ClockThứ Ba, 23/04/2019 13:30
FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2019:

Trình diễn sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời

TTH - Với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế (NTTH) 2019 được tổ chức từ ngày 26/4 đến 2/5, hội tụ 16 nhóm nghề: thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thư pháp, tranh, diều, dệt - may, mây tre, pháp lam, nhang trầm, tinh dầu, lân - sư - rồng, các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời.

Hiệu ứng từ các kỳ Festival Nghề truyền thống HuếZèng & giày

Nón lá sen của Nguyễn Thanh Thảo sẽ có mặt tại Festival NTTH 2019 trong không gian sen

Hơn 350 nghệ nhân đến từ 60 làng nghề nổi tiếng

Năm nay, không gian nghề được tổ chức trong không gian đặc trưng với gần 30 ngôi nhà rường, vốn là kiệt tác của nghề chạm khắc gỗ Huế và những ngôi nhà tre mang dấu ấn của nghề mây tre đan tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Tứ Tượng và công viên Phan Bội Châu. Tại đây, trên 350 nghệ nhân, “bàn tay vàng” đến từ 60 làng nghề nổi tiếng trong cả nước như Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hưng Yên và Huế có dịp thể hiện tài năng và trao đổi kinh nghiệm.

Để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ người dân và du khách dịp festival, năm nay, các làng nghề, cơ sở nghề trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm. Tại kỳ festival lần này, cơ sở gốm Phước Tích (Phong Điền) sản xuất gần 1 ngàn sản phẩm các loại, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm trang trí và dân dụng, như bình hoa, ấm trà, ly, chén kiểu, tượng các con giáp…

“Từ Festival NTTH 2005 đến nay, gốm Phước Tích không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà vươn xa đến các tỉnh, thành trong nước thông qua các đơn hàng của đối tác ký kết tại các kỳ festival. Vì vậy, để góp mặt tại không gian nghề lần này bên cạnh dòng gốm Bát Tràng, gốm Phước Tích phải làm mới sản phẩm thông qua kỹ thuật nung, cách pha màu và nghệ thuật chế tác”, chủ cơ sở, ông Lương Thanh Hiền chia sẻ.

Nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn 3 chương trình “đinh” tại Festival NTTH 2019 là lễ khai mạc, lễ hội áo dài và lễ bế mạc cho rằng, hiệu quả nhất sau mỗi kỳ festival là nhìn thấy sự hồi sinh và phát triển của các làng nghề; sự vui mừng, phấn khởi của các nghệ nhân cũng như sự đổi thay của thành phố.

Tại Festival NTTH 2019, mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.

Bà Hạnh cho rằng, Huế là mảnh đất nổi tiếng về nghề trồng sen, song lâu nay vùng đất phát triển các sản phẩm sen lại là Đồng Tháp. Vì vậy, tại festival lần này, Huế và Đồng Tháp có dịp giao lưu, trình diễn các sản phẩm chế biến từ sen tại không gian sen; không gian lụa sẽ là nơi giới thiệu những bộ áo dài truyền thống, trong đó có dịch vụ may áo dài lấy nhanh; không gian dệt thổ cẩm, mây tren đan, diều và thư pháp sẽ hòa quyện, tạo không gian nghề độc đáo và hấp dẫn. Hiện, các sân khấu trung tâm đang dần hoàn thiện, sẵn sàng cho các chương trình và lễ hội phục vụ người dân Huế và du khách.

10 thành phố, tổ chức quốc tế tham gia

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế, Phó Ban tổ chức (BTC) Festival NTTH 2019, bà Phạm Thị Quỳnh Dao cho biết, khác với 7 kỳ trước, Festival NTTH 2019 sẽ được tổ chức dài ngày hơn (kéo dài trong 7 ngày, từ 26/4 đến 2/5/2019, các năm trước chỉ kéo dài dưới 5 ngày).

Ngoài các chương trình có dấu ấn từ festival trước như lễ hội áo dài, lễ tế tổ bách nghệ - lễ rước tôn vinh nghề, lễ hội ẩm thực, lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế, festival lần này sẽ có thêm lễ hội hoa và các không gian nghề ấn tượng. Ngoài ra, Festival NTTH đang từng bước hướng đến tính quốc tế với sự tham gia của 10 thành phố, tổ chức quốc tế, trong đó có 7 thành phố, 2 hiệp hội và 1 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ với 68 nghệ nhân tham dự.

Theo bà Dao, một trong những nét mới của Festival NTTH 2019 là chủ trương tiết giảm chi phí từ ngân sách đối với các hoạt động lễ hội và hướng đến tăng tỷ lệ kinh phí từ nguồn vận động xã hội hóa. Ngoài ra, cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Trong đó, BTC đã bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như, không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế, không gian Sen và thổ cẩm, không gian Lụa và Áo dài (trong đó có dịch vụ may áo dài nhanh), không gian Đông y Huế, không gian mây tre đan, không gian Diều và Thư pháp...

Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng BTC Festival NTTH 2019, ông Nguyễn Văn Thành khẳng định, Festival NTTH 2019 là sự kiện kinh tế và văn hóa lớn, nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống, đồng thời tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Theo ông Thành, để đảm bảo cơ sở vật chất, nhất là hệ thống khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du khách, TP chỉ đạo các cơ sở lưu trú trên địa bàn tăng cường công tác chuẩn bị phòng ốc, dịch vụ và yêu cầu các khách sạn, nhà hàng không được tăng giá, đồng thời xây dựng các phương án dự phòng trong trường hợp khách du lịch đến Huế tăng đột biến.

TP vận động người dân trên địa bàn hỗ trợ địa điểm lưu trú, xây dựng các dịch vụ homestay; thiết kế các tour tuyến du lịch đến các địa điểm có các hoạt động hưởng ứng festival như tour du lịch trải nghiệm tại làng cổ Phước Tích, thanh trà Thủy Biều, đúc đồng phường Đúc…

Đây cũng chính là thời điểm để thành phố quảng bá các thương hiệu đặc sản truyền thống, các không gian trải nghiệm văn hóa, ẩm thực song hành cùng festival nghề qua mỗi kỳ tổ chức. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Festival NTTH 2019 đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho ngày khai hội.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
"Chắp cánh" cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa

Sau 2 ngày diễn ra Hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề do Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Hương Trà phối hợp tổ chức tại công viên trung tâm thị xã, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP của địa phương có thêm cơ hội để vươn xa...

Chắp cánh cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa
Nghề làm mõ trên đồi Thủy Xuân

Vùng đồi Thủy Xuân, TP. Huế nổi tiếng với những ngôi chùa cổ như Từ Hiếu, Đông Thuyền, Bảo Lâm, Châu Lâm, Diệu Nghiêm... Lạc bước vào chốn mây gió tiêu diêu với nhiều rặng thông vi vu trên những sườn đồi này, vào buổi sớm tinh mơ hay khi hoàng hôn về, nghe trong gió tiếng chuông chùa ngân vang và cả những tiếng mõ đều đều từ những cánh cửa chùa vọng lại. Chợt thấy lòng êm dịu và thanh thản lạ thường.

Nghề làm mõ trên đồi Thủy Xuân
Du lịch làng nghề hấp dẫn du khách

Cùng với các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử trên địa bàn, du lịch làng nghề truyền thống đã và đang được du khách ưa chuộng khi nhiều cơ sở kinh doanh, làng nghề triển khai nhiều cách làm hay vừa giúp tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình, vừa bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Du lịch làng nghề hấp dẫn du khách
Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

Những tà áo dài được các nhà thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng các giá trị làng nghề truyền thống xứ Huế được trình diễn giữa sân khấu cộng đồng khiến người xem hào hứng, bất ngờ.

Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

TIN MỚI

Return to top