ClockThứ Tư, 15/09/2021 06:30

Để Huế phát triển xứng tầm - kỳ 1: Châu về hợp phố

TTH - Mở rộng TP. Huế theo Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bước đi quan trọng đầu tiên trong hành trình phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương.

TP. Huế xây dựng lộ trình quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp đến năm 2025Ứng dụng viễn thám và GIS cho sự phát triển của HuếBảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế

Không chỉ là vấn đề về diện tích và quy mô, sáp nhập và mở rộng là tạo điều kiện để Huế phát triển.  

 

TP. Huế ngày càng đẹp và khang trang. Ảnh: MC

Hồ hởi, tất bật

Cứ mỗi lần về Thuận An, chúng tôi lại nhớ tới Cửa Lò (Nghệ An). Sau năm 1975, Thuận An đã là một cảng biển có tiếng tăm thì Cửa Lò còn là một bãi cát hoang, vậy mà bây giờ đã là một khoảng cách… mênh mông. Xem ra, Thuận An vẫn đầy lợi thế. Nằm ở cửa ngõ phía đông, cách trung tâm TP. Huế chỉ hơn 10 cây số, Thuận An là một cửa biển quan trọng ở miền Trung, là thủy lộ chính thông sông Hương qua phá Tam Giang ra Biển Đông. Nơi đây có bãi biển nổi tiếng, đất rộng (16,28 km²) và người đông (20.972 người, năm 2020), từ năm 2013 đã được công nhận đô thị loại IV. Thuận An cũng đã có những thay đổi nhưng nhìn chung là chậm, thiếu sức bật và cả sự phát triển mang tính bền vững.

Chúng tôi cũng đã ghé qua Hải Dương gần đó, dự kiến sẽ có chiếc cầu lịch sử bắc qua Thuận An; Hương Phong với Rú Chá, Hương Vinh có phố cổ; thăm Phú Thượng, Phú Dương, Thủy Vân, ngược lên Thủy Bằng rồi sang Hương Thọ. Một người dân ở Hương Vinh nhắc lại chuyện hơn 30 năm trước, Hương Vinh có phố cổ Bao Vinh nổi tiếng cũng từng thuộc Huế trước khi thành một xã của thị xã Hương Trà. Vậy nên lần này với Hương Vinh là “châu về hợp phố”.   

Nhớ lại thời điểm trước khi sáp nhập, trong khi người dân chờ đợi và hy vọng thì chính quyền các cấp lại phải tất bật lo toan nhiều thứ và càng tới gần ngày sáp nhập, việc chuẩn bị lại càng khẩn trương. Tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác để tiến hành công tác tiếp nhận, bàn giao, quản lý từ đất đai, tài sản, tài chính ngân sách đến con người. Thành ủy Huế chỉ đạo hình thành các tổ tương ứng để thực hiện các nhiệm vụ liên quan; liên tục diễn ra các cuộc làm việc giữa thành phố Huế và các huyện, thị liên quan, gồm Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang.

Chiều 15/6, chúng tôi được tham dự buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Huế với Thị ủy Hương Thủy. Có 2 xã của Hương Thủy là Thủy Vân và Thủy Bằng sáp nhập vào dịp này. Không dông dài lý luận, cuộc họp đi vào những vấn đề cụ thể, như rà soát củng cố hồ sơ, thường xuyên trao đổi phối hợp để việc thực hiện đúng theo quy trình và tiến độ đề ra. Lãnh đạo hai bên cho rằng, quá trình chuyển giao mất nhiều thời gian và sẽ có nhiều vướng mắc nảy sinh, song các cơ quan liên quan phải nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để bảo đảm tính liên tục của công tác quản lý Nhà nước, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.

Có dịp về một số địa phương chuẩn bị sáp nhập vào TP. Huế vào cuối tháng 6/2021, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc khẩn trương và rất trách nhiệm. Các cơ quan chuyên môn thực hiện việc thống kê, kiểm kê theo từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đúng quy định. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ký biên bản tổng hợp chung, giao nhận giữa các bên. Việc bàn giao tổ chức bộ máy, tài sản, hồ sơ, tài liệu... và chuyển giao trách nhiệm quản lý theo đơn vị hành chính mới cũng phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời, theo nguyên tắc thuộc địa bàn đơn vị hành chính nào thì được nhập, bàn giao nguyên hiện trạng.

Tại xã Hương Vinh, thiếu tá Lê Quang Huy, Trưởng Công an cho biết, lực lượng công an đã tập trung rà soát lại, nắm kỹ từng hộ dân, từng nhân khẩu trên địa bàn. Cán bộ xã cũng đã có sự chuẩn bị, trang bị thêm kiến thức công nghệ thông tin để khi “lên” TP. Huế sẽ làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn. Ngày 30/6/2021, tại Huế diễn ra lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về thành lập công an các phường, trong đó có Hương Vinh trực thuộc Công an TP. Huế.

Sau mở rộng, các tuyến đường dẫn về biển Thuận An, các xã Hải Dương và nhiều địa phương được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng

Bám luật để triển khai

Trong lịch sử, đã có nhiều lần TP. Huế được nhập, tách và mở rộng. Lần mới đây nhất là vào tháng 9/1981, TP. Huế mở rộng với việc sáp nhập thêm 8 xã và 5 thôn thuộc huyện Hương Điền (cũ), 9 xã và 5 thôn thuộc huyện Hương Phú (cũ). Thế nhưng, chỉ 8 năm sau, lại diễn ra việc tách 8 xã về lại như trước khi tỉnh Thừa Thiên Huế được tái thành lập. Người dân bắt đầu “ngại” và nhắc nhiều đến điệp khúc “khắc nhập, khắc xuất”.

Với lần mở rộng mang ý nghĩa lịch sử lớn lao này, ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế chia sẻ, cấp ủy và chính quyền thành phố có nhiều buổi làm việc, tiếp xúc với cử tri, người dân và đại diện lãnh đạo cơ sở, đa phần người dân phấn khởi. Việc mở rộng TP. Huế cũng là mong ước của nhiều thế hệ, mọi người dân đều mong muốn mở rộng để làm sao giữ gìn được vùng lõi đô thị di sản mà thành phố đang có; đồng thời, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng ven thành phố.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Việc tổ chức triển khai thực hiện phải bám sát Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định của Trung ương; đồng thời, vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn địa phương. Quá trình thực hiện không ảnh hưởng đến hoạt động chung của từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; không có sự gián đoạn giữa đơn vị hành chính cũ và đơn vị hành chính mới; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và người dân”.

Bài, ảnh: Thanh Hương - Đan Duy

Kỳ II: Vượt khó, ổn định tình hình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top