Ký được nhiều đơn hàng lớn
Sau gần 10 năm đặt nhà máy tại Huế, năm 2017, Công ty Scavi Huế tạo bứt phá khi mức tăng trưởng đạt 40%, KNXK chạm mốc 110 triệu USD và giải quyết việc làm cho 6 ngàn lao động.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Scavi Huế ở KCN Phong Điền
Năm 2018, doanh nghiệp (DN) tiếp tục khẳng định vị thế của chuỗi nhà máy may thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp) khi tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy may 4, nâng tổng số chuyền may lên 150 và tạo cơ hội việc làm cho 7 ngàn lao động.
Để có được kết quả trên, theo Tổng giám đốc Trần Văn Mỹ, đó là sự nỗ lực của cả tập đoàn và bản thân người lao động.
“Năm 2017 thị trường xuất khẩu gặp khó khi nhiều nước trên thế giới tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, Scavi vẫn giữ được thị trường và nhận trên 50% đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán thành phẩm). Năm 2018, chúng tôi tiếp tục liên kết với các tập đoàn, DN lớn trên thế giới đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nguyên phụ liệu cho 4 nhà máy may cũng như cung ứng ra thị trường", ông Mỹ khẳng định.
Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn DM Việt Nam, năm 2017, Công ty CP Dệt may Huế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô. Với KNXK đạt gần 84 triệu USD, doanh thu 1.672 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 56 tỷ đồng và đảm bảo việc làm ổn định cho trên 4 ngàn lao động. Dự kiến Tết Nguyên đán 2018, đơn vị sẽ chi 30 tỷ đồng thưởng tết với mức thưởng 1,5 tháng lương/người cho lao động.
Theo Phó Tổng giám đốc công ty Nguyễn Văn Phong, trong khi ngành DM cả nước đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ thì sản phẩm của DN vẫn được các đối tác đánh giá cao và lựa chọn, trong đó đã ký được nhiều đơn hàng giá trị từ các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ai Cập… Hiện, DN đã nhận đơn hàng đến tháng 4/2018 và tỷ lệ đơn hàng FOB chiếm tới 40%. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị sản xuất, tăng lợi nhuận, tạo tiền đề để DN tiếp tục đầu tư các dự án mới.
Để đạt được kết quả trên, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng, năm 2017, ngành DM đã nỗ lực phát triển và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Ngoài những thị trường chính được giữ vững như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số thị trường mới được khai thác và tạo sự bứt phá như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia... Ngoài ra, sự xuất hiện của các nhà máy may mới đi vào hoạt động trong năm 2017 như Vương Thy, Sơn Hà, Hanex, Triệu Phú...., góp phần nâng cao giá trị KNXK cho lĩnh vực DM.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh
Đón đầu thời cơ
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018. Theo đó, thuế suất cho các mặt hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ giảm dần về 0% trong khoảng 7 năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các DN trên địa bàn nhằm giảm áp lực cạnh tranh khi năm 2018, giá điện tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng, trong khi thu nhập người lao động không thể giảm.
Tận dụng cơ hội này, các DN phải chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng các điều kiện cần, như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn của Việt Nam, hoặc phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc EU và các nước có các hiệp định song phương với EU.
Để đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho các DN, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành DM cũng đang được các tập đoàn, DN trong và ngoài nước đặt nền móng tại Huế. Hiện, có 2 DN với tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng triển khai xây dựng nhà máy sản xuất phụ liệu tại khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, với các sản phẩm như ống côn giấy và thùng carton; một dự án sản xuất phụ kiện may mặc công suất 1 triệu sản phẩm/tháng tại KCN Phong Điền sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2018 và 2 nhà máy sẽ khởi công xây dựng, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên phụ liệu cho các DN.
Để trở thành trung tâm DM của khu vực miền Trung và cả nước, hiện UBND tỉnh và các ban ngành đang triển khai kêu gọi các tập đoàn trong và ngoài nước nói chung và DN trong ngành nói riêng tập trung đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ DM, như vải, sợi, khóa kéo, dệt băng chun, dập cúc, hộp nhãn, mác để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đồng thời đầu tư thiết bị công nghệ cho sản xuất nguyên phụ liệu, khép kín quy trình sản xuất từ sợi- dệt- nhuộm- hoàn tất- may nhằm giảm chi phí vận chuyển và chủ động nguyên phụ liệu cho sản xuất.
Giám đốc Sở Công thương- ông Nguyễn Thanh khẳng định, DM là ngành kinh tế mũi nhọn khi KNXK chiếm tới 80% tổng KNXK hàng hóa của tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm cho trên 20 ngàn lao động tại các địa phương. Hiện, sở đang triển khai đề án phát triển ngành DM theo hướng ứng dụng công nghệ sử dụng ít lao động, đồng thời chuyển dịch về khu vực nông thôn để tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Ngoài ra, sẽ chú trọng đầu tư phát triển CNHT, có cơ chế chính sách liên kết giữa các DN với nhà sản xuất linh phụ kiện, thay đổi hình thức sản xuất từ gia công sang sản xuất FOB và hướng đến ODM (tự thiết kế sản xuất), OBM (tự sản xuất và phân phối) để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động.
Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong năm 2017, Ban đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án sản xuất hàng DM và CNHT DM, hiện các DN đã và đang triển khai xây dựng nhà máy, sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018. Đa số các dự án được cấp phép đều có tổng mức đầu tư và quy mô lớn nên triển khai xây dựng nhanh, hiện một số DN đã hoàn thành và đi vào sản xuất.
Thêm 5 nhà máy may trong năm 2018
Năm 2018, trên địa bàn sẽ có thêm 5 nhà máy may mới đi vào hoạt động, đồng nghĩa với khoảng 5 ngàn lao động sẽ có việc làm và giá trị KNXK sẽ tăng lên. Một tín hiệu vui cho các DN khi KCN hỗ trợ DM tại huyện Phong Điền đã có nhà đầu tư hạ tầng và đang đẩy nhanh tiến độ. Một số tập đoàn sản xuất CNHT DM lớn trong và ngoài nước đã khảo sát và nghiên cứu đầu tư tại Huế đã mở ra hướng đi mới cho ngành DM, cùng nỗ lực để sớm đưa Huế trở thành trung tâm DM của khu vực và cả nước.
|
Thanh Hương