ClockThứ Ba, 07/04/2020 12:22

Xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp dệt may chuyển dịch đơn hàng

TTH.VN - Từ đầu tháng 3/2020, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may xuất khẩu gặp khó khăn khi các đơn hàng xuất sang Mỹ, châu Âu tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Để ổn định việc làm cho người lao động, các DN đã chuyển dịch đơn hàng từ sản phẩm thời trang sang khẩu trang vải kháng khuẩn, góp phần duy trì sản xuất và ổn định việc làm cho người lao động.

Đưa ra thị trường hơn 38 triệu khẩu trang vải phòng dịch Covid-19Đảm bảo đủ nguồn cung khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dânDệt may Huế sản xuất trên 60.000 khẩu trang vải kháng khuẩn/ngày phòng chống dịch COVID-19

Từ đầu tháng 4/2020, nhà máy may của Công ty Scavi Huế bắt đầu chuyển dịch đơn hàng sản xuất áo quần, hàng nội y sang khẩu trang vải kháng khuẩn xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu ổn định việc làm cho người lao động

Chuyển dịch đơn hàng

Là DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu, từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty Scavi Huế gặp nhiều trở lực do thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, đơn hàng liên tục bị khách hàng hoãn, giãn và cuối cùng là hủy do các cửa hàng thời trang đóng cửa.

Đứng trước nguy cơ phải đóng cửa 1 trong 2 nhà máy may và 50% lao động không có việc làm do sản phẩm không xuất khẩu được sang 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu, DN phải xây dựng nhiều kịch bản, tìm kiếm các đơn hàng mới và chuyển dịch đơn hàng.

Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế Trần Văn Mỹ cho rằng, thời điểm nửa cuối tháng 3/2020 là giai đoạn DN gặp khá nhiều khó khăn khi các đơn hàng xuất sang Mỹ, châu Âu không xuất khẩu được do ảnh hưởng dịch COVID- 19, nhiều chuyền may không có việc làm nên phải bố trí cho một số công nhân nghỉ việc luân phiên.

Sang đầu tháng 4/2020, tin vui đến với Tập đoàn Sacvi (Pháp) nói chung và Công ty Scavi Huế nói riêng khi DN đã ký được các hợp đồng xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn số lượng lớn với trên 250 triệu sản phẩm. Đối với sản phẩm khẩu trang, 100% nguyên liệu sản xuất đều nhập từ các nhà máy trong nước nên luôn chủ động nguồn hàng.

Theo ông Mỹ, với trên 6.000 lao động gắn bó với các nhà máy may từ khi mới thành lập nên dù khó khăn đến đâu, DN cũng phải nghĩ cách để nhà máy vẫn duy trì hoạt động, người lao động phải có việc làm, đặc biệt là khi dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp và hàng ngàn người dân đang gặp khó khăn.

Quyết định chuyển dịch đơn hàng là giải pháp tối ưu khi các nước đang gồng mình đối phó và giải quyết khó khăn do dịch bệnh. DN đang tiếp tục đàm phán với các đối tác xuất khẩu hàng thời trang để tiếp tục ký hợp đồng sản xuất khẩu trang, vì đây là sản phẩm duy nhất trong nhóm hàng may mặc xuất khẩu được sang Mỹ và châu Âu trong thời điểm này.

Tại Khu công nghiệp Phú Đa, các DN dệt may vẫn đang duy trì hoạt động sau khi chuyển dịch các đơn hàng sản xuất áo quần thời trang sang áo quần bảo hộ y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn. Vì vậy, 4 nhà máy may với trên 4.000 lao động ở đây vẫn đảm bảo việc làm trong giai đoạn dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp.

Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú thông tin, hiện tất cả các đơn hàng sản xuất áo quần xuất khẩu sang Mỹ đều cho đóng gói và lưu kho theo yêu cầu của đối tác, đợi dịch COVID- 19 tại Mỹ chấm dứt, các cửa hàng thời trang mở cửa trở lại mới tiếp tục xuất hàng. Vì vậy, trong tháng 3/2020, DN phải liên hệ với hàng chục DN trong và ngoài nước để tìm kiếm các đơn hàng để giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động.

Tin vui đối với DN và người lao động khi đầu tháng 4/2020, DN đã ký được đơn hàng sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn với số lượng 30 triệu sản phẩm, lượng hàng này sẽ sản xuất trong vòng 4 tháng nên từ nay đến hết tháng 7/2020, đơn vị vẫn duy trì sản xuất và tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là thị trường nội địa nếu dịch COVID- 19 chưa chấm dứt.  

Chấp nhận thua lỗ để duy trì sản xuất

Sau 5 năm hoạt động tại Huế, đây là lần đầu tiên Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế lâm vào tình trạng bế tắc khi các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu đều bị khách hàng tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID- 19.

Chủ tịch công đoàn công ty Lê Văn Khánh cho rằng, từ đầu năm 2020 đến nay, DN đối mặt với nhiều khó khăn, trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3/2020 thiếu trầm trọng nguyên phụ liệu sản xuất do các nhà máy ở Trung Quốc bùng phát dịch, từ giữa tháng 3 đến nay nguồn nguyên liệu đã nhập khẩu trở lại thì dịch COVID- 19 bùng phát tại Mỹ và châu Âu, trong khi đây là 2 thị trường xuất khẩu chính của đơn vị.

Từ đầu năm 2020, Công ty CP Dệt may Huế đã sản xuất vải để may khẩu trang phục vụ thị trường phòng dịch COVID- 19

Để giữ chân lao động và duy trì sản xuất, đầu tháng 4/2020, DN chuyển dịch từ sản xuất áo quần xuất khẩu sang các sản phẩm y tế như khẩu trang vải, áo quần bảo hộ với đơn hàng 300.000 sản phẩm áo quần bảo hộ và 1.000 khẩu trang, song số hàng này chỉ sản xuất đến hết tháng 4, thời gian tới vẫn chờ các đơn hàng mới.

“Với gần 1.000 lao động nên để duy trì sản xuất, DN đang tìm kiếm các đơn hàng nội địa và xuất khẩu khẩu trang, mặc dù các đơn hàng ký kết thời điểm này có giá thấp, lợi nhuận không đủ để trang trải các chi phí, lương công nhân. Song, để ổn định việc làm cho công nhận và không để đóng cửa nhà máy, DN phải chấp nhận “bù lỗ” để ký kết các đơn hàng”, ông Khánh chia sẻ.  

Điều đáng lo ngại hiện nay là, thời gian tới khi dịch COVID- 19 được khống chế, tình hình thị trường xuất khẩu cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng trưởng chậm, người dân trong giai đoạn phục hồi sau dịch. Mặc dù nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại, nhưng nhu cầu thị trường thấp đã dẫn tới một đợt giảm giá mạnh trên phạm vi toàn cầu, dự kiến mức giá giảm khoảng 20%.

Vì vậy, tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt là giải pháp trước mắt nhằm duy trì sản xuất và không để công nhân mất việc.

Clip sản xuất tại các doanh nghiệp dệt may

Theo lãnh đạo Sở Công thương, do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 nên qúy I/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 110 triệu USD, giảm 7,3%. Các lĩnh vực ảnh hưởng nhiều là dệt may, sợi, thủy sản, đồ gỗ mỹ nghệ, dăm gỗ…

Bài, ảnh, clip: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ hô hấp cho nhân viên y tế

Ngày 30/8, Đoàn công tác Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng CDC Hoa Kỳ, Tổ chức Hiệp hội các Phòng xét nghiệm y tế công cộng Hoa Kỳ (APHL) đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế.

Bảo vệ hô hấp cho nhân viên y tế
Doanh nghiệp dệt may, da giày lo ngại vì giá đô la tăng cao

Căng thẳng Biển Đỏ chưa hạ nhiệt, những ngày qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) tại các ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại; trong đó, các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng không ngoại lệ.

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo ngại vì giá đô la tăng cao

TIN MỚI

Return to top