ClockChủ Nhật, 11/07/2021 16:02

Xuất khẩu phục hồi & tăng trưởng

TTH - Dù chịu tác động và ảnh hưởng do dịch COVID-19, song kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh vẫn đạt hơn 500 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng khi các doanh nghiệp (DN) có ngành hàng xuất khẩu vượt qua khó khăn, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.

Tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sảnTới tấp đơn hàng nhưng dệt may vẫn đối mặt nhiều nguy cơ trong đợt dịch mới

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021

Mở rộng thị trường

Những tháng đầu năm 2021, nhiều DN có ngành hàng xuất khẩu gặp thuận lợi khi đơn hàng liên tục tăng, thị trường xuất khẩu mở rộng sang nhiều nước trên thế giới nên giá trị KNXK tăng, đời sống người lao động khá ổn định.

Là DN chuyên sản xuất các loại bàn ghế ngoài trời xuất sang thị trường Mỹ, so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2020, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế tăng số lượng đơn hàng lên gần gấp đôi, trong đó KNXK đạt gần 5 triệu USD, ổn định việc làm cho 200 lao động.

Giám đốc công ty, ông Lê Dương Huy khẳng định, do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 nên hàng hoá tại một số nước, trong đó có Trung Quốc gặp khó khăn khi xuất sang Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam, nhất là nhóm đồ gỗ nội, ngoại thất. Dịch COVID-19 nên người dân các nước hạn chế ra ngoài, đây cũng là lợi thế để các sản phẩm bàn ghế ngoài trời sử dụng nhiều hơn dẫn đến đơn hàng tăng. Hiện, đơn hàng xuất khẩu đã ký đến hết năm 2021.

Vừa phát triển sản xuất, DN còn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy chế xuất Billion Max tại Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn Chân Mây đã ổn định sản xuất và mở rộng thêm nhà máy để tăng năng lực sản xuất. Trên diện tích hơn 10ha, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 23 triệu USD, hiện DN có 3 nhà máy ổn định sản xuất để cung ứng cho các đối tác xuất khẩu ở Mỹ, Nga, châu Âu, sản phẩm xuất khẩu chính là đồ chơi cho trẻ em.

Theo lãnh đạo công ty, quý II/2021, công ty tiếp tục mở rộng đầu tư giai đoạn 2 với nhà xưởng thứ 4 trên quy mô khoảng 6ha, mức vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, dự kiến khi đưa vào hoạt động sẽ tuyển dụng thêm khoảng 2.000 lao động.

Tăng trưởng và “kín” đơn hàng

Dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu tại các DN trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 và đạt tốc độ tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Ngoài nỗ lực của các DN, thì chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu cũng góp phần giúp DN vượt qua khó khăn để gia tăng giá trị KNXK.

Với kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, nên sau khi bùng phát dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, Công ty CP Dệt may Phú Hoà An đã nhanh chóng đàm phán với các đối tác, chuyển dịch các đơn hàng truyền thống sang khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế. Nhờ vậy, trên 1.000 lao động luôn ổn định việc làm. Từ đầu năm đến nay, qua tham khảo thị trường, nắm bắt thị hiếu khách hàng khi người dân các nước hạn chế ra ngoài và ở nhà phòng chống dịch COVID- 19, DN chuyển hướng sản xuất các sản phẩm nội y và áo quần ở nhà nên đơn hàng luôn “kín”.

Theo Tổ trưởng nhân sự công ty Bùi Thị Hiếu, hiện đơn hàng đã ký kết đến hết năm 2021 với kế hoạch đạt doanh thu 300 tỷ đồng; đang đàm phán với đối tác để ký kết đơn hàng năm 2022. Để đáp ứng đơn hàng, công ty vừa đầu tư 15 tỷ đồng trang bị các dây chuyền sản xuất hiện đại.

So với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, dệt may vẫn là nhóm đứng đầu tăng trưởng khá và đạt giá trị KNXK cao. Đơn hàng nhiều, KNXK tăng chứng tỏ DN dệt may trên địa bàn đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới. Nhiều DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.

Theo Sở Công thương, tháng 6/2021, KNXK hàng hóa đạt 82,9 triệu USD, đưa tổng KNXK 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 500,5 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ và đạt 54% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt 280 triệu USD, tăng 43%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 220 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.

Phần lớn các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 có biến động tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhóm hàng nông, thuỷ sản có KNXK 45,3 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 9,1% tổng KNXK; nhóm hàng công nghiệp chế biến có KNXK 374,2 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,8% tổng KNXK. Trong đó, xơ, sợi dệt các loại ước đạt 115,2 triệu USD, tăng 61,6%; hàng may mặc ước đạt 218 triệu USD, tăng 22%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 40,7 triệu USD, tăng 9,7%...

Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, bà Trần Thị Hoà, thị trường xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 khá phong phú khi DN đã xuất khẩu đến 42 quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, khối ASEAN và các nước châu Âu… góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Từ nay đến cuối năm, các DN tiếp tục phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường để đưa KNXK toàn tỉnh năm 2021 đạt 920 triệu USD.

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, gia tăng giá trị KNXK, Sở Công thương đang đề xuất xây dựng phương án hoạt động trung tâm logistics trên cơ sở kết nối cảng biển nước sâu Chân Mây và ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài và các khu vực liên quan.

Ngoài ra, sẽ triển khai một số đề án phát triển công nghiệp, như “Khảo sát, đánh giá thực trạng cụm công nghiệp và định hướng phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030”, thực hiện các giải pháp nâng cao hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm xuất khẩu.

Theo dự báo của Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các FTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Bài. ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo toàn diện đến quyền lợi cho người lao động trong Tháng Công nhân

Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn triển khai nhiều hoạt động hướng về người lao động, trong đó có hoạt động đối thoại với chính quyền, chủ sử dụng lao động. Ông Phan Vân Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề trên.

Chăm lo toàn diện đến quyền lợi cho người lao động trong Tháng Công nhân
Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Hướng về đoàn viên, người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân luôn là đợt cao điểm chăm lo cho công nhân lao động. Năm nay, với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", ngay từ thời điểm cuối tháng 4, nhiều hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần đã được các cấp công đoàn đồng loạt thực hiện.

Hướng về đoàn viên, người lao động

TIN MỚI

Return to top