhà máy ở phía nam, đặc biệt là các tỉnh, thành phố ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… phải đóng cửa hoặc thiếu nhân công, nguy cơ hàng trăm đơn hàng xuất khẩu phải bồi thường hợp đồng với đối tác do chậm trễ thời gian giao hàng, các nhà máy ở Huế, như Dệt may Huế, Sơn Hà, Scavi, Phú Hòa An… đã nhanh chóng nhận nguyên phụ liệu, bố trí nhân công và bắt tay sản xuất.

Lấy mẫu test nhanh cho công nhân tại Nhà máy may Phú Hòa An

Những ngày đầu tháng 9/2021, khi làn sóng người dân làm việc tại các tỉnh phía nam trở về quê tránh dịch, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, nhiều nhà máy may, sản xuất đồ gỗ, men frit, thủy, hải sản… đã tổ chức tuyển dụng hàng trăm lao động vào học nghề và làm việc tại nhà máy, mang lại cơ hội việc làm cho nhiều gia đình sau thời gian dài mất việc do ảnh hưởng dịch.

Bằng sự quan tâm và sẻ chia mùa dịch, nhiều DN đã tiết giảm các khoản chi để hỗ trợ NLĐ không may bị nhiễm COVID-19, buộc phải đi điều trị và các thành viên trong gia đình phải cách ly tại nhà. Một số nhà máy chủ động tổ chức phương án “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì công việc cho các trường hợp F2. Nhiều lãnh đạo đơn vị đã cắt giảm các khoản chi từ việc tiếp khách, liên hoan để hỗ trợ NLĐ thông qua các túi an sinh khi gia đình có vợ hoặc chồng mất việc do dịch...

Những câu chuyện sẻ chia mùa dịch có lẽ còn nhiều, song điều đọng lại trong mỗi người đó là nghĩa cử cao đẹp của các DN dành cho bạn hàng, đối tác hay NLĐ thông qua những việc làm thiết thực, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp trong lòng các doanh nhân đất Việt ở khắp mọi nơi.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn kết, khát vọng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Hôm nay 18/12, tại Thủ đô Hà Nội, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX chính thức khai mạc. Với khẩu hiệu “Thanh niên Việt Nam Yêu nước-Khát vọng-Đoàn kết-Tiên phong-Sáng tạo-Tự tin bước vào kỷ nguyên mới”, Đại hội là sự kiện lớn của tuổi trẻ, ngày hội đoàn kết các tầng lớp thanh niên Việt Nam.

Đoàn kết, khát vọng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Sáp nhập huyện Nam Đông - Phú Lộc: Đoàn kết, đồng thuận

Trong niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai huyện Phú Lộc và Nam Đông khẩn trương thực hiện quy trình sáp nhập huyện theo NQ số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự đoàn kết, đồng thuận là yếu tố tạo nên thành công cho nhiệm vụ này.

Sáp nhập huyện Nam Đông - Phú Lộc Đoàn kết, đồng thuận

TIN MỚI

Return to top