Người dân Quảng Điền tích cực diệt chuột
Bước vào vụ lúa đôngxuân, HTX Thắng Lợi (xã Quảng Lợi) tích cực triển khai nhiều biện pháp khắc phục khó khăn về hạ tầng, thời tiết. Bà con xã viên tiến hành nạo vét kênh mương chống hạn, chuyển đổi những diện tích lúa hiệu quả thấp sang trồng lạc, sen. Trong đó, diệt chuột bảo vệ mùa màng là một trong những biện pháp cấp bách đối với bà con từ đầu vụ đến nay.
Mỗi đợt, HTX Thắng Lợi huy động hơn 1.200 xã viên ra quân diệt chuột trên các xứ đồng. Từ đầu vụ đến nay, HTX tiến hành 5 đợt diệt chuột, bằng các biện pháp thủ công như đào hang bắt, bẫy lồng và rải thuốc sinh học. Mỗi đợt ra quân, HTX tiêu diệt hàng chục ngàn con chuột. Hằng ngày, người dân còn tự tổ chức diệt rải rác, tuy nhiên chuột sinh sôi rất nhanh, trên diện rộng với khoảng 200/364ha, tỷ lệ gây hại 10-20%.
HTX Kim Thành và các HTX trên địa bàn xã Quảng Thành cũng đã ra quân diệt chuột trên các xứ đồng liên tục từ nhiều ngày qua. Phần nhiều diện tích ruộng lúa ở HTX Kim Thành và một số nơi nằm ở khu vực cồn mồ nên công tác diệt chuột bằng cách đào hang không hiệu quả. Các HTX đã chọn phương án diệt chuột bằng thuốc sinh học Racumin. Theo đó, mỗi HTX đã trích kính phí hơn 15 triệu đồng mua thuốc và hỗ trợ nhân lực diệt chuột.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2019 vừa qua không xảy ra lũ lụt, tạo điều kiện cho chuột sinh sản nhiều. Khi mới bắt tay vào vụ, nhiều diện tích lúa, rau màu bị chuột phá hoại khá nặng. Liên tục trong những ngày qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Điền tổ chức vận động nông dân tiến hành các biện pháp diệt chuột.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, xác định vụ lúa đông xuân năm nay đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết, chuột gây hại, UBND huyện tích cực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Đó là huy động nhân lực, vật lực tổ chức các đợt ra quân diệt chuột; chú trọng công tác vớt bèo, khơi thông dòng chảy, tu sửa kênh mương thủy lợi, nạo vét ao hồ chứa nước để đảm bảo cung ứng cho sản xuất. Đối với những vùng nguy cơ thiếu nước như Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, Quảng Lợi, đã tiến hành chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng lạc, khoai lang hoặc dưa hấu.
Không riêng Quảng Điền, hiện nay, chuột đang gây hại nhiều đồng ruộng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ gây hại phổ biến từ 5-10%, nơi cao 10-20%. Do chuột sinh sôi rất nhanh nên người dân gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó, tiêu diệt. Các biện pháp tiêu diệt an toàn được triển khai như bẫy lồng, vây lưới, đào hang bắt… không mấy hiệu quả. Vì vậy, nhiều địa phương, người dân đã chuyển sang tiêu diệt bằng thuốc sinh học mang lại hiệu quả, số lượng chuột tiêu diệt mỗi đợt rất lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc sinh học để diệt chuột khá tốn chi phí, tại một số HTX với diện tích 250-300 ha sẽ tốn chừng 15 triệu đồng/đợt.
Tuy tốn kém chi phí nhưng theo các HTX và bà con xã viên, diệt chuột bằng thuốc sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để bảo vệ mùa màng. Tại một số địa phương, vì lo ngại tốn kém chi phí mà người dân đã sử dụng bẫy điện để diệt chuột. Đây là giải pháp mất an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng nên không khuyến khích. Năm vừa qua, tại xã Quảng Phước (Quảng Điền) và một số địa phương trước đó cũng đã từng xảy ra tai nạn chết người do diệt chuột bằng bẫy điện.
Theo Sở NN&PTNT, trong điều kiện không có lũ tẩy rửa môi trường dẫn đến tình trạng sâu bệnh, chuột sinh sôi là điều khó tránh khỏi. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang tổ chức hướng dẫn nông dân triển khai các biệt pháp diệt chuột an toàn bằng nhiều biện pháp: đào hang bắt, kết hợp bẫy lồng, thuốc sinh học…; thường xuyên theo dõi đồng ruộng, sớm phát hiện sâu bệnh để xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng. Sở NN&PTNT khuyến cáo, người dân không nên sử dụng bẫy điện diệt chuột gây huy hiểm đến tính mạng.
Bài, ảnh: Triều - Cường