Mèo rừng (Felis bengalensis) - động vật quý hiếm
Vào những ngày cuối năm vừa qua, Trung tâm Cứu hộ- Bảo tồn và Phát triển sinh vật (CHBT&PTSV) Vườn QGBM phối hợp với Hạt KL Bạch Mã tiến hành tái thả 9 cá thể rồng đất (Physignathus cocincinus Cuvier) về với môi trường tự nhiên. Các cá thể rồng đất này do Trạm KL Lộc Hòa thuộc Hạt KL Bạch Mã thu giữ khi tuần tra kiểm soát trên địa bàn.
Qua kiểm tra, các cá thể rồng đất có tình trạng sức khỏe bình thường, tổng trọng lượng của 9 cá thể là 1,5 kg, không có dấu hiệu bị thương. Rồng đất được nhiều người ưa chuộng nuôi làm cảnh nên số lượng ngoài tự nhiên đang bị suy giảm và được xếp vào cấp độ sắp nguy cấp, trong sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ.
Bên cạnh những đối tượng còn thiếu nhận thức vẫn có không ít người ý thức cao trong việc bảo tồn ĐVHD. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn ĐVHD đối với lực lượng kiểm lâm. Từ sự phối hợp của người dân, thời gian gần đây đã cứu hộ thành công nhiều động vật quý hiếm.
Mới đây, anh Lê Quang Nhật ở phường Thủy Xuân tình cờ bắt gặp có người bán cá thể mèo rừng rất đẹp, anh đổi một con chim quý của mình để lấy con mèo này về nuôi cảnh. Khi ấy, anh chưa biết đây là loài ĐVHD quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Trong lúc đang trên đường đưa mèo về nhà thì lực lượng chức năng phát hiện. Khi được giải thích, anh Nhật vui vẻ giao chú mèo cho lực lượng kiểm lâm TP. Huế.
Ngay sau khi thu giữ cá thể mèo rừng (Felis bengalensis), Hạt KL TP. Huế bàn giao cho Trung tâm CHBT&PTSV- Vườn QGBM thả về môi trường tự nhiên.
Vào một đêm cuối năm 2017, biết tin có người rao bán mèo rừng khu vực đường Lê Quang Đạo, phường Xuân Phú, nghĩ rằng đây có thể là động vật quý hiếm, anh Hoàng Tuấn Anh trú tại phường An Đông đã chuộc lại từ người rao bán và tự nguyện giao nộp cho Chi cục KL tỉnh. Chú mèo được Trung tâm CHBT&PTSV- Vườn QGBM chăm sóc, phục hồi sức khỏe và tái thả về rừng.
Rùa núi viền-động vật nguy cấp, quý hiếm được trả về môi trường tự nhiên
Cùng thời điểm (ngày 11/12/2017), Trung tâm CHBT&PTSV tiếp nhận một cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii) tại hộ anh Nguyễn Tuấn ở phường Thủy Biều. Đây là cá thể rùa đực, có trọng lượng 700g, mai rùa bị tróc 5 mảnh bên phải, chi trước bên phải hơi yếu. Rùa sa nhân thuộc loài động vật quý hiếm, mức độ nguy cấp, nằm trong sách đỏ thế giới. Nghĩ đây có thể là loài động vật quý hiếm, anh Tuấn báo với lực lượng kiểm lâm TP. Huế để kịp thời được cứu hộ.
Ông Lê Viết Ngọc Vinh, Hạt trưởng Hạt KL TP. Huế cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn TP.Huế xuất hiện một số loài ĐVHD nghi do săn bắt để bán cho các nhà hàng làm thực phẩm. Một số loài như rùa sa nhân, rùa núi viền có thể trôi theo các khe suối dạt vào các khu vườn nhà dân. Điều may mắn, phần lớn các cá thể động vật được phát hiện kịp thời, người dân hợp tác tốt nên đã cứu hộ thành công, thả về môi trường tự nhiên.
Ông Đặng Ngọc Quốc Hưng- Vườn QGBM mong muốn, ngoài nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm của ngành KL thì mỗi người dân cần ý thức hơn nữa trong công tác bảo tồn ĐVHD. Nếu mọi người dân tẩy chay thịt ĐVHD thì nạn săn bắt sẽ giảm và triệt để. Khi phát hiện các dấu hiệu săn bắt, buôn bán ĐVHD cần thông báo ngay đến cơ quan chức năng để được xử lý, cứu hộ kịp thời.
Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của cán bộ KL Vườn QGBM đã cứu hộ thành công nhiều cá thể động vật quý hiếm. Ngoài cứu hộ các cá thể mèo rừng, rồng đất, rùa sa nhân... trong năm 2017, Vườn QGBM còn cứu hộ thành công, thả về môi trường tự nhiên loài rùa núi viền do anh Lê Văn Mạnh ở TP. Huế bàn giao, vọoc chà vá chân nâu... đều thuộc loài nguy cấp, trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Hoàng Triều
Ảnh: Vườn QGBM